Biển hiệu kiểu mẫu ở Hà Nội: Lạc hậu và phạm luật?


Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng các quy định về biển hiệu quảng cáo ở phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội) vừa lạc hậu vừa phạm luật.



Phố Lê Trọng Tấn mới được cải tạo trở thành tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của thủ đô. Tại đây, các biển hiệu quảng cáo được quy hoạch đồng bộ từ màu sắc, chiều cao đến kích cỡ…


Chiều cao trung bình của các loại bảng biển quảng cáo so với mặt đất được cố định khoảng 3,2m - 3,3m. Chiều cao bảng biển là 1,1m, được sơn 2 màu xanh và đỏ. Được biết, kinh phí lắp đặt bảng biển quảng cáo được Thành phố Hà Nội tài trợ.


Không lâu sau khi tuyến phố này được cải tạo đã xuất hiện nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh các quy định về biển hiệu quảng cáo ở đây. Nhiều người cho rằng quy định cả về màu sắc của biển quảng cáo là hơi quá đà.


Các thương hiệu lớn sẽ “tẩy chay” phố kiểu mẫu?


Những tấm biển hiệu quảng cáo có cùng kích thước chiều cao, nối liền nhau, chỉ có hai màu xanh và đỏ tại tuyến phố Lê Trọng Tấn đang thu hút sự chú ý của nhiều người đi đường.


Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nói: “Tôi thấy việc quy hoạch biển rất lạ đời. Nó đi ngược hoàn toàn với các nguyên lý cơ bản, lý thuyết về sự phát triển của con người, xã hội nhất là quy định về màu sắc”.


Ông Quang đánh giá, qua cách quy định bày biện trang trí biển hiệu của phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn, dễ nhận thấy tư duy xã hội của một số quan chức Hà Nội bị kéo lùi so với văn minh nhân loại cả trăm năm tuổi. Riêng về tư duy màu sắc đã bị thụt lùi, lạc hậu chứ chưa nói đến tư duy về kinh tế thị trường hay việc phát triển, hội nhập.


Là người từng góp ý với lãnh đạo Hà Nội về việc này từ cách đây 2 – 3 năm, chuyên gia thương hiệu này cho rằng có 3 điểm bất hợp lý trong quy định trên.


Thứ nhất, ai học thiết kế cũng biết có 4 màu cơ bản là xanh, hồng, vàng, đen. Từ 4 màu cơ bản trên có thể tạo ra hàng nghìn màu sắc khác nhau được công nhận bảo hộ về Trade-mark cũng như Copyright trên toàn thế giới.


Việc khám phá ra thế giới màu sắc đó thể hiện sự tiến hóa của xã hội hiện đại. Những nơi thành công và hiện đại nhất thế giới họ đều hiểu và vận dụng tốt nguyên lý đó.


Một trong những nguyên tắc xây dựng thương hiệu đó là độc quyền về màu sắc. Mỗi thương hiệu sẽ sở hữu code màu riêng và họ không bao giờ “đụng hàng”.


“Quy định màu sắc ở Lê Trọng Tấn là trái luật so với những công ước mà Chính phủ Việt Nam đã ký trong các Hiệp định thương mại quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa như WTO, WIPO, TPP...


Cục Sở hữu Trí tuệ không ai đồng ý chuyện đó đâu và đặc biệt, những thương hiệu lớn thà không mở cửa hàng ở đây chứ không bao giờ họ đổi màu”, ông Quang khẳng định.


Thứ hai, về không gian thiết kế, theo ông Quang, lãnh đạo Hà Nội chưa hiểu và chưa có sự phân biệt không gian theo chiều ngang và chiều thẳng đứng. Khu phố trên không phải là đại diện tiêu biểu về hạ tầng cho một khu phố thương mại nên nếu áp quy định trên là không hợp lý. Một khu phố thương mại phải có biển quảng cáo lên tới 4 – 5 – 7 tầng chứ không chỉ ở tầng 1 như thế.


Thứ ba, ông Quang cho rằng quy hoạch ở phố Lê Trọng Tấn không phải là quy hoạch quảng cáo mà chỉ là một số quy định về biển hiệu. Các nhà quản lý chưa hiểu rằng có 2 loại biển quảng cáo: biển hiệu cửa hàng và biển quảng cáo tấm lớn (Pano, Billboard). Những biển hiện có ở Lê Trọng Tấn chỉ là biển hiệu.


Hà Nội đang kiểm tra


Từ những phân tích trên, ông Quang nhận xét quy hoạch ở phố trên chỉ như “một bảo tàng”. “Lãnh đạo Hà Nội nên xem lại việc này và có thể học tập cách quy hoạch biển quảng cáo của Quảng trường Thời Đại ở Mỹ”, ông Quang nhấn mạnh.


Qua khảo sát, nhiều người có cùng quan điểm với ý kiến của chuyên gia thương hiệu này.


Zing.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội. Sau khi nhận được phản ánh, ông Hùng cảm ơn Zing.vn đồng thời khẳng định sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan kiểm tra sự việc và sẽ sớm có thông tin phản hồi tới độc giả.


Trong khi đó, bà Lê Mai Trang, Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, màu sắc và kích cỡ của biển hiệu quảng cáo được quyết định trên cơ sở hỏi ý kiến người dân và nhận được đồng thuận.


Đơn vị này cũng hứa sẽ tìm hiểu và lắng nghe, tiếp thu ý kiến của dân liên quan đến việc này để có giải pháp tối ưu.


"Kích thước, chiều cao phải đồng bộ, thống nhất theo chỉ đạo của thành phố. Còn vấn đề màu sắc đặc thù mang tính nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp khác với các màu hiện nay, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm và báo cáo thành phố để từ đó có hướng giải quyết", bà Trang nói.


Tháng 1 vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc từng quyết định bỏ quy định về quảng cáo nhằm tạo ra một phiên bản Quảng trường Thời đại của Hàn Quốc trong nỗ lực thúc đẩy công nghiệp quảng cáo và thu hút nhiều du khách hơn.


Bộ Nội vụ Hàn Quốc cho hay, doanh nghiệp có thể lắp màn hình kỹ thuật số và biển quảng cáo tự do, không bị hạn chế về loại hoặc kích thước - những điều mà trước đây bị hạn chế nghiêm ngặt.


Quy định sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 tới, mở đường cho sự nở rộ của công nghệ kỹ thuật số dành cho quảng cáo – thứ đã phát triển nhiều năm, nhưng chưa từng xuất hiện tại Seoul chỉ vì các quy định trên.


Cùng với việc nới lỏng các quy định về biển quảng cáo, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang tăng cường xử lý những bảng quảng cáo bất hợp pháp như băng rôn và bóng bay được trưng bày trái phép hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người qua lại khu vực này.


Ngoài ra, Hàn Quốc cũng tăng mức xử phạt với người vi phạm luật quảng cáo. Cụ thể, người đăng các quảng cáo khiêu dâm có thể bị phạt 2 năm tù hoặc phạt tiền lên tới 20 triệu won (16.700 USD) trong khi trước đây họ chỉ bị phạt 1 năm tù hoặc 1 triệu won.



Kiều Vui - Kim Ngân


http://news.zing.vn/bien-hieu-kieu-mau-o-ha-noi-lac-hau-va-pham-luat-post649160.html