Bị xúc phạm vì được đối xử tốt(Cộng đồng Việt)- “Sao bây giờ cứ nhận đươc một việc đúng tiêu chuẩn và là cái quyền của mình, mình lại cứ luôn cảm thấy áy náy vì sự tử tế của người khác nhỉ?”. Đó là tâm sự rất đáng suy ngẫm của một người bạn tôi, có phải vì thời buổi này, lòng tin vào sự tử tế của chúng ta đã bị lung lay nhiều quá?








Mặt đường nham nhở cười vào mặt dự án


Cấm đường để bán giấy phép?


Cảm kích CSGT đổ xăng giúp sĩ tử đi thi


Cảnh sát thờ ơ nhìn côn đồ đánh dân











“Từ trước tới giờ, tôi luôn bị ấn tượng sâu đậm bởi văn hóa phục vụ của thời bao cấp, những khuôn mặt lạnh lùng, những câu nói cụt ngủn, trịch thượng của các nhân viên bán hàng hay nhân viên dịch vụ nên rất ngại ngần mỗi khi phải có việc gì đó liên quan đến các cơ quan nhà nước. Thế nhưng sau những lần liên lạc với tổng đài dịch vụ của mạng VNPT ở Hà Nội, tôi đã cảm thấy đỡ đi phần nào ấn tượng chưa đẹp này.


Khi tôi báo hỏng mạng internet, nhân viên trực tổng đài đã nhanh chóng tiếp nhận yêu cầu của tôi và thông báo sẽ cử nhân viên đến kiểm tra ngay. Theo thói quen, tôi cứ đoán chắc phải ngày hôm sau mới có người đến, nhưng không ngờ, chỉ 1 vài tiếng sau, có nhân viên đến kiểm tra ngay thật. Đó là điều ngạc nhiên thứ nhất.


Điều ngạc nhiên thứ hai là mặc dù mạng nhà tôi bị trục trặc, phải sửa đi sửa lại rất nhiều lần, có lần rơi vào ngày thứ 7, chủ nhật nhưng vẫn có nhân viên đến sửa, thái độ hòa nhã, dễ chịu, không hề tỏ ra “mặt nặng mày nhẹ” dù trong thâm tâm tôi cảm thấy áy náy vì mình đang làm phiền họ.


Trong số các nhân viên mà tổng đài cử đến sửa mạng ở nhà tôi, có một người tên là Việt, cỡ khoảng trên dưới 30 tuổi, thật tiếc là tôi không biết họ của cậu ấy là gì, chỉ biết số điện thoại của Việt vì có lần cậu bảo tôi: “Chị cứ lưu số của em vào, mạng có gì trục trặc thì gọi thẳng cho em cũng được”.


Trong thời gian mạng nhà tôi bị hỏng, Việt đã đến nhà sửa 5,6 lần gì đó, có lần trong giờ hành chính, xong cũng có lần vì mạng trục trặc lâu nên phải làm vắt từ chiều sang tối. Tôi thực sự cảm thấy ái ngại khi phải phiền Việt như vậy, nhưng thái độ của cậu rất vui vẻ, làm công việc của mình hết sức trách nhiệm. Thậm chí, có lần bố mẹ tôi vì thấy Việt phải đến làm nhiều lần, đã đề xuất gửi cậu một số tiền nhỏ xíu để uống nước gọi là, nhưng Việt cũng từ chối không nhận.


Tôi nhớ hôm ấy, sửa mạng cho tôi đến gần 7 giờ tối mà vẫn không được, có lẽ do thiết bị phát sóng wifi tôi mới mua về để lắp đặt chưa tương thích với mạng, tôi phải nói mãi Việt mới chịu ra về trong khi chắc ở nhà có việc gì gấp nên người nhà gọi vào máy điện thoại khá nhiều lần. Tôi bảo Việt: “Em cứ về giải quyết công việc ở nhà đi, có gì sáng mai em quay lại làm cũng được”. Trước khi ra về, Việt còn nói với tôi: “Em sửa mãi mà vẫn chưa được, mất nhiều thời gian của gia đình quá nên cũng rất áy náy”.


Câu nói của Việt làm tôi cảm động thực sự, vì nó chứng tỏ cậu là một người có lương tâm và trách nhiệm với công việc của mình. Thực ra Việt hoàn toàn có thể bảo với gia đình tôi: “Vì hết giờ hành chính nên cháu phải về, mai cháu quay lại làm tiếp” thì cũng là hoàn toàn hợp lý và không ai trách được cậu. Nhưng không, Việt vẫn cố để giải quyết công việc sao cho thuận lợi nhất cho người sử dụng dịch vụ.


Tiếp xúc với Việt, tôi đã thay đổi hẳn cách suy nghĩ về những nhân viên sửa chữa dịch vụ của các cơ quan nhà nước. Rõ ràng họ đã có một sự thay đổi lớn trong cách suy nghĩ và hành động, đã coi khách hàng thực sự đúng là Thượng đế, chứ không phải mình là người “ban phát” dịch vụ cho khách hàng. Và trên hết, cách cư xử rất đáng quý của Việt còn thể hiện cái tình giữa người với người, là sự giúp đỡ, là việc thi hành đúng phận sự không chút vụ lợi mà con người nên có với nhau. Thái độ làm việc và sự tận tâm, nhiệt tình với công việc của nhân viên sửa chữa lắp đặt mạng tên là Việt đó đã khiến tôi vô cùng xúc động. Tôi muốn gửi đến em một lời cảm ơn chân thành nhất, vì thái độ với công việc cũng như với khách hàng của em đã mang đến cho tôi những suy nghĩ ấm áp về cuộc đời. Vì có những con người hết lòng và trách nhiệm như thế, mà cuộc đời này trở nên dễ thương hơn!”.


Trên đây là lá thư tâm sự của một người bạn tôi đã viết và dự định gửi đi để cảm ơn một người tốt mà chị được gặp. Chị bảo, thật ngạc nhiên vì khi gọi đến tổng đài sửa chữa mạng được giúp đỡ tận tình chu đáo, nhân viên không hề gây khó dễ, vòi vĩnh tiền bồi dưỡng, chị vừa cảm động vừa thấy... ngường ngượng thế nào.


Chị đã mang chuyện ấy kể với một vài người bạn, người vui tính thì bảo: “Tự dưng được đối xử trân trọng và tốt thế, phải cảm thấy...bị xúc phạm mới phải chứ”. Người khác lại nói: “Thật tội nghiệp vì bạn đang sống ở Hà Nội, chứ ở Sài Gòn thì những chuyện như thế là thường, nhân viên lắp đặt truyền hình cáp đến nhà, tiện thể nhờ treo cho vài bức tranh, họ cũng vui vẻ hồ hởi, người gác cổng nhận lại vé xe bằng cả hai tay và còn nói cảm ơn”.


Một người bạn khác cũng đồng cảm và chia sẻ: “Sao bây giờ cứ nhận đươc một việc đúng tiêu chuẩn và là cái quyền của mình, mình lại cứ luôn cảm thấy áy náy vì sự tử tế của người khác nhỉ?”.


Tôi cũng suy nghĩ hoài về câu chuyện này, sao ở thời buổi này, nhận được điều tốt lành mà mình đáng được nhận, thì cứ băn khoăn, trăn trở, ngượng ngập, còn nếu bị đối xử thô lỗ, bạc ác thì chúng ta lại dễ dàng tặc lưỡi chấp nhận nó và an ủi: “Đời là thế mà”. Có phải vì niềm tin ở sự tử tế của người đời đã bị lung lay đến tận gốc rễ rồi hay không?


Nhưng dẫu sao, tôi cũng ước mong được giống như người bạn của tôi, luôn khát khao đến đâu cũng gặp được những người tử tế như cậu nhân viên tên Việt. Để được nhìn cuộc đời này bằng ánh mắt dễ thương.


Mi An


Link :http://www.baodatviet.vn/van-hoa/cong-dong-viet/201307/bi-xuc-pham-vi-duoc-doi-xu-tot-2350806/