2h sáng, chuông báo động từ buồng bệnh số 9 bỗng liên tục reng. Tưởng có người báo cấp cứu, hai hộ lý và một điều dưỡng chạy đến thấy bên trong phòng kính, bệnh nhân mặt nhăn nhó nói như ra lệnh: “Tôi muốn ăn sầu riêng. Phải mua ngay cho tôi!”.


Chuyện tưởng đùa xảy ra tại khu cách ly đặc biệt thuộc khu Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM từ khi có “bão” cúm H1N1.




“Phải năn nỉ hết lời, bệnh nhân Việt kiều thèm sầu riêng đột xuất kia mới cho phép chúng tôi khất lại đến 5h sáng. Ấy thế mà khi trái cây được đưa vào, người này chỉ nếm một ít rồi bảo không còn thèm ăn nữa”, hộ lý Trần Thị Út kể.




Không riêng chị Út, nhiều nữ hộ lý khác cho rằng phục vụ cho các bệnh nhân cúm H1N1 vất vả gấp nhiều lần những bệnh nhân nặng. Bởi hầu hết họ là Việt kiều hoặc sống một thời gian dài ở nước ngoài, quen với lối sinh hoạt cao cấp. Không ít người đưa ra những yêu cầu khiến cả bệnh viện khó xử.






Hành khách bị phát hiện thân nhiệt cao được cách ly chờ xét nghiệm. Ngoài tiền ăn uống, các chi phí xét nghiệm, thuốc men đều được miễn phí. Ảnh: Thiên Chương


Chị Kim Lan, Trưởng khoa Điều dưỡng nhớ lại, có một đêm gần sáng, bệnh viện đang tĩnh lặng thì một bệnh nhân Việt kiều Australia vừa bấm chuông báo động vừa đập cửa kính. Tưởng anh này đột nhiên lên cơn sốt, một điều dưỡng mặc vội đồ cách ly vào tiếp ứng, nào ngờ khi đến nơi, bệnh nhân thả một câu: “Chiều không ăn cơm nên giờ thèm phở. Mà phải là phở của quán Lệ nổi tiếng Sài Gòn tôi mới ăn đấy nhé”.




Trước đòi hỏi khắc nghiệt không thể thực hiện được vào lúc nửa đêm, điều dưỡng chỉ biết năn nỉ bệnh nhân chờ đến sáng. “Thế nhưng cũng như vụ sầu riêng, khi phở vừa mang về đến nơi thì cũng là lúc anh ấy thèm sang hủ tiếu Nam Vang”, chị Lan nói.


“Tưởng bệnh viện là khách sạn, nhiều bệnh nhân sau khi được điều dưỡng giới thiệu các món ăn có thể được phục vụ đã lập tức trề môi lắc đầu vì không chọn được món nào. Không dám mua thức ăn bình dân, chúng tôi chọn bát hủ tiếu hơn 20 nghìn đồng, vậy mà một nữ bệnh nhân người Canada khi vừa nhìn thấy chưa nếm đã xua tay và đòi ăn bánh pizza””, hộ lý Trần Thị Út nói.




Cũng theo chị Út, từ khi có việc cách ly cúm H1N1, không ngày nào mà chị và các đồng nghiệp không nhận được những lời nhờ vả kiểu như: “Tôi không uống nước khoáng, hãy cho tôi một bọc nước mía”; hay “Có bia không, tôi thèm bia, cho tôi vài lon”; hoặc “Trả ngay cho người bán đi, tôi không có thói quen uống Pepsi, tôi muốn Coca-cola cơ”…


Không làm khó chuyện ăn uống, song một số hành khách khác do không chịu được cảnh bỗng dưng bị cách ly đến mấy ngày trong khi bên ngoài lại còn công việc, đã “gây rối” bằng cách chửi mắng hoặc đòi hỏi.




Trường hợp một vị khách Việt kiều khoảng 50 tuổi là ví dụ điển hình. Khi người này thức, không ai dám xuất hiện vì vừa trông thấy điều dưỡng hoặc hộ lý thì bà lập tức cất tiếng chửi mắng hoặc chì chiết những câu đại loại như “nệm bệnh viện chẳng êm”, tấm trải giường trắng tinh vẫn bị chê là “thấy mà ghê không dám nằm” hay “tại sao mỗi ngày chỉ thay một lần; nhà vệ sinh không có bồn tắm”…




Còn một hành khách là giáo viên người Hàn Quốc, sau khi bị phát hiện thân nhiệt cao ở sân bay, đưa về bệnh viện xét nghiệm, người này lập tức đòi được kết nối wifi để chat với vợ và làm việc. Bệnh viện phải giải thích mãi, ông vẫn lớn tiếng phản ứng. Một hành khách tuổi teen khác thì yêu cầu bệnh viện lắp máy nước nóng để tắm và phải có truyền hình cáp để xem đô vật Mỹ.




“May mắn là kết quả của các khách khó tính sau đó đều âm tính”, kể lại chuyện xảy ra hơn một tuần, nhiều bác sĩ vẫn còn hoảng.




“Ngoài cái khó trong việc phục vụ ăn uống, chuyện bất đồng ngôn ngữ cũng là nỗi khổ lớn mà chị em điều dưỡng, hộ lý và cả các bác sĩ từng đi nước ngoài vướng phải. Bởi không phải hành khách nghi bệnh nào được đưa đến đây cũng biết tiếng Anh hoặc tiếng Hoa”, một bác sĩ phó khoa Nhiễm D, nói.




Chị Kim Lan, Điều dưỡng trưởng cho biết, không ít bệnh nhân mới được đưa đến khoa, đã xổ ngay một tràng tiếng gì không ai biết. “Thấy chúng tôi ngơ ngác, các vị khách “bị buộc đến bệnh viện” càng tỏ ra giận dữ, vung tay vung chân và nói hăng hơn. Nghĩ tiêu chắc, vì đây không phải là tiếng Anh, chúng tôi đành cầu cứu bác sĩ. Nhưng cuối cùng cũng thua vì ông khách ấy người Nam Phi', chị nói.




Các điều dưỡng cho hay, thông thường gặp trường hợp như thế, mọi người nháo nhào truy tìm xem trong khoa hoặc trong toàn bệnh viện có bệnh nhân nào quốc tịch tương tự. Nếu có, bệnh nhân này sẽ giúp phiên dịch. Tuy nhiên, cũng có khi, sau khi tìm được người biết tiếng, nhân viên bệnh viện mới vỡ lẽ cái “tràng ngôn ngữ” của bệnh nhân chỉ có nội dung: “Nhà vệ sinh ở đâu. Tôi mắc tiểu quá. Cho tôi đi ngay”. Hoặc họ muốn được giải thích “tại sao họ lại bị đưa vào bệnh viện”.




Trước sự vất vả của các y bác sĩ khoa Nhiễm D, bác sĩ Nguyễn Trần Chính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng thừa nhận, chăm sóc những người đang hân hoan về nước để gặp người thân, bỗng bị chặn lại rồi đưa đi giám sát là không dễ. Chính vì vậy, để hạ “cơn thịnh nộ”, bệnh viện luôn tìm mọi lời lẽ để giải thích và đáp ứng hầu hết yêu cầu của bệnh nhân.




Còn theo Trưởng khoa Điều dưỡng, nhiều bệnh nhân khi nhập và nằm viện thường có thái độ bất hợp tác, thậm chí phản ứng mạnh mẽ, tuy nhiên đến lúc xuất viện thì lại hoàn toàn khác. “Họ đã đến để cám ơn chúng tôi và xin lỗi về sự đòi hỏi quá đáng. Một số người còn “bật mí”, do quá tù túng nên đòi hỏi thật nhiều để bệnh viện chán mà cho họ sớm xuất viện”, một điều dưỡng nói.




Đến chiều ngày 8/6, Bệnh Nhiệt Đới vẫn là bệnh viện duy nhất tại TP HCM nhận nhiệm vụ tiếp nhận hành khách quốc tế có thân nhiệt cao và điều trị những ca người lớn dương tính cúm H1N1. Ngoài hơn 10 bệnh nhân dương tính, mỗi ngày bệnh viện phải tiếp nhận thêm trên dưới 10 ca có thân nhiệt cao từ sân bay chuyển đến. Mỗi ca chờ xét nghiệm nhanh thì nửa ngày, chậm có khi đến 2 ngày mới cho xuất viện.




Từ ngày 9/6, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là nơi thứ hai được Sở Y tế TP HCM phân công tiếp nhận các trường hợp nghi và nhiễm cúm.




Theo Sở Y tế, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là nơi có khu vực cách ly được trang bị phòng ốc tối tân với truyền hình cáp, internet wifi, hy vọng sẽ giảm bớt căng thẳng cho bệnh nhân. Tuy nhiên theo nhận định của các điều dưỡng từng chịu cảnh nửa đêm lăn lội đi mua phở, khi hành khách chưa hiểu và đồng thuận thì chuyện vui buồn phòng cách ly chắc chắn sẽ còn xảy ra.


Thiên Chương


http://vnexpress.net/GL/Doi-song/2009/06/3BA0FEDC/