Bị chồng đuổi khỏi nhà, nữ thạc sĩ kiện đòi nuôi con


Không được mang theo con khi bị nhà chồng đuổi ra khỏi nhà, nỗi nhớ thương con buộc chị Lan khởi kiện ra tòa giành quyền nuôi con.


Chị Lan và anh Hoàng chung sống từ năm 2013. Họ đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn. Một năm sau chị sinh được bé gái.


Cuộc sống hạnh phúc không được bao lâu, xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng, anh Hoàng cùng gia đình đã đuổi vợ ra khỏi nhà khi bắt đầu ly thân và không cho mang theo con.


Vì thương nhớ và muốn được trực tiếp nuôi dưỡng con, chị Lan nhiều lần đến thăm và tìm cách xin gia đình chồng đưa con về nhưng bị ngăn cản. Chính quyền địa phương nhiều lần đến lập biên bản, hòa giải và yêu cầu gia đình anh Hoàng phải tạo điều kiện cho chị thăm con nhưng họ không chấp hành.


Tháng 11/2014, chị Lan làm đơn khởi kiện ra tòa xin được ly hôn và nuôi con. Chị cho biết, hiện là thạc sĩ kinh doanh, đã mua được căn hộ riêng. Chị cũng có công việc ổn định trong một công ty dược với mức lương 16 triệu đồng mỗi tháng, đủ điều kiện nuôi con không cần chồng cũ cấp dưỡng. Hơn nữa, cháu bé còn nhỏ cần sự chăm sóc của mẹ.


Cuối năm 2015, TAND quận Bình Thạnh mở phiên xử sơ thẩm nhưng anh Hoàng và người bảo vệ quyền lợi vắng mặt không lý do. Xét chị Lan có đủ các điều kiện nuôi con, hơn nữa cháu bé dưới 36 tháng tuổi nên HĐXX quyết định giao cho người mẹ chăm sóc. Về quan hệ hôn nhân, vì anh chị chưa đăng ký kết hôn nên tòa không công nhận quan hệ này.


Cho rằng bản án không khách quan, có sai sót về ngày giờ trong biên bản phát hành nên người chồng kháng cáo, nghi ngờ phiên xử sơ thẩm “có thể không diễn ra”.


Trong phiên phúc thẩm mới đây của TAND TP HCM, chị Lan đến toà trong bộ quần áo công sở bình dị, chiếc kính cận không đủ che hết vẻ buồn trong đôi mắt người mẹ trẻ. Cùng ngồi trên hàng ghế nhưng chị và anh Hoàng không hề nhìn nhau.


Trình bày trước tòa, chị Lan nói anh Hoàng không chung thủy, có nhiều quan hệ tình cảm phức tạp nên chị không còn tin tưởng. Chị bảo, hằng đêm anh ngồi trên máy tính nói chuyện với người tình, không còn quan tâm gì đến chị. Mối quan hệ giữa họ từ đó trở nên lạnh nhạt. Sau những mâu thuẫn trầm trọng, cả hai quyết định ly thân thì gia đình chồng đuổi chị ra khỏi nhà không cho mang theo con.


"Nhiều lần tôi năn nỉ gia đình anh ấy cho tôi thăm con, được chăm sóc con thì họ mang bé đi trốn", chị nói bằng giọng từ tốn.


Còn anh Hoàng cho rằng, chị phát tán và cho con xem clip không hay về anh và gia đình. Vì vậy, anh đặt nghi vấn về đạo đức của chị, không đủ tư cách nuôi dưỡng con.


Chị Lan xác nhận mình có đem clip đó cho người khác xem, nhưng không cho con xem. "Tôi chỉ đưa cho vợ mới của anh ấy coi để cô ấy hiểu cho tình cảnh của tôi, cho tôi được gặp con", chị giải thích.


Trả lời thẩm vấn của toà, cả hai đều mong muốn được nuôi con mà không cần người kia phải cấp dưỡng. Anh Hoàng đưa ra các bằng chứng chứng minh đang là giám đốc một công ty thiết bị, có lương tháng hàng chục triệu đồng, có nhà cửa, có bố mẹ phụ giúp việc chăm con.


Những thành tích họ đạt được cho sự nỗ lực và cố gắng trong cuộc sống lúc này trở thành những chứng cứ đưa ra để cố giành quyền nuôi con.


Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, những sai sót trong khâu đánh máy của tòa cấp sơ thẩm không ảnh hưởng đến nội dung vụ án. Quá trình xét xử đã diễn ra dưới sự giám sát của kiểm sát viên nên không chấp nhận quan điểm của anh Hoàng. Từ đó, toà giữ nguyên phán quyết trao quyền nuôi con cho chị Lan.


Bình Nguyên


* Tên nhân vật đã được thay đổi


http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/bi-chong-duoi-khoi-nha-nu-thac-si-kien-doi-nuoi-con-3433261.html