(Dân trí) - Nhiều lần lên huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) cũng là nhiều lần tôi thất bại khi thuyết phục người bản địa dẫn vào "rừng ma" của người Xê - đăng nơi đây. Nỗi khiếp sợ truyền thuyết hằn lên trong đáy mắt họ khi chỉ vừa nghe đến 2 chữ "rừng ma".


Thâm u thế giới ma rừng


Cách trung tâm thị trấn Tắc Pỏ chưa đầy 1km, đã hiển hiện một khu... rừng ma. Dễ nhận ra đâu là rừng ma giữa chốn núi đồi trập trùng, bởi cái đặc trưng thâm u, rậm rạp. Có ai dám bén mảng đến đó chặt phá dù chỉ một ngọn cây. Dẫm đạp lên lá cây phủ đầy mặt đất ngay ngõ vào rừng thôi, cũng đã có cảm giác lạnh sống lưng. Người bản địa thì tuyệt nhiên không dám nhìn thẳng vào rừng. Họ sợ con ma rừng nhìn thấy theo về quấy phá bản làng.


Ngay cả một giáo viên người bản địa, xuống phố học mấy năm đã thôi sợ ma rừng, cũng chỉ dẫn tôi đến tận bìa rừng rồi đứng chỉ tay. Chị nói: sợ làng biết, không cho về làng nữa.




Những người không sợ ma rừng cũng chỉ dám đứng ở bìa rừng vì sợ làng không cho về nữa



Trong chái nhà tranh, già làng Đinh Văn Sắt, nhả từng chữ ngập ngừng, sợ sệt: “Tìm con ma rừng làm gì. Người chết rồi là hết, không còn liên quan gì tới làng nữa. Làng cũng để cho ma rừng được yên trong thế giới của họ, không thì sẽ phải gặp tai ương. Từ nhỏ, ta đã nghe câu chuyện về một gã trai làng ương ngạnh, dám vào rừng ma đốn củi. Gã nhìn thấy con heo rừng, răng đang cắm phập vào sọ người. Về đến làng thì hộc máu tươi rồi lăn ra chết. Vợ gã lại sinh hạ một quái thai đầu người, mình thú. Năm ấy, làng cũng gặp đủ tai ương, phải đốt làng, đi nơi khác dựng lại nhà mới mong được yên”.


Trẻ con trong làng lớn lên đã ám ảnh nỗi khiếp sợ ma rừng đã thành “thâm căn cố đế” trong tâm tưởng của người Xê- đăng từ những câu chuyện rùng rợn, lẫn lộn thực hư giả. Càng sợ, bọn trẻ càng háo hức muốn nghe những câu chuyện về những bí ẩn ở rừng ma và truyền đời cảnh báo: chớ động thế giới của ma rừng.




Dễ nhận diện rừng ma bởi vẻ thâm u, rậm rì hơn những cánh rừng khác



Mỗi khi có người chết, người Xê - đăng chia của nả trong nhà, tính từ hạt gạo, hạt muối ra chia đều cho số người trong nhà, kể cả người chết. Phần người chết chôn trong hốc cây rừng cùng với xác hoặc treo lên cây tùy tục lệ từng làng. Sau lễ cúng bái kỹ lưỡng, người đưa tang tìm hướng khác về nhà, không dám đi lại con đường cũ, sợ ma rừng theo dấu tìm về. Rừng ma thường cách rất xa nơi người làng sinh sống. Như khu rừng ma ngay gần thị trấn Tắc Pỏ, từ ngày có người về dựng nhà, cũng không chôn cất thêm người nào nữa.


Chôn cất người chết xong, họ coi như không liên quan gì đến người đã khuất. Thậm chí, không dám về ngay, mà phải tìm suối tắm gội mùi, xóa hết mọi dấu vết để lại trên đường về. Có khi, vài ba ngày, họ mới dám về nhà.


Ám ảnh nỗi khiếp sợ cái chết xấu


Nỗi khiếp sợ ma rừng (người chết) của người Xê - đăng không chỉ là nỗi ám ảnh mơ hồ, mà hiển hiện ngay trong đời sống. Họ đặc biệt sợ những cái chết xấu (chết do thiên tai, nhiều người cùng chết vì dịch bệnh, hay trúng độc, tự vẫn…).


Khi đến trường THCS bán trú Trà Nam, cách Tắc Pỏ hơn 20km đường núi, chúng tôi không khỏi khó hiểu khi một dãy nhà nội trú xây dựng kiên cố, lại bị bỏ hoang, trong khi học trò dựng lều tạm trọ học gần trường. Thậm chí, không một người Xê- đăng nào dám đến gần khu nhà nội trú. Nơi đó, trong một trận mưa đêm kinh hoàng, một học trò người Xê - đăng đã bị đá núi sạt lở đè chết khi đang ngủ.




Phòng học nơi có một học sinh bị vùi lấp hơn một năm nay vẫn còn nguyên đồ đạc, đất đá ngổn ngang



Đêm 29/9/2009, cách đây đã một năm rưỡi trời, nhưng không ai quên. Thầy Nguyễn Nam, Hiệu trưởng trường Trà Nam nhớ lại: “Khoảng 10 giờ đêm, chúng tôi nghe một tiếng ầm rất lớn, tưởng đá núi đè sập khu nhà ở của cán bộ, giáo viên trong trường. Nhưng chẳng ngờ lũ quét lại tấn công khu nội trú của học trò. Lũ kinh hoàng đến nỗi hai học trò đang chơi ở một nóc trên lưng chừng núi, bị lũ lôi sền sệt xuống chân đồi, chúng tôi cứu kịp. Nhưng nguyên một vạt đồi đổ ập xuống hai phòng đầu tiên của dãy nhà đã đè chết một em học sinh đang ngủ. Đêm đó, chúng tôi không nhớ hết đã kịp lôi lên, cứu bao nhiêu học trò bị vùi trong đất đá. Phải vận động lắm gia đình em học trò xấu số mới chịu làm mai táng cho con. Còn với người Xê- đăng, họ không bao giờ dám bén chân đến dãy phòng học đó nữa, đừng nói chi là ở. Dù nhà trường đã làm đủ cách, cả cái cách “nhập gia tùy tục” là mời thầy cúng về trừ ma, học trò vẫn kiên quyết thà dựng lều tạm, thà chịu ngủ lạnh.”




Không một học trò xê- đăng nào dám bén mảng tới, bỏ phí cả một khu nội trú được xây khá kiên cố



Một buổi làm việc tại trường, tôi cũng kịp lưu ý, không một học trò nào dám bén mảng đến khu nội trú. Và những ánh mắt trẻ con nhìn theo khi tôi bước vào trong dãy nhà đầy sợ sệt, lấm lét.


24 năm công tác tại huyện Nam Trà My, lại “trụ” gần 20 năm trên đỉnh Trà Linh, nơi mà những tục lệ của người Xê- đăng còn vẹn nguyên nhứ đá tảng, trước khi về Trà Nam, thầy Năm đủ hiểu khó mà lay chuyển được nhận thức của người Xê - đăng về những cái chết xấu. Cả những cán bộ, giáo viên người Kinh lên đây công tác cũng sợ, theo một cách khác. Ông kể: “Mỗi lần có dịp vào làng vận động học trò ra lớp học hay có công việc, sợ nhất là phải hôm làng có người chết xấu. Ít nhất phải 3 ngày mới được dân làng thả cho về.


Một lần ở lại đêm trong một nóc (thôn) trên Trà Linh, nửa đêm, nghe tiếng người ta la toáng, nhộn nhạo. Trong làng có người dùng rựa tự vẫn. Những người không phải dân làng phải thừa lúc người sắp chết đang trút hơi thở cuối cùng, chạy ra khỏi làng, nếu không muốn bị bắt ở lại làng mấy ngày ròng. Những ngày đó, coi như “ngoại bất nhập, nội bất xuất”. Có lần đi bộ cả ngày đường rừng, đến đêm, nhìn thấy có làng, chúng tôi mừng quýnh xin vào nghỉ nhưng trong làng đang có người chết, chũng tôi phải ở lại trong một lán trại ngoài bìa rừng. Hai ngày tiếp theo mưa xối xả, làng ngay cạnh nhưng không cách nào xin làng một hạt gạo cầm hơi vì không ai dám ra khỏi làng mang gạo ra giúp người lỡ đường…


“Những truyền thuyết đầy bí ẩn và rừng ma và nỗi khiếp sợ cái chết xấu đã ám ảnh truyền đời trong các bản làng người Xê- đăng. Chỉ mong một ngày, khi trẻ con trong làng được đi học nhiều, dân trí được nâng cao, lớn lên cùng làng xóa những áng mây mù hủ tục”, thầy Năm kết lại những câu chuyện nhớ đời trong hơn hai mươi mấy năm cắm bản dạy học rồi làm công tác quản lý giáo dục bằng hy vọng của những cán bộ, thầy cô công tác nơi đây.


Bài và ảnh: Khánh Hiền


Link nguồn http://dantri.com.vn/c728/s728-462260/bi-an-rung-ma-va-noi-khiep-so-cai-chet-xau.htm