Nhiều trẻ mắc bệnh viêm não nặng đang điều trị tại phòng hồi sức


cấp cứu,khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (ảnh chụp ngày 30.6)




Trong những ngày qua, bệnh nhi mắc bệnh viêm màng não và viêm não liên tục nhập viện, khiến cho các khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 (TP.HCM) trở nên quá tải. Các bác sĩ lo ngại, tình trạng bệnh có nguy cơ tiếp tục gia tăng.



Thà mắc võng nằm còn an toàn hơn...



Số bệnh nhi mắc bệnh viêm não và viêm màng não hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 gần 40 bệnh nhi, tại bệnh viện Nhi đồng 1 cũng khoảng 30 bệnh nhi.



Khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã dành 2 phòng 108 và 109 để điều trị trẻ bị viêm não và viêm màng não, nhưng vẫn không đủ đáp ứng được số lượng trẻ mắc bệnh.



Đang ngồi đưa đứa cháu nội 3 tuổi Trần Thanh Huy bên chiếc võng dù được buộc qua 2 thanh giường bệnh ở giữa lối đi phòng điều trị 108, bà Nguyễn Thị Hoa (quê ở huyện Gia Kiệm, Đồng Nai), cho hay trước khi đưa cháu vào đây, các phòng dành cho trẻ mắc bệnh viêm màng não và viêm não không còn giường trống. Bác sĩ đưa vào nằm chung, nhưng gia đình thấy bất tiện, giường thì nhỏ mà cả người nhà và trẻ nằm "làm sao được".




“Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm màng não, nhưng chỉ ở mức độ nhẹ, đang theo dõi. Nên nếu để nằm chung với các trẻ khác, nhất là trẻ bị nặng sẽ không tốt, vì bệnh do vi trùng gây ra nên rất dễ lây nhiễm. Không còn giường trống thì nằm hành lang vẫn tốt hơn. Giờ hành lang cũng không còn chỗ trống nên dù sao nằm kiểu này vẫn an toàn hơn so với nằm chung”, bà Hoa phân bua.









Giường điều tri và cả hành lang của khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM


không còn chỗ trống, nhiều bệnh nhi phải nằm võng điều trị.



Cũng theo bà Hoa, trước đó, gia đình đã đưa cháu đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ nói không sao cho về, nhưng khi đang về đến Thủ Đức, cháu lại co giật, bất tỉnh phải đưa vào đến Bệnh viện Thủ Đức cấp cứu và sau đó được chuyển đến đây.



Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết trong số gần 30 trẻ bị viêm não và viêm màng não đang được điều trị tại đây có khoảng hơn 10 trẻ bị viêm não. Hiện các trẻ bị viêm não đã lấy mẫu cho xét nghiệm và đang chờ kết quả để xác định có dương tính với viêm não Nhật Bản hay không.




“Thông thường số lượng trẻ mắc viêm não các loại thì có khoảng 10% là bị virút viêm não Nhật Bản. Nguy cơ của viêm não Nhật Bản là gây tử vong rất cao”, bác sĩ Khanh cho biết.



Cũng theo bác sĩ Khanh, hiện trung bình mỗi ngày, bệnh viện có từ 3 đến 5 trẻ bị viêm não và viêm màng não phải nhập viện. Tính từ đầu tháng 6 đến nay, số lượng trẻ bị viêm não và viêm màng não nhập viện là gần 60 trẻ, con số này cao hơn so với những tháng trước.



Do chậm tiêm phòng



Ôm đứa con gái Nguyễn Huyền Anh mới 2,5 tháng tuổi từ phòng hồi sức cấp cứu của khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 về phòng 108 của khoa để điều trị, chị Diệp Trang Đài (quê ở thị xã Tân Châu, tỉnh Anh Giang) thở phào như trút đi một nỗi lo mấy ngày qua không thể nào chợp mắt được.



Chị Đài cho biết, ngày 25.6, chị đưa cháu đến trạm y tế phường Long Châu, thị xã Tân Châu, An Giang để tiêm vắc xin Quinvaxem, về nhà cháu bị sốt, nôn mửa và tiêu chảy. Lúc đó, hoảng quá, chị đưa cháu đến Bệnh viện Tân Châu, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị rối loạn tiêu hóa và cho uống thuốc, tiêm thuốc nhưng không hết. Thấy vậy, chị chuyển cháu đến Bệnh viện Châu Đốc, các bác sĩ ở đây lại chẩn đoán con chị bị sốt xuất huyết và tiếp tục điều trị, nhưng cháu vẫn không hết, lại còn bị co giật và hôn mê.



Mặc dù vậy, bệnh viện này vẫn không cho cháu chuyển viện, gia đình chị nhiều lần yêu cầu, nhưng bệnh viện vẫn cứ giữ cháu. Thấy cháu ngày càng nặng, gia đình buộc lòng tự chuyển cháu đến Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm màng não mủ.



Sau 2 ngày, cháu hôn mê sâu và không uống sữa được phải nằm ở phòng hồi sức cấp cứu. Sáng nay (30.6) mặc dù cháu vẫn còn hôn mê, nhưng đã có thể bú được sữa mẹ nên các bác sĩ đã cho chuyển cháu xuống phòng điều trị.









Bé gái Nguyễn Huỳnh Anh, chậm chích ngừa Quinvaxem đã bị


viêm màng não mủ, nhưng hiện cháu đã qua cơn nguy kịch



"Sau khi nghe bác sĩ báo tin, sức khỏe cháu đã ổn, qua cơn nguy kịch sẽ đưa về phòng điều trị, tui mừng quá. Chứ 2 ngày qua, tui không ăn ngủ được, vì thấy cháu hôn mê, không ăn uống, phải thở oxy, tui lo quá. Tui mà không quyết định chuyển ngay, chờ bệnh viện dưới đó chuyển đi không biết giờ cháu ra sao”, chị Đài vừa nói vừa thở dốc.



Về trường hợp này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, cho biết những trẻ bị viêm não và viêm màng não, nhất là trẻ bị viêm màng não mủ phần lớn là do không chích ngừa vắc-xin Quinvaxem hay vắc-xin 6 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uống ván, viêm gan B, bại liệt, HIb).



“Nếu bé gái này chích ngừa Quinvaxem hay 6 trong 1 sớm hơn một chút thì chắc chắn sẽ không bị viêm màng não mủ”, bác sĩ Khanh cho biết.



Cũng theo ông, do nhiều phụ huynh lo ngại vắc xin Quinvaxem không an toàn, không chị đưa con đi tiêm, trong khi vắc-xin 6 trong 1 thì khan hiếm, có nơi không còn nên nhiều phụ huynh cứ chờ.



“Nếu tình hình này mà không gải quyết, nguy cơ trẻ mắc bệnh viêm màn não còn gia tăng nữa”, bác sĩ Khanh cảnh báo.



Hồ Quang


http://motthegioi.vn/xa-hoi/benh-nhi-viem-nao-viem-mang-nao-lien-tuc-nhap-vien-83205.html