Vợ chồng đứa con gái bỏ lên phòng, mặc bà với bao suy nghĩ mông lung, bà ứa nước mắt vì thương thằng con trai đang đi học xa nhà. Bà thầm trách con gái sao mà dại và ích kỷ, chẳng thương em chỉ bo bo cho mình.


Rồi bà lại băn khoăn tự quở mình đã vơ với, “ôm rơm rặm bụng”, để giờ sống trong nhà mình mà cứ nơm nớp lo mất lòng người khác…


Hình minh họa.


Ông bà được một gái một trai, hai đứa đều học giỏi có tiếng, luôn ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ. Ông vốn là công an, bà là cán bộ quỹ của một doanh nghiệp, họ đều đã về hưu nhưng chẳng để tay chân ngơi phút nào. Ông đi làm bảo vệ cho một công ty. Ông bà còn có một căn nhà khá rộng ngoài phố cho người ta thuê buôn bán, nên kinh tế khá dư dả.



Đứa con gái học sư phạm gần nhà, tính nó vốn nhút nhát lại có phần ỷ lại vào mẹ, nên dù đỗ đại học ở Hà nội cũng không dám đi. Nó tốt nghiệp ông bà phải chạy vạy lo công ăn việc làm mất một món, chưa ấm chỗ thì nó đòi lấy chồng, là cậu bạn học quê mãi Hưng Yên, vẫn là giáo viên hợp đồng. Cưới xong ông bà đành “thắt lưng buộc bụng” hỗ trợ nhà thông gia để lo công chức cho con rể.



Nhà rộng do cậu út đang học ở Hà Nội, nghĩ con cháu phải ở thuê chật chội, nên ngày con gái sinh, bà gọi chúng về ở cùng cho vui, hết bốn tháng bà trông cháu cho mà đi làm. Cả nhà con gái hồ hởi dọn về, từ đó bao vất vả bà gánh hết.



Bà vẫn đinh ninh tháng tới cậu Út ra trường sẽ được phân về tỉnh làm, ngờ đâu đi thực tập trong một đơn vị nằm giữa trung tâm thành phố, nó tham gia truy bắt tội phạm. Có công đầu, còn được tiền và giấy khen của ban lãnh đạo.



Thế rồi họ về tận trường xem hồ sơ, thấy kết quả xuất sắc nên đánh quyết định nhận luôn về. Bà không biết nên mừng hay lo vì biết bao người lo lót để về đó mà còn không được và đương nhiên ở thủ đô thì về mọi mặt phát triển cũng như an sinh xã hội được đảm bảo hơn. Thằng bé sẽ có nhiều cơ hội phát huy năng lực, sở trường.



Thêm nữa cứ nhớ câu nó nói trước ngày nhận được quyết định: “Lại sắp được ăn cơm mẹ nấu rồi” mà bà lại mếu máo thương con, khổ thân nó phải xa nhà từ năm cấp ba, đi học ở trường chuyên. Ăn được bữa cơm nhà thì phải đạp xe kẽo kẹt gần hai mươi cây số.



Nghĩ cảnh con đi học đã phải một thân một mình giờ cũng lại “cơm niêu nước lọ” mà bà áy náy. Trước ông cũng là công an nên bà biết, ăn uống thất thường, phải trực và đi công tác liên miên. Tính xa thêm chút nữa, nó còn lấy vợ rồi có con, để mình nó loay hoay thế nào được... không lẽ lại xin ngược cho con về tỉnh làm?



Cô con gái góp ý khi bà bày tỏ trăn trở: “Cậu có khả năng thì bà cứ để cậu tự lo, giờ bà bán đất đang ở cộng với đất ngoài phố, cứ cho là đủ mua nhà thủ đô đi nhưng sau đó thì sống dặt dẹo thế nào? Cả nhà con lại phải chui ra chui vào cái nhà trọ bé bằng bàn tay chắc, mẹ đi con biết gửi cún ở đâu? Bố mẹ đừng nhất bên trọng nhất bên khinh kẻo nát nhà”.



Nghe con nói mà bà sững sờ, nó trở nên toan tính từ bao giờ?



Đêm khuya, ông vẫn chưa về, bà chẳng ngủ được liền lên tầng thượng hóng gió cho nhẹ đầu, bà đi khẽ qua phòng con gái, bỗng vô tình nghe cuộc nói chuyện của vợ chồng nó.



“Sao em bảo chịu khó ở đây, sau bố mẹ khắc cho nhà này, còn bố mẹ ra với cậu ở nhà ngoài phố kia?”



“Ai chả nghĩ thế, bố mẹ có mỗi em với nó, phải mỗi đứa một nhà chứ. Giờ lại mọc ra cái quyết định dở hơi kia làm rối mọi chuyện”.



“Em nhắc bố mẹ cẩn thận kẻo thiên vị đứa nào là gián tiếp “giết” chết đứa ấy đấy”.



Bà nghe mà muốn khóc, con nào chẳng là con, bà chẳng biết phải làm sao nữa. Và bà thực sự không biết đang gián tiếp “giết” đứa nào?


TSL


http://dantri.com.vn/c130/s130-494338/ben-trong-ben-khinh.htm