Giờ học bơi có tới 4 giáo viên đứng lớp nhưng cháu bé 6 tuổi vẫn tử vong. Sự việc xảy ra tại Trường song ngữ Hà Nội Academy (địa chỉ: D45, D46 Khu đô thị quốc tế Nam Thăng Long Ciputra, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội).



Tử nạn trong giờ học bơi



Khoảng 9h20 sáng 11/7/2013, gần 20 cháu bé đã tham gia lớp bơi lội tại bể bơi trong khuôn viên Trường song ngữ Hà Nội Academy. Được biết, đây là một hoạt động ngoại khóa do trường học này tổ chức cho các cháu thiếu nhi nhân dịp nghỉ hè, bất cứ cháu nào cũng có thể đăng ký tham gia.









Trong giờ học hôm đó, lớp học bơi diễn ra dưới sự quản lý, điều hành của 4 giáo viên, bao gồm 2 giáo viên dạy bơi lội và 2 giáo viên hỗ trợ. Đến khoảng 10h45, các giáo viên phát hiện một học sinh của mình “có vấn đề” dưới đáy bể bơi. Nạn nhân được đưa lên bờ, xe cứu thương được gọi tới. Có điều, khi xe cứu thương đến nơi thì cháu bé đã tử vong.



Vào cuộc tìm hiểu vụ “tai nạn” này, chúng tôi được biết cháu bé đã tử vong trong giờ học bơi của Trường song ngữ Hà Nội Academy sinh năm 2007, là con trai duy nhất của một cặp vợ chồng cư trú tại quận Ba Đình, Hà Nội. Để tránh gợi lại nỗi đau cho gia đình nạn nhân, chúng tôi xin phép không nêu chi tiết gia cảnh, nhân thân, địa chỉ cư trú cụ thể của cháu bé.



Nhà trường nói gì về vụ bé 6 tuổi tử vong?


Khi phóng viên vào cuộc tìm hiểu, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân tử vong của cháu bé. Tức là các nghi vấn về việc cháu bé tử vong ở dưới bể bơi hay tử vong sau khi được đưa lên bờ, tử vong do đuối nước hay tử vong do nguyên nhân khác, tử vong vì yếu tố khách quan hay tử vong do sự bất cẩn của giáo viên đứng lớp... vẫn chưa được làm rõ.









Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Nga, Giám đốc Truyền thông và Quốc tế của Trường song ngữ Hà Nội Academy đã khẳng định rất chắc chắn rằng: “Các thầy cô giáo đã rất tận tình sơ cấp cứu cho cháu nhưng cũng không cứu được cháu” và “các thầy phát hiện ra ngay, cứu vớt kịp thời luôn, tất cả dều kịp thời hết!”.



Phát ngôn này dễ dẫn tới cách hiểu: Cháu bé tử vong không phải do đuối nước, khi được đưa lên bờ thì cháu bé vẫn còn sống, các giáo viên không hề bất cẩn trong giờ học, các giáo viên không hề vi phạm quy tắc nghề nghiệp (?).



Tuy nhiên như chúng tôi đã nói, đây đều là những điều mà cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận! Hơn nữa, như chính bà Nga cung cấp thông tin thì thời điểm xảy ra vụ việc, vị Giám đốc truyền thông này không hề có mặt tại hiện trường, như lời bà Nga nói: “Hôm đấy tôi không có mặt tại hiện trường, khi về thì nghe nói lại...”. Vì thế, liệu những kết luận của bà Nga về trách nhiệm của các giáo viên có mặt trong buổi sáng định mệnh đó có được đưa ra một cách quá vội vã?



Nhiều nghi vấn cần làm rõ



Quá trình tìm hiểu về vụ việc này, phóng viên đã buổi làm việc với VKSND quận Tây Hồ. Theo đại diện VKS, hiện vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ tiến hành điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, trường hợp vụ việc có dấu hiệu hình sự thì những người liên quan có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” theo Điều 99 Bộ luật Hình sự.



Theo các chuyên gia pháp lý thì tội danh này không thuộc các trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại. Vì thế, giả sử gia đình nạn nhân không yêu cầu thì cơ quan tố tụng vẫn có thể khởi tố vụ án nếu xét thấy những người liên quan có dấu hiệu phạm tội.



Xung quanh vụ việc này còn rất nhiều nghi vấn cần làm rõ. Chẳng hạn như nạn nhân có bệnh lý gì không; trong giờ học bơi, ngoài 4 giáo viên đứng lớp thì tại bể bơi có đầy đủ sự có mặt của các nhân viên cứu hộ với đầy đủ thiết bị cứu hộ hay không; bể bơi có được trang bị phòng y tế, nhân viên y tế đúng tiêu chuẩn hay không; bể bơi có bảng nội quy khuyến cáo người mắc các bệnh có nguy cơ cao dễ gây tai biến ảnh hưởng đến sức khỏe, người ăn no không nên tham gia bơi, lặn hay không...



Điều 99, Bộ luật Hình sự quy định về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” như sau:


1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 6 năm.


2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.


3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.



Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này...



Vũ Phong


http://www.tin247.com/be_6_tuoi_chet_trong_gio_hoc_boi_tai_truong_song_ngu_ha_noi_academy-11-22400229.html