http://***********/2010110611385124tm0ca109/Bat-ngo-voi-chat-Viet-trong-Khat-vong-Thang-Long


(06/11/2010 13:11:25)


Chiều hôm qua ngày 5 tháng 11 năm 2010, bộ phim dã sử Việt Nam "Khát vọng Thăng Long" đã tổ chức buổi công chiếu tại cụm rạp Megastar Hà Nội.


Tham gia buổi công chiếu có các thành viên trong đoàn làm phim như đạo diễn Lưu Trọng Ninh, các diễn viên Quách Ngọc Ngoan, Đình Toàn, Thu Trang, Viết Vinh, Hoàng Thảo... Sau buổi chiếu, đoàn làm phim đã giao lưu, phỏng vấn cùng báo giới.



Từng được nhắc đến như một trong những bộ phim chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nhưng "Khát vọng Thăng Long" có đôi phần im hơi lặng tiếng trước những tác phẩm khác, dù là dự án có chi phí đầu tư được cho là cao nhất Việt Nam từ trước tới nay.



Poster chính thức của "Khát vọng Thăng Long"



Lấy bối cảnh 1000 năm về trước, "Khát vọng Thăng Long" khắc họa hình ảnh vua Lý Thái Tổ trong bốn giai đoạn: từ khi còn nhỏ tới lúc trưởng thành, vào cung cho đến thời điểm ban chiếu dời đô từ cố đô Hoa Lư về Đại La và ngày nay là thủ đô Hà Nội.


Bộ phim dài 110 phút, thực hiện trong 12 tháng, do công ty CP Kỷ Nguyên Sáng sản xuất và đầu tư, kịch bản của nhóm tác giả, đạo diễn Lưu Trọng Ninh, đạo diễn võ thuật Johny Trí Nguyễn, kỹ xảo do toàn bộ chuyên gia nước ngoài đảm nhận.


Khát vọng... thuần Việt


Tại buổi giao lưu, trả lời câu hỏi của báo giới về việc ra mắt muộn của "Khát vọng Thăng Long", đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói: "Ngày mùng 7 tháng 10 chúng tôi đã tổ chức một buổi giới thiệu phim rất long trọng tại Grand Plaza. Tôi nghĩ Đại lễ không phải chỉ 10 ngày, nó là cả một năm trời. Thật tốt nếu bộ phim ra mắt sau sự kiện này một chút, bởi nó sẽ không bị các chương trình khác xen vào, thu hút khán giả hơn, có giá trị tốt hơn. Chiếu đúng dịp đó cùng với tất cả chương trình khác là không cần thiết."



Đạo diễn Lưu Trọng Ninh (giữa) đang trả lời báo giới



Đạo diễn chia sẻ thêm: "Đây là một bộ phim lịch sử không có cảnh thực, không có gì cả, mà cả quay lẫn hậu kỳ trong có 3 tháng trời. Bằng tất cả sức lực của mình, đoàn làm phim gồm những người ở Hà Nội, những người trong TP HCM, những Việt kiều ở nước ngoài về, và những người nước ngoài từ Hàn Quốc, từ Mỹ, cả một khối tập thể làm việc dưới thời tiết 45 độ C. Không ai có thể thỏa mãn tất cả những gì mình làm ra. Tất cả chúng tôi đều mong ước nó lớn hơn, nó tốt hơn. Nhưng, chúng tôi đều thấy rằng công sức mình bỏ ra là xứng đáng."


Nhằm đảm bảo tính chân thực, các nhà làm phim đã nghiên cứu kỹ tư liệu lịch sử của thời kỳ này qua nhiều nguồn thông tin khác nhau. Tìm hiểu về sinh hoạt đời sống của dân thường, cũng như vũ khí, áo giáp, trang thiết bị quân lính. Hơn 1200 ý kiến đóng góp từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt từ hậu duệ của nhà Lý tại Hàn Quốc đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo tính thuần Việt của bộ phim.


Một trong những điểm đặc biệt thu hút sự chú ý của người xem là những cảnh dàn trận chiến tranh và võ thuật trong phim. Nhiều cảnh quay lớn có sự góp mặt của hơn 1500 diễn viên và hàng tấn đạo cụ. Nhờ sự chỉ đạo võ thuật từ các cascadeur và Johnny Trí Nguyễn, những trận đánh trong phim mang tính dữ dội và tàn khốc, điều khá hiếm trong phim dã sử Việt Nam.


Johnny Trí Nguyễn cùng nhóm cascadeur đã nghiên cứu võ cổ truyền và kết hợp nó với các vũ khí như kiếm, thương, cung nỏ. Cộng với nhà quay phim Dominic Pereira cùng phong cách sử dụng máy quay cầm tay, những cảnh hành động đã được mô tả rất đẹp và chân thực.




Toàn bộ cảnh quay đều được thực hiện ở Việt Nam, tại Thái Bình, Ninh Bình, Huế, Hà Nội; đặc biệt trường quay được dựng trên Buôn Mê Thuột. Trang phục của các nhân vật được thiết kế với gam màu nâu, đỏ trên chất liệu vải. Đây có thể nói là một bước tiến mới trong dòng phim dã sử Việt Nam, vốn chưa thoát được ra ngoài cái bóng quá lớn của phim dã sử Trung Quốc.


Tuyển chọn diễn viên: "Đi tìm thì nhiều, gặp thì hầu như không có"


Đình Toàn (trái) và đạo diễn Lưu Trọng Ninh trước giờ họp báo



Nói về quyết định chọn hai gương mặt "lạ" trong làng điện ảnh Việt Nam là Quách Ngọc Ngoan vào vai Lý Công Uẩn (sau là vua Lý Thái Tổ) và Vũ Đình Toàn vào vai Lê Long Đĩnh (vị vua cuối cùng của thời nhà Lê), đạo diễn Lưu Trọng Ninh nhận xét: "Tôi chọn diễn viên không quan tâm là nổi tiếng hay không nổi tiếng. Từ xưa đến nay cách làm phim của tôi là luôn luôn đi tìm những con người mới, đặc biệt là những nhân vật như Công Uẩn để tránh đi những ấn tượng về vai diễn trước của diễn viên với mọi người. Nếu chọn một diễn viên quá nổi tiếng đóng vai này thì việc thoát ra khỏi cái tên đó và thể hiện nhân vật sẽ khó hơn một khuôn mặt mới."



"Ngọc Ngoan thâm trầm"



"Đi tìm thì rất là nhiều, nhưng gặp thì hầu như không có. Đó là điều chắc chắn của tất cả các đạo diễn chứ không chỉ riêng tôi. Nên một số đạo diễn thì thỏa hiệp, đi tìm lại cái người ta đã dùng rồi; một số thì thỏa hiệp giữa cái mới và đã từng bước chân vào."



"Thực ra Đình Toàn được khẳng định rất cao trong sân khấu Idecaf, anh là nhân vật mà ở Sài Gòn rất nhiều người biết tiếng. Ngọc Ngoan cũng đã từng đóng phim. Cứ nói anh là người mẫu là... oan đấy. Thực ra anh học Đại học Sân khấu TP HCM và đã đóng nhiều phim chứ không phải mới mẻ gì cả. Có điều anh ta chưa đóng phim truyền hình nhiều tập nên mọi người chưa biết đến, chủ yếu là phim nhựa".



"Đình Toàn sắc sảo, thông minh"



Ông cũng chia sẻ cảm xúc hài lòng đối với Đình Toàn và Ngọc Ngoan, bởi mỗi người đều có một vẻ riêng. Đình Toàn sắc sảo, thông minh còn Ngọc Ngoan thì thâm trầm. Đình Toàn có tài nhưng nhận được vai "ngon", đất diễn "ngon" quá. Còn nhân vật Công Uẩn của Ngọc Ngoan là nhân vật một chiều, rất khó. "Bởi chúng ta không thể nói xấu một thánh nhân, không thể làm "đời" quá một nhân vật như vậy."


"Từ nay tôi sẽ dùng chữ 'sến' để ca ngợi người khác"!


Rất nhiều thắc mắc được các ký giả đặt ra cho đoàn làm phim, trong đó đáng chú ý là thắc mắc của một phóng viên về việc trước khi công chiếu "Khát vọng Thăng Long" đã bị Cục Điện ảnh "cắn xén", và đoàn làm phim nghĩ gì khi nhiều ý kiến cho rằng nhân vật Lý Công Uẩn hơi "sến".


Đáp lại câu hỏi này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh thẳng thắn: "Nếu nhân vật như thế là 'sến' thì từ nay tôi coi chữ 'sến' là chữ đẹp! Bởi vì Công Uẩn phải là người biết đau nỗi đau của người khác."


"Nếu Công Uẩn 'sến', thì tôi coi chữ 'sến' là đẹp!"



"Quan Vân Trường hay Caesar đứng trước một bãi chiến trường với vẻ tự hào của chiến thắng, nhưng Công Uẩn đứng giữa bãi chiến trường là những giọt nước mắt. Đấy không phải là 'sến'. Đấy là một người bước từ cổng chùa ra và đau nỗi đau của nhân gian. Công Uẩn không thể ngạo mạn và cười hay là hét như Trương Phi được. Ở đây không có 'sến'. Công Uẩn không có 'sến'. Tôi nghĩ nếu anh dùng từ 'sến', và nếu anh đúng, thì từ nay tôi sẽ dùng chữ 'sến' để ca ngợi người khác."


"Còn Cục Điện ảnh chỉ duyệt về mặt chính trị và xin khẳng định bộ phim không bị cắt đoạn nào cả."


"Khát vọng Thăng Long"... không phải là phim lịch sử


Phim "Khát vọng Thăng Long" vốn là dự án "Chiếu dời đô", được làm để phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Công bố dự án từ lâu, phim được giao cho Cục Điện ảnh và UBND TP Hà Nội thực hiện, nhưng sau đó, công ty Kỷ Nguyên Sáng trở thành nhà sản xuất và đầu tư chính thức.


Một cảnh trong phim "Khát vọng Thăng Long"



Bà Lê Minh Tâm, chủ tịch HĐQT công ty CP Kỷ Nguyên Sáng, cũng là nhà sản xuất và đầu tư của bộ phim, nói: "Đây là bộ phim đầu tiên chúng tôi đầu tư. Nhiều người thắc mắc vì sao chúng tôi quyết định đầu tư vào một bộ phim dã sử. Ở đây cột mốc là 1000 năm Thăng Long - thời điểm mà chúng tôi nghĩ là nên làm một cái gì đó cho Hà Nội."



"Bên cạnh đó tôi cũng nghĩ rằng một bộ phim làm ra, nếu hay và được công chúng đón nhận, thì ít nhất nhiều năm sau cũng có thể tự hào rằng tại thời điểm này, mình cũng làm được cái gì đó. Có thể 10 năm sau nhìn lại mới thấy nó quý báu, nhưng làm những cái khác thì chưa chắc đã để lại được dấu ấu lịch sử như làm một bộ phim."



Lưu Trọng Ninh bị "bao vây" bởi báo giới



Cuối buổi họp báo, đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ: "Đây không phải một bộ phim lịch sử, bởi điện ảnh không có nhiệm vụ làm lịch sử. Điện ảnh có nhiệm vụ làm tác phẩm về thời điểm lịch sử, mỗi đạo diễn có một quan niệm, có một cách làm khác nhau. Còn nếu được coi là dã sử thì nó là dã sử."


Lời kết


"Khát vọng Thăng Long" là bộ phim có quy mô lớn nhưng lại được thực hiện trong thời gian quá ngắn, chỉ vỏn vẹn 4 tháng. Bộ phim được quay, dựng và làm kỹ xảo song song ngay tại hiện trường.



Tuy chưa thể gọi là một tác phẩm xuất chúng nhưng "Khát vọng Thăng Long" đã đánh dấu bước chuyển mình của dòng phim dã sử Việt nói riêng và điện ảnh Việt nói chung. Các cảnh quay đẹp với hình ảnh mái đình đầu làng, sân chùa nâu thẫm, những phiên chợ quê cộng với nhiều màn võ thuật đỉnh cao sẽ đem lại một trải nghiệm thú vị và vô cùng mới mẻ cho khán giả màn ảnh rộng. Bộ phim sẽ chính thức được khởi chiếu trên toàn quốc vào ngày 12 tháng 11 tới.