( Doanh nghiệp )-


Các nhà mạng sẽ đồng loạt điều chỉnh giá cước 3G, tùy thuộc từng gói mà có mức tăng hoặc giảm khác nhau, cụ thể là 3 nhà mạng lớn là Viettel, Mobifone và Vinaphone.


"Nếu tính trung bình thì các gói cước sẽ tăng dưới 20%, trong đó điều chỉnh giá khoảng 10% - 13%, điều chỉnh phương thức tính chiếm tầm 6%", đại diện Cục viễn thông nói.


Ngoài ra, cơ quan chủ quản không quy định thời gian điều chỉnh mà cho các doanh nghiệp tự quyền quyết định, tùy thuộc vào điều kiện và khả năng chuẩn bị riêng. Giá 3G Việt Nam hiện thấp hơn mức trung bình trong khu vực ASEAN và thế giới 35% - 68%. Đợt tăng giá lần này chưa đưa 3G lên mặt bằng chung nhưng cũng tránh việc nhà mạng bán dưới giá thành như hiện nay.


Trước khi nhà mạng tiến hành điều chỉnh cước phải thông báo rộng rãi cho khách hàng để khách nắm được thông tin, lựa chọn các gói cước phù hợp. Nếu người dùng không thay đổi dịch vụ đang sử dụng thì nhà mạng sẽ tự động chuyển sang các gói cước được điều chỉnh mới.


Các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước 3G


Trao đổi với báo chí,Vinaphone dự tính ngày 16/10 sẽ công bố giá mới. Đại diện nhà mạng này cho biết: "Có nhiều gói được điều chỉnh cả tăng lẫn giảm. Chúng tôi sẽ đơn giản hóa gói cước, tăng số lượng các gói không giới hạn dung lượng. Bên cạnh đó Vinaphone cũng giảm cước trần xuống còn 500.000 đồng thay vì khoảng một triệu đồng như hiện nay".


Mobifone và Viettel cũng điều chỉnh cùng ngày 16/10 và có thêm một số gói cước mới. Đại diện nhà mạng quân đội cho biết thêm sẽ ngừng áp dụng các chính sách quy định mức cước tối đa cho dịch vụ Dcom.


Bên cạnh đó, đại diện Cục viễn thông nói: “CMức tăng cước sẽ theo từng gói nhưng nếu tính trung bình các gói cước được điều chỉnh khoảng 20%. Đây là mức tăng cước không quá lớn để tránh gây ảnh hưởng cho khách hàng”.


Đại diện Cục Viễn thông cũng khẳng định, ngay cả sau khi các mạng di động đã tăng khoảng 20% cước 3G thì Việt Nam vẫn đang có mức cước 3G thấp hơn mức trung bình so với 10 nước ASEAN.


Dậm dịch xin tăng mà chỉ hứa tăng nhẹ


Trước đó, từ cuối năm 2012, nhiều nhà mạng cho biết doanh thu đang bị đe dọa bởi các phần mềm nhắn tin - gọi điện miễn phí trên Internet (OTT),khiến người dùng giảm bớt việc sử dụng các dịch vụ gọi điện, SMS cơ bản của các nhà mạng, dẫn tới nhu cầu tăng cước 3G để bảo toàn lợi nhuận. Ngoài ra, các hãng kinh doanh viễn thông cũng nêu lý do dịch vụ đang được bán dưới giá thành, không đảm bảo nguồn thu để tái đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng chất lượng để lý giải đề xuất tăng giá.


Theo tính toán của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, nếu 40 triệu thuê bao của mạng này đều dùng 3G và sử dụng Viber để gọi điện, nhắn tin thì doanh thu của tập đoàn sẽ giảm 40-50%.


Nên hồi tháng 4/2013, các doanh nghiệp viễn thông đã trình phương án tăng cước đối với dịch vụ 3G lên Bộ Thông tin và Truyền thông để chờ xét duyệt, với lời hứa chỉ tăng nhẹ, phù hợp kinh tế của người dùng.


Thế nhưng nhắc đến dịch vụ OTT được sử dụng nhiều mà hầu hết đều dùng 3G, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết: "Có thể ví mạng 3G là một con đường mới xây, lúc đầu ít người qua lại thì đường rộng, có thể miễn phí hoặc lấy phí thấp. Nay đông người đi thì phải nâng phí cao hơn để đảm bảo có kinh phí tái đầu tư".


Dự báo nguyên nhân bùng phát vì dịch vụ OTT


Trước đó, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông của Bộ Thông tin Truyền thông đã cho rằng, do các dịch vụ OTT có ảnh hưởng rất lớn nên cơ quan chức năng phải có biện pháp quản lý, nhưng quản lý ở mức độ nào thì cần tiếp tục bàn bạc để không gây khó chịu cho người sử dụng.


Còn các nhà cung cấp dịch vụ OTT cho hay chưa thể đánh giá được tác động của việc quản lý dịch vụ OTT đến việc phát triển các dịch vụ bởi tác động ra sao, tác động như thế nào còn tùy thuộc vào chính sách quản lý sẽ được đưa ra.


Một chuyên gia (không muốn nêu tên) cho rằng, trong tương lai, người sử dụng OTT sẽ không được dùng thoải mái như hiện nay và sẽ bị thu phí, giống như chính sách quản lý đang áp dụng ở Hàn Quốc...


Trong khi đó, ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty VNG (đơn vị cung cấp ứng dụng Zalo) đồng tình với quan điểm phải có chính sách quản lý dịch vụ OTT.


Song ông Minh cho rằng, các ứng dụng OTT hiện được cung cấp tại Việt Nam có cả ứng dụng trong và ngoài nước, chính sách quản lý phải làm sao tạo được sự công bằng cho các doanh nghiệp nội, ngoại cung cấp các ứng dụng này.


Cụ thể, trong một hội nghị của Bộ Thông tin Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã kiến nghị cần tính đến phương án quản lý các ứng dụng OTT bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của các mạng di động.


Theo ông Hùng, nếu 40 triệu thuê bao di động đang có của Viettel đều dùng 3G và OTT thì doanh thu của mạng di động này có thể bị giảm 40-50%, bởi dịch vụ thoại, nhắn tin đang chiếm 80% doanh thu của các mạng di động.


Ước tính, đến cuối năm nay Việt Nam sẽ có khoảng 20 triệu người sử dụng ứng dụng OTT. Trong đó Kakao Talk đặt mục tiêu có 7 triệu người dùng. Viber đang đặt ra mục tiêu có 10 triệu người sử dụng tại Việt Nam vào cuối năm nay. Còn ứng dụng Zalo cũng vừa công bố có 4 triệu người.


Thái Linh (Tổng hợp TNO,VNE)


http://www.baomoi.com/Bat-ngo-tang-gia-cuoc-3G-len-toi-20/76/12153607.epi