Có không ít trường hợp, bác sỹ đành bó tay nhìn bệnh nhân qua đời vì tất cả các loại kháng sinh mới nhất, mạnh nhất, đắt nhất đều đã bị vô hiệu hóa.









Những kháng sinh thế hệ mới đang bị nhiều người lạm dụng


Chê đơn thuốc kháng sinh nhẹ



Từ trước đến nay, thuốc kháng sinh vẫn được khuyến cáo là con dao 2 lưỡi. Tuy nhiên hiện nay, người dân đang lạm dụng nó và bệnh gì cũng dùng kháng sinh.



Chị Nguyễn Thị Mỹ Hằng, trú tại Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội kể: Mỗi lần con chị bị ốm, chị tự ra ngoài mua các loại thuốc về uống. Chị chỉ đi khám bác sĩ 1 lần và lần sau thấy triệu chứng giống như thế, chị cứ cầm đơn thuốc đó đi ra hiệu thuốc mua. Nếu hết đơn, con không khỏi, chị Hằng sẽ tự tăng liều cho con.



Chị Hằng còn khoe chị biết hàng loạt các loại thuốc kháng sinh phổ rộng điều trị ho và hay chảy nước mũi ở trẻ. Nhiều loại thuốc được nhập khẩu có giá trên 100 nghìn/viên dành cho trẻ từ 6 tuổi trở lên, chị Hằng vẫn dùng cho con 4 tuổi. Chị cắt phần uống đi 2/3 và coi đó là phù hợp với con mình.



Chị Nguyễn Thị Thùy Vân có con trai 6 tuổi, bé Hoàng Anh, đang học lớp 1. Chị Vân rất đau khổ vì nếu Hoàng Anh bị ho hay sốt, dùng kháng sinh loại bình thường cháu không thể khỏi. Chị kể nhiều lần về quê, chị phải mang thuốc từ thành phố về theo và phải tăng liều cho con khi bé uống hai, ba ngày không đỡ.




Bà mẹ hai con này kể, đến bé gái thứ 2, chị rút kinh nghiệm không sử dụng nhiều kháng sinh cho con. Nhưng khi bé bị ốm chị đưa đi bác sĩ họ vẫn kê kháng sinh. Có lần, bác sĩ kê cả kháng sinh của trẻ trên 2 tuổi cho bé. Chị lo lắng vì mình không thể thay bác sĩ để quyết định thuốc cho con, con vẫn phải lạm dụng kháng sinh.



Bác sĩ Cấn Phú Nhuận - Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi trung ương chia sẻ: "Nhiều lần ông bị người nhà bệnh nhân phản ứng khi kê đơn thuốc kháng sinh nhẹ hay kê thuốc nội. Có những người chê kháng sinh nhẹ, sợ bệnh không thể khỏi được. Họ đòi bác sĩ kê thuốc nào cho con mình nhanh khỏi nhất có thể.



Khi khám cho bệnh nhân, tôi hỏi ở nhà trẻ đã dùng thuốc gì, các mẹ đọc hàng loạt các loại thuốc kháng sinh, trong đó có những kháng sinh không cần thiết phải sử dụng. Như thế, trẻ càng khó khỏi bệnh hơn, xuất hiện tình trạng nhờn thuốc".


Cần sử dụng kháng sinh đúng liều, đúng chỉ định



PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng - trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Bệnh viện đã từng làm khảo sát nhỏ đối với trẻ dưới 3 tuổi, có tới 90% nhiễm trùng hô hấp trên là các bệnh viêm mũi họng, viêm họng, viêm tai do virus và không cần điều trị bằng kháng sinh. Nhưng thực tế đa số các em nhỏ vẫn đang phải dùng kháng sinh rất thường xuyên.



Theo PGS Dũng, không chỉ người dùng mà ngay cả bác sĩ nhiều khi cũng kê đơn sai, lạm dụng kháng sinh. Trong khi, kháng sinh là con dao 2 lưỡi, nếu dùng đúng thì có tác dụng tốt. Còn ngược lại, người bệnh có thể gánh những hậu quả khôn lường.



Khi trẻ có triệu chứng bệnh, trước hết phải xem bệnh nặng hay nhẹ, có cần thiết phải dùng kháng sinh hay không. Hơn nữa, nếu là bệnh do virus thì có uống bao nhiêu kháng sinh cũng không có tác dụng. Bệnh không khỏi, người lại mệt mỏi hơn.



Thông thường, kháng sinh đưa vào người là để diệt vi khuẩn gây bệnh, nhưng nếu không có loại đó, thuốc sẽ diệt cả vi khuẩn không gây bệnh, vi khuẩn có lợi, gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Viêm ruột do kháng sinh có trường hợp chảy máu, thậm chí tử vong.



Người lớn còn sai lầm khi không cho trẻ dùng hết liều kháng sinh bác sĩ kê, khi thấy con mình đã thuyên giảm bệnh
. Tuy nhiên khi đó vi khuẩn có thể mới chỉ bị tiêu diệt một phần, bị yếu đi chứ chưa bị loại trừ hoàn toàn. Vì thế, nếu bỏ thuốc, rất có thể chúng sẽ phục hồi và tiếp tục gây bệnh.


Có không ít trường hợp, bác sỹ đành bó tay nhìn bệnh nhân qua đời vì tất cả các loại kháng sinh mới nhất, mạnh nhất, đắt nhất đều đã bị vô hiệu hóa.



Bác sĩ Dũng nhấn mạnh khi sử dụng kháng sinh, thấy bệnh chưa có tiến triển tốt, bố mẹ không nên đòi đổi thuốc mà nên xem xét đến các khía cạnh như: Đã tuân thủ đúng liều chưa, việc chẩn đoán, kê đơn đã đúng bệnh chưa, khả năng đáp ứng thuốc của cơ thể...



http://infonet.vn/khang-khang-sinh-bac-si-bat-luc-nhin-benh-nhan-tu-vong-post129603.info