Tờ Guardian của Anh cuối tuần qua đã công bố một con số “giật mình”, khi khẳng định có tới 3.000 trẻ em Việt Nam bị buôn bán sang Anh, và ép lao động trong các khu vực trồng cần sa, và nhiều hoạt động phi pháp khác như buôn bán súng, ma túy và mại dâm.


Cảnh sát Anh đột kích một cơ sở trồng cần sa trái phép (Ảnh: Police)



Thông tin được Guardian đăng tải hôm 23/5, dẫn con số tính toán của một cựu lãnh đạo cơ quan chống buôn người của chính phủ Anh.


“Theo tính toán của chúng tôi, có khoảng 3.000 trẻ em Việt Nam tại Anh đang bị các băng đảng tôi phạm sử dụng để trục lợi”, Philip Ishola, cựu lãnh đạo Cục chống buôn người của Anh khẳng định.


“Cảnh sát và cơ quan chức năng đều biết những trẻ em bị buôn bán này đang bị ép phải làm việc tại các trang trại trồng cần sa, nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thường thì cùng một đứa trẻ đó sẽ bị bóc lột không chỉ tại trang trại trồng cần sa, mà còn theo vô số cách khác nhau. Việc này đang xảy ra ngay trước mặt chúng ta và chưa có nhiều biện pháp để ngăn chặn”, Ishola khẳng định.


Theo tờ báo trên, cảnh sát Anh đang gặp khó khăn khi các băng nhóm tội phạm ngày càng đa dạng hóa và mở rộng hoạt động của mình khắp nước Anh, sang cả Scotland và Bắc Ai len. Ngoài các trang trại cần sa, trẻ em Việt Nam còn bị ép tham gia các hoạt động phi pháp khác tại Anh gồm buôn lậu súng, sản xuất ma túy đá và mại dâm.


Mỗi trẻ em được đưa tới đây bị tính khoản phí vận chuyển tới 25.000 bảng Anh (gần 850 triệu đồng), và sẽ phải làm việc để trả dần số nợ này.


Ước tính mỗi năm có khoảng 13.000 người bị buôn lậu vào Anh, và trẻ em Việt Nam chiếm số lượng lớn nhất. Theo Văn phòng tội phạm và ma túy Liên Hợp Quốc, mỗi tháng có tới 30 trẻ em Việt Nam được đưa lậu vào Anh, thông qua các đường dây rất bài bản.


Một trong số những trường hợp như vậy, em bé tên Hien, 17 tuổi, đã được cơ quan chức năng tìm thấy, khi đột kích một trang trại trồng cần sa. Hien khai không biết mình đang phải trồng cây gì, nhưng giờ thì biết chúng đem lại nhiều tiền. Em bị nhốt trong nhà kín, thường bị đánh đập, đe dọa và cô lập với thế giới bên ngoài. Thời điểm được ra ngoài duy nhất là khi Hien giúp vận chuyển cây cần sa đi phơi khô.


“Cháu chưa bao giờ được trả tiền khi còn làm việc ở đó. Cháu ở đó không phải vì tiền mà bởi cháu sợ và cháu mong mọi chuyện sẽ sớm qua”, Hien nói.


Cảnh sát tìm thấy Hien một mình trong khu trang trại cần sa khi họ tới. Sau khi trình báo, Hien vẫn bị đưa vào cơ sở cải tạo trẻ vị thành niên và ở đó 10 tháng với tội danh trồng cây cần sa, và chỉ được thả sau khi được xác định là nạn nhân một vụ buôn bán người.