Người tiêu dùng còn đang hoang mang trước những thông tin liên tiếp về các loại sữa, bánh quy nhập khẩu nhiễm melamin, thì tiếp tục ngẩn ngơ trước những công bố trái ngược nhau của các cơ quan có chức năng xét nghiệm.


Nơi bảo có melamine, nơi nói không!


Chiều 3/10, sau khi Cục ATVSTP thông báo có thêm 2 loại sữa của Công ty cổ phần sữa Hà Nội (Hanoimilk) “dính” melamine, đó là sữa tiệt trùng Hi-P sôcôla và sữa bột Whole milk 2, đại diện của Hanoimilk cho biết, cũng mẫu sữa tiệt trùng Hi-P sôcôla gửi xét nghiệm tại Trung tâm Dịch vụ thí nghiệm TP Hồ Chí Minh, (ngày 29/9) cho kết quả âm tính với melamine.


Ngày 2/10, Cty Cổ phần thực phẩm Anco cũng thông báo thông tin khá bất ngờ: Cùng lô sữa mà Sở Y tế Hà Nội thông báo có chứa melamine (do Viện dinh dưỡng tiến hành xét nghiệm kiểm tra) thì kết quả do Công ty kiểm định quốc tế SGS (Thụy Sĩ) tại TP Hồ Chí Minh lại là không có melamine.


Hai kết quả kiểm nghiệm trên công ty nhận được trong cùng ngày 1/10. Trước thực trạng trên, công ty đã có văn bản gửi Thanh tra y tế Hà Nội, Viện Dinh dưỡng và Công ty kiểm định quốc tế SGS để thẩm định, làm rõ lại sự việc.


Đứng trước những câu hỏi dồn dập về sự trái ngược trong cùng một mẫu sữa, Cục trưởng Cục ATVSTP, ông Nguyễn Công Khẩn, cho biết: “Phương pháp kiểm tra melamine tại Viện dinh dưỡng đã được chuẩn hoá rất cao, khó có thể xảy ra sai sót. Trong trường hợp có những kết quả trái ngược thì cần tiến hành xét nghiệm lại ở một cơ sở thứ ba đáng tin cậy”.


Ông Trần Quang Trung, Chánh thanh tra Bộ Y tế cũng khẳng định chắc chắn về sự minh bạch trong quá trình kiểm nghiệm các mẫu sữa mà Bộ Y tế đã tiến hành thu thập và công bố kết quả


Hiện, dù chưa có thông báo chính thức từ Bộ Y tế về lần xét nghiệm lại nhằm đưa ra thông tin chính thức cuối cùng mẫu sữa của hai công ty sữa Anco và Hanoimilk có nhiễm melamine hay không, hai công ty này đã làm những động tác nhằm cứu vãn tình thế bên bờ vực phá sản bằng cách tự gửi mẫu sản phẩm của mình ra nước ngoài để làm xét nghiệm.


Ông Đinh Văn Thịnh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Hanoimilk cho biết, chi phí cho một lần xét nghiệm ở nước ngoài khoảng 100 USD.


Lao đao trước “cơn bão” melamine


Kể từ khi “cơn bão” melamine tràn vào Việt Nam, cơ quan có chức năng đặc biệt là Cục ATVSTP - nơi cấp phép cho các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam càng bộc lộ rõ những mặt yếu kém trong khâu quản lý chất lượng thực phẩm và nguyên liệu sản xuất thực phẩm.


Mặc dù lãnh đạo cấp cao của Bộ Y tế không ngừng nhắc đi nhắc lại sẽ “đại phẫu” Cục ATVSTP, buộc Cục này phải thay đổi hoàn toàn phương pháp quản lý các vấn đề về thực phẩm, không thể thả nổi như trước đây, nhưng trong khi chờ vào sự đổi mới của Cục ATVSTP, người tiêu dùng và cả doanh nghiệp đang phải hứng chịu những tai hoạ trước “cơn bão” melamine.


Chị Đinh Thị Hoà (Tân Mai - Hà Nội) vô cùng lo lắng trước thông tin loại sữa Hi-P mà lâu nay chị vẫn mua cho cô con gái 1 tuổi uống vào các buổi sáng có nhiễm melamine. Chị Hoà dự kiến sớm đưa con đi khám, nhằm phát hiện bệnh sạn thận.


Cùng tâm trạng như vậy, gia đình anh Minh Hiếu ở Phương Mai đang trải qua những ngày lo âu. Vợ anh mới sinh, lại bị mất sữa nên phải cho con ăn ngoài hoàn toàn. Khổ nỗi, đứa trẻ khó ăn, nên vợ anh đã thử dùng đủ loại sữa nội, ngoại. Đến khi nghe những tin dữ về sữa, hai vợ chồng cứ lấn bấn không biết phải mua sữa gì cho con dùng thì mới yên tâm.


Các doanh nghiệp sữa cũng đang rơi vào tình trạng suy sụp không kém.


Phá sản, mất đi thương hiệu, mất đi lòng tin của người tiêu dùng là một cái giá quá đắt mà không ít doanh nghiệp sữa Việt Nam đang phải gánh. Không thể phủ nhận đó là hậu quả của sự làm ăn thiếu nghiêm túc. Theo ước tính của từ Bộ Y tế, trong đợt tiêu hủy sữa có melamine lần này, nếu doanh nghiệp nào nhẹ thì mất 3-5 tỷ đồng nhưng có doanh nghiệp mất đến 17 tỉ đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là sự thiệt hại ngắn nhất, có thể nhìn thấy được. Sự ra quay lưng của người tiêu dùng vào sản phẩm mới là cái giá lớn nhất doanh nghiệp phải trả.


Tại Hà Nội, lo ngại trước những thông tin liên tục về một số sản phẩm Anco, Hanoimilk nhiều siêu thị, đại lý đã bốc sản phẩm của hai nhãn hiệu về kho, rồi thay các sản phẩm của hãng sữa khác lên kệ bán. Một số tìm cách trả lại nhà cung cấp số hàng đã nhập, trong đó có cả những sản phẩm được chứng nhận an toàn. Tuy nhiên, lượng khách tiêu thu sữa vẫn sụt giảm đáng kể.


Người bán hàng đại lý Minh Tâm - Chợ Thanh Xuân Bắc cho biết: Trong hai ngày qua chỉ có 3 người khách hỏi mua sữa tươi tiệt trùng. Các loại sữa bột của các hãng nổi tiếng cũng trong tình trạng tiêu thụ rất chậm


Tại siêu thị BigC, sản phẩm của Anco bị thu sạch khỏi sạp hàng. Nhưng tâm lý lo ngại của người tiêu dùng khiến các dòng sản phẩm của Vinamilk, Dutch Lady, z’Dozy và một số loại sữa ngoại khác cũng chịu vạ lây.


Đại diện kinh doanh của siêu thị Intimex cũng cho biết, họ đã dán các thông báo lên sạp hàng, chứng nhận các sản phẩm sữa an toàn. Tuy vậy, sức mua các sản phẩm sữa nói chung đã sụt giảm đáng kể.


Theo P. Thanh


dantri.gif