Bà ngoại là báu vật


(Dân trí) - Mấy chị em tôi thường bảo nhau rằng, nhà mình chỉ còn mỗi báu vật là bà ngoại, để rồi mỗi lần ngoại về chơi, lại cố tranh giành, giữ ngoại ở lại thật lâu, chẳng chịu cho cậu chở về.


Ngoại năm nay đã ngót nghét chín mươi, vẫn minh mẫn nhưng không còn nhanh nhẹn như mấy năm về trước. Thời trẻ, ngoại cao ráo, xinh đẹp và siêng năng có tiếng trong làng. Nhà trai chấm ngoại về làm dâu khi ông bà còn chưa thấy mặt nhau. Ngoại lấy ông, theo ông về ở vùng trung du nghèo heo hút, toàn rừng rú, chẳng thấy bóng người. Những đêm nhớ nhà, nhìn ra khoảng không hun hút trước sân mà ngoại chảy nước mắt.


Giặc tràn về, ông tham gia du kích, ngoại ở nhà nuôi quân và theo hò địch vận. Lần ông bị bắt, nhốt trong tù tận mấy tháng trời, đến lúc trở về thân mình tàn tạ, ngoại thức sớm hôm chăm sóc. Khi tỉnh lại, sức khỏe ông không còn như trước, ngoại một mình cáng đáng tất thảy việc trong ngoài. Các cậu các dì lớn lên đều xung phong đi bộ đội. Cậu Hai hy sinh trong một trận càn, cậu Ba ngã xuống khi chưa tròn mười bảy. Ngoại tôi đờ đẫn, khóc chẳng thành tiếng, chẳng có nỗi đau nào hơn…


Đứa cháu nào ra đời, ngoại cũng là người đầu tiên bồng bế, ru ngủ. Ngoại là miền cổ tích, là tất cả những yêu thương tròn trĩnh của thời thơ ấu. Ngoại vốn hiền, hiền từ đó tới giờ, chẳng khi nào rầy la ai một tiếng nặng nhẹ. Con cháu làm ăn xa, Tết về lì xì ngoại chút tiền ăn quà bánh, ngoại lại thổn thức, dấm dúi lại cho đứa này còn đi học, đứa kia chưa có việc làm.


Nhà tôi và dì gần nhau, thế nên mỗi lần ngoại về chơi, thể nào cũng xảy ra cuộc tranh giành ngoại. Hễ ngoại đã ăn trưa và chơi đến chiều ở nhà tôi thì dì sẽ sang dắt ngoại về nhà ngủ. Ngày còn nhỏ, không biết bao nhiêu lần chị em tôi và các anh con dì đã giận dỗi vì giành ngoại như thế. Những lúc ấy nghe ngoại dọa: “đứa nào cũng giành thì thôi, ngoại lên ở với cậu để mấy chị em bây khỏi mất đoàn kết”, nói rồi quầy quả xách nón đi thế là cả bọn sợ, để ngoại tùy ý. Ngoại tính công bằng, đêm nay ngủ bên dì thì đêm mai sẽ qua ngủ với mấy chị em tôi, chẳng đứa nào có cớ kiện nài, tị nạnh nhau nữa.


Mắt ngoại giờ đã kém, chẳng nhìn rõ mỗi khi trông ra xa. Chân tay thì yếu, vết đồi mồi chen chúc trên từng khoảng da thịt. Tuổi già điểm trên gương mặt người ngày càng đậm. Ông mất cũng đã gần mười năm, cũng là chừng ấy năm ngoại đơn độc, trông về phía bàn thờ mà ngân ngấn nước mắt “ông con tội lắm”. Dẫu ở với vợ chồng cậu nhưng có ông, có bà thủ thỉ với nhau vẫn hơn.


Mỗi lần về quê chơi, lại thấy ngoại chống gậy, đuổi gà trong sân, khi thì cuốc đất, làm cỏ trong vườn. Ngoại nở nụ cười trìu mến, đôn hậu đón chúng tôi trong vòng tay. Mỗi khi kể chuyện ngày xưa, ngoại thường hướng về khoảng xa xăm, tít tắp phía chân trời tựa như đang ngẫm về những năm tháng đã qua. Thi thoảng, mấy chị em lại đòi nghe ngoại hò, giọng hò chẳng còn trong trẻo như xưa nhưng vẫn vang vang, rất đỗi ấm áp, ngọt ngào.


Tôi thích nằm ôm ngoại ngủ để nghe thoang thoảng hơi trầu lẫn mùi thuốc lá đặc trưng. Ngoại không chịu bỏ thuốc bởi nó đã trở thành thói quen cố hữu của người. Đêm nằm, lại nghe ngoại ú ớ trong mơ về bao chuyện gặp đâu đó trong ngày, nghe hơi thuốc phả với mùi trầu, hăng hắc ấm cúng và thân thuộc. Đi học xa, lại thèm được về nhà để chui vào ngủ chung với ngoại, nghịch ngợm sờ ti rồi ôm cứng ngoại mà ngủ, nghe người thao thức, âu lo đủ chuyện mà thương.


Một cái Tết vừa qua, ngoại lại gánh thêm một tuổi già nặng trĩu. Tết với ngoại là vui nhất, con cháu ở xa về, sum vầy ríu rít, đứa ôm đứa hôn, vòi vĩnh bên ngoại như lũ chim nhỏ. Mới thấy rằng dầu có đi đâu xa, lớn bổng bao nhiêu thì với ngoại, tất cả cũng còn nhỏ dại như cái thuở nào. Chỉ mong sao, ngoại đủ sức khỏe để đón thêm thật nhiều cái Tết bên con cháu, để mãi mãi là báu vật quý giá của cả nhà.


Diệu Ái


http://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/ba-ngoai-la-bau-vat-703691.htm