http://baodatviet.vn/Home/doisong/Ba-gia-nha-que-va-cai-dien-thoai-di-dong/201210/238888.datviet


Xin đừng ai chạnh lòng với cách gọi này, vì cái 'bà già nhà quê' đó


là mẹ tôi. Chuyện bà có 'cái alo' vẫn được coi là 'sự kiện hài hước nhất


trong năm'.


Cái điện thoại di động là hiện thân của công nghệ, của nhịp sống hiện đại sôi động đến loạn cuồng. Còn các bà già nhà quê lại là hiện thân của những gì cũ kỹ nhất, như cây rơm, điệu hát chèo, ông bình vôi... Rõ ràng là chẳng liên quan gì đến nhau.


Bà già nhà quê thứ nhất: Mẹ tôi


Hôm đó mấy chị em tôi đang tụ tập ăn uống ở thủ đô, cách quê nhà mấy trăm cây số thì bỗng điện thoại của ba đứa đồng loạt kêu tít tít. Mở ra, thấy tin nhắn từ một số lạ: “Đây là số của mẹ. Các đồng chí có liên lạc thì gọi chứ không được nhắn tin, kẻo mẹ không biết mở đâu. Bố”. Ba đứa đồng loạt ngẩng lên chìa cái điện thoại ra trước mặt, hét: “Mẹ có di động này!”, rồi tất cả phá lên cười.


Trong hình dung của chị em tôi, mẹ chả liên quan gì đến những sản phẩm của thế giới hiện đại như máy tính, điện thoại di động, và thậm chí là cả… xe máy. Mẹ tôi 67 tuổi, kẹp mái tóc nửa bạc nửa đen bằng cái kẹp ba lá giá 2.000 đồng mà bà vẫn kẹp từ tuổi trăng tròn. Bàn tay đen đúa sần sùi nứt như ruộng hạn, đến mùa đông thì mốc sùi lên những đám trắng, bàn tay cả đời chưa từng chạm đến vòng hay nhẫn.


Sống ở thị xã đã mấy chục năm nhưng mẹ tôi vẫn quê đặc. Ngoài cách ăn mặc ra thì mẹ tôi còn “bảo tồn” một nét rất “nhà quê” khác: bà tiết kiệm kinh khủng. Nhà có cả bếp ga lẫn bếp điện, bếp từ, nhưng hễ vơ được đám lá hay cành khô nào trong vườn là bà lại tận dụng cái kiềng ba chân để đun nấu, khói um lên như cái thời tôi còn mặc quần thủng đít chờ mẹ cầm tem phiếu xếp hàng mua gạo, thịt. Thức ăn thừa nhét tủ lạnh, hâm đi hâm lại không biết mấy lần, quyết không đổ bỏ tí nào.


Nhà bán hàng, mỗi khi hàng nhập từ Hà Nội vào tới bến, em tôi thường thuê xe chở về. Nhưng nếu em tôi đi vắng, mẹ sẽ lén lút, âm thầm chở từng bì, từng can bằng… xe đạp, cho kỳ hết mới thôi, để rồi đêm đến lại than đau lưng, mỏi gối. Thực ra thì ngoài xe đạp, phương tiện giao thông duy nhất mẹ tôi biết dùng chính là đôi chân còm cõi của bà.


Để mẹ khỏi phải còng lưng với việc nhà trong khi con cái đứa bận việc, đứa đi xa, mấy bố con tôi phải lập mưu sau lưng mẹ để sắm máy giặt và vài sản phẩm hiện đại hóa khác, vì biết bà sẽ kêu trời là tốn kém. Số tiền chắt bóp được từ cái việc ngược đãi bản thân ấy, mẹ tôi biến thành hải sản tươi sống, thành trứng gà quê… ùn ùn gửi xe khách ra cho mấy đứa con ở Hà Nội, thành những bữa tiệc “đế vương” khi chúng về thăm, hay thành món viện trợ không hoàn lại khi con cái cần tiền.


Mỗi lần gọi vào điện thoại di động của bố để hỏi thăm, nói chuyện với mẹ xong nếu chúng tôi không tắt máy thì bà sẽ chẳng biết phải làm thế nào, kiểu gì cũng kêu toáng lên: “Ông ơi tắt mau kẻo tốn tiền chúng nó”. Thế mà bây giờ mẹ cũng đã sắm điện thoại di động? Trước tin sốt dẻo, cả mấy đứa bảo nhau phải về quê gấp xem tình hình thế nào, chắc sẽ nhiều chuyện hay.


Quả là mới mấy ngày mà bố tôi đã kể được lắm chuyện hay về “bà già khốt ta bít dùng di động”. Thực ra chỉ có mẹ tôi là di động, còn cái điện thoại thì không. Hằng ngày bà thoăn thoắt khắp nơi, hết bếp đến chợ rồi ra phụ cửa hàng, còn “cái a lô” thì nằm ngay ngắn cạnh hộp điện thoại bàn tít trong buồng. Nếu có chuông, mẹ tôi ba chân bốn cẳng hổn hển chạy đến “nhấc máy”, xong lại đặt đó. Mẹ mà đi vắng thì khỏi gọi luôn.


Bị phê bình mãi, mẹ tôi rút kinh nghiệm, hễ đi đâu là cho cái di động vào giỏ xe đạp. Sau đó, nó sẽ được nằm cùng với thịt lợn, rau muống, đậu phụ và thậm chí cả… mắm tôm. Có lần, tiếng chuông điện thoại của mẹ reo ngay trong gian bếp mà tìm mãi chẳng thấy đâu, cuối cùng bố tôi phát hiện ra nó cùng con cá quả đang giãy đành đạch bên cạnh nhau.


Rồi mẹ tôi học nhắn tin. Và những ngày sau, bố tôi phát hiện, bao nhiêu tin nhắn chúc mừng năm mới, chúc mừng Quốc khánh, trung thu hay 8/3… của các nhà cung cấp dịch vụ, mẹ tôi đều lễ phép nhắn trả lời cảm ơn tuốt tuột.


Bà già nhà quê thứ hai: Giúp việc nhà tôi


Bà Lụa xấp xỉ 60 tuổi, góa chồng từ lâu. Vì không có con trai nên khi hai cô con gái đã lập gia đình, bà rời quê đi làm để kiếm tiền “mua cỗ hậu sự và tổ chức đám ma”. Vợ chồng tôi toàn dùng di động nên rất hay quên nạp tiền cho cái máy cố định, trong khi các con bà gọi hỏi thăm mẹ thường xuyên. Mấy bận bà lên xe về quê, con gái, con rể cứ một lát lại gọi cho tôi để hỏi bà về đến đâu rồi. Vì thế, tôi quyết định sắm một cái di động cũ cho bà.


Bà Lụa thích cái điện thoại di động. Nhưng bà còn sợ nó hơn. Mỗi lần thấy chuông reo, bà hoảng hốt gọi ầm lên: “Bấm vào đâu đây cháu ơi?”, rồi giục giã tôi ra "xử lý" vì sợ thằng con rể chờ lâu cúp máy mất. Chỉ mỗi việc khi ai gọi đến thì bấm nút có hình cái điện thoại màu xanh để nghe mà cả tháng bà mới nhớ.


Còn chuyện lưu số các con và gọi chúng khi cần thì hướng dẫn mãi cũng chả ăn thua. Mỗi lần gọi, bà lại lôi cuốn vở ô ly chép cả số điện thoại lẫn kinh Phật ra, dò dẫm nhấn từng số một, rồi chuông chưa kịp reo đã “a lô Đạt đấy hả, khỏe không con” liên hồi, đến khi ông con rể a lô thì bà lại giật bắn mình. Hôm nào có điện thoại là đêm ấy, bà Lụa lại mất ngủ vì nhớ con, nhớ cháu.


Có lần bấm số hộ bà Lụa, tôi thấy màn hình báo có mười mấy cái tin nhắn chưa đọc. Nghe nói thế, bà lại hoảng lên: “Trời ơi cái hình phong bì nháy nháy ấy là con cô nó nhắn à?”. Mở ra xem có những cái tin gửi từ tháng trước, bảo thằng cu, cái hĩm bị ho, hỏi bà cách chữa. Lúc bà đọc tin thì chúng nó đã khỏe từ đời nào, thế mà bà vẫn ngồi khóc một chập vì xót cháu. Đến bây giờ bà vẫn chưa biết cách mở tin nhắn ra đọc, hễ nhìn thấy “cái phong bì nháy nháy” là vừa mừng rỡ vừa lo lắng nhờ tôi mở hộ.


Sau chuyến về quê giỗ chồng, bà Lụa tự dưng nằng nặc đem trả điện thoại cho tôi: “Các bà ấy cứ cười cô là già rồi còn điệu, đi làm ôsin còn sắm di động để hẹn người yêu à. Bọn trẻ con mượn điện thoại, không biết đã làm gì cái máy mà giờ hễ có người gọi đến là nó cứ réo ầm lên ‘em Lụa đẹp gái ơi đi yêu anh đi’. Thật tôi chừng này tuổi rồi, chừng ấy năm chung thủy thờ chồng nuôi con, chưa bao giờ bị xấu hổ như thế”.


Đổi lại chuông cho bà, tôi nhắc rằng nếu trả điện thoại thì những lúc bà đi chợ, nhỡ bọn con cháu nó gọi điện thì sao; hoặc lúc bà về quê, con rể không biết mẹ về đến đâu, lại phải đứng chờ cả buổi ngoài quốc lộ như hồi nọ. Bà liền giật mình: “Ừ nhỉ, khổ thân chúng nó” và không đòi trả nữa. Khác với mẹ tôi, bà Lụa lúc nào cũng nhét điện thoại vào túi áo. Nhưng vì nó luôn ở đấy nên đâm ra lúc nào bà cũng mong điện thoại của các con, thỉnh thoảng lại lôi ra nhìn như sợ mình nghễnh ngãng để nhỡ mất cuộc nào đó.


Mỗi lần nhìn bà Lụa nói chuyện điện thoại với con bằng cái giọng oang oang, tôi lại nhớ đến mẹ mình. Mẹ tôi cũng vậy, hơi lãng tai rồi nên nói rất to, và tôi cũng phải quát lên mẹ mới nghe được. Với cả hai bà, mỗi lần dùng điện thoại di động là một lần vất vả, lúng túng. Có lẽ, chỉ tình yêu và nỗi nhớ những đứa con ở xa mới có thể đem hai hình ảnh vốn chẳng “ăn nhập” gì với nhau là bà già nhà quê và chiếc điện thoại di động vào trong một bức tranh mà thôi.