60 năm giải phóng, Hà Nội đối mặt nhiều thách thức


Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, sau 60 năm, thế và lực của Hà Nội lớn mạnh hơn trước nhiều, song thành phố đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như: dân số tăng cao, nền kinh tế có sức cạnh tranh kém.



Chủ tịch Hà Nội: Thủ đô chịu áp lực di dân quá lớn


Phát biểu tại hội thảo 60 năm giải phóng thủ đô - thành tựu, thời cơ, thách thức, phát triển, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, sau 60 năm, Hà Nội từ một thành phố mới giải phóng có diện tích 152 km2, dân số 430.000, đến nay đã phát triển thành một đô thị lớn với diện tích 3.328 km2, dân số hơn 7 triệu.


Hà Nội đang vươn lên mạnh mẽ, kinh tế tăng trưởng cao, GDP tăng gấp 3 lần so với năm 1989. Từ khi mở rộng địa giới, thủ đô có thêm nguồn lực phát triển và thêm cơ hội lớn. Đô thị phát triển mạnh theo hướng văn minh hiện đại, trật tự an toàn xã hội.









Hệ thống cây xanh, mặt nước đang bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa. Ảnh:Xuân Hoa.


Tuy nhiên, Bí thư Phạm Quang Nghị cho rằng, Hà Nội đang đối mặt với nhiều thách thức, tốc độ đô thị hóa làm tăng nhanh dân số, các nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế còn kém, văn hóa xã hội phát triển chưa xứng đáng với thủ đô nghìn năm văn hiến. Tình hình mới đòi hỏi Hà Nội không ngừng vươn lên để xây dựng thủ đô xứng tầm, theo Hiến pháp, Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt ra là trung tâm hành chính, trung tâm kinh tế xã hội, văn hóa, khoa học của cả nước.


Tại hội thảo, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng thủ đô đang phải giải quyết hàng loạt vấn đề bức xúc, mất cân đối ngày càng lớn. Quá trình đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến quá trình dịch cư từ nông thôn và các tỉnh lân cận đến Hà Nội, làm cho khu vực trung tâm không thể kiểm soát nổi, phá vỡ quy mô dân số đã dự báo. Đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến tình trạng kẹt xe, úng ngập, ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nguồn nước.


Trong khi đó, hạ tầng kỹ thuật của Hà Nội chưa vững chắc để đảm bảo phát triển bền vững. Chỉ tiêu đất cây xanh chỉ đạt 5 m2/người, hệ thống cây xanh, mặt nước đang bị thu hẹp và thiếu kiểm soát. Hầu hết các trường đại học, cao đẳng lại tập trung trong khu vực nội thành, diện tích đất quá thấp so với tiêu chuẩn, thiếu chỗ cho sinh viên học tập, rèn luyện thể chất...


TS Vũ Quốc Bình, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, cho rằng Hà Nội chú trọng xây dựng nhiều đô thị hiện đại song thiếu sự đồng bộ trong kiến trúc và quy hoạch, không cân đối với giáo dục, văn hóa, y tế. Bên cạnh đó, những công trình xây dựng không phép, hàng trăm ngôi nhà siêu mỏng siêu méo làm ảnh hưởng kiến trúc đô thị. Một nguyên nhân là nguồn nhân lực để phát triển thành phố bất cập so với yêu cầu trình độ của khu vực và quốc tế. Thị trường có 4,2 triệu lao động, nhưng nhiều sinh viên ra trường phải làm việc không đúng chuyên môn hoặc phải đào tạo lại...


Nhiều năm sống ở Hà Nội, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, nhận xét Hà Nội là một thành phố hơn 1.000 năm tuổi, có rất nhiều điểm thu hút du khách, cảnh quan độc đáo, hồ nước đẹp. Tuy nhiên, đây cũng là thành phố có lượng ôtô và xe máy lớn, ùn tắc giao thông trở thành phổ biến, ô nhiễm môi trường gia tăng.


"Thách thức hàng đầu của Hà Nội là việc cân bằng bền vững giữa phát triển và di sản, giữa áp lực hiện đại hóa và nhu cầu của cư dân thủ đô", bà Katherine nói và cho rằng, thành phố cần khai thác nhiều hơn các giá trị của văn hóa, di sản để nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách và người dân.


http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/60-nam-giai-phong-ha-noi-doi-mat-nhieu-thach-thuc-3088350.html