Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu và khó khăn nội tại, nền kinh tế Việt Nam năm qua hứng chịu cơn "bão" mạnh hơn bao giờ hết, lan từ chợ tới showroom ôtô, thị trường chứng khoán và cả chuyện động trời như đổi tiền.





1. Tin đồn thuế ôtô lên 91%



VAMA hiến kế "trói" xe nhập khẩu; hải quan điều chỉnh biểu giá để áp thuế; Bộ Công Thương đề xuất giải pháp kiểm soát nhập siêu... khiến thị trường ôtô trong nước vốn bị coi là nhạy cảm càng có cơ hội bùng phát tin đồn. Cuối tháng 10, ở Hà Nội và TP HCM chứng kiến cảnh những người có nhu cầu xe hơi đổ xô đến các đại lý, showroom để mua ôtô vì tin thuế nhập khẩu có khả năng tăng kịch trần với 91%. Ngay cả những người chưa có nhu cầu cấp thiết cũng dốc tiền tích góp ra để tậu xe. Họ lo ngại thuế nhập khẩu thay đổi, cộng với chính sách giãn, giảm thuế VAT, phí trước bạ chấm dứt từ ngày 31/12/2009 có thể khiến giá ôtô tăng cao trong năm 2010.



Bộ Tài chính đành phải ban hành quyết định thuế sớm hơn dự kiến cả nửa tháng, đồng thời khẳng định: Biểu thuế nhập khẩu với ôtô không xáo trộn nhiều trong năm 2010 mà chỉ có một vài dòng xe thay đổi không đáng kể. Song điều mà người tiêu dùng băn khoăn là liệu giá xe có tăng trong năm sau lại chưa được giải đáp.



Có ý kiến cho rằng sở dĩ người tiêu dùng Việt nhạy cảm với những tin đồn về thuế là do chính sách này thường thay đổi bất ngờ. Chẳng hạn năm 2007, thuế nhập khẩu ôtô tăng tới 4-5 lần song các quyết định đều được ban hành và không theo lộ trình. Còn giới chuyên gia lại nhìn nhận rằng với kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ôtô lên tới 1 tỷ USD thì khả năng mặt hàng bị cho là xa xỉ này bị liệt vào nhóm không khuyến khích nhập là hoàn toàn có cơ sở.



2. Tin đồn hết gạo khiến giá tăng vọt



Đầu tháng 12, trùng thời điểm VN ký hợp đồng xuất khẩu gạo lớn cho Philippines với giá rất cao, nhiều người dân Sài Gòn lại bị một phen hú vía khi tin đồn thiếu gạo chẳng biết bắt nguồn từ đâu nhanh chóng lan toàn thành phố.



Hầu hết loại gạo bán ở chợ đều tăng giá, ít nhất 500 đồng và nhiều nhất là 2.500 đồng một kg. Đợt tăng này được các tiểu thương nhận định là cao nhất từ trước tới nay, song không có cảnh người dân ùn ùn kéo nhau đi mua gạo như cơn sốt hồi tháng 4 năm 2008.



Trước thông tin "khan hiếm gạo" gây nên hiện tượng giá tăng nhẹ trong tại một số khu vực phía Nam, Bộ Công Thương phải có văn bản gửi cho báo chí khẳng định đó chỉ là tin đồn, lượng gạo dự trữ của Việt Nam hiện có hơn 1 triệu tấn. Vì vậy không có chuyện thiếu gạo, an toàn an ninh lương thực vẫn được đảm bảo.



3. Tin đồn đổi tiền



Ngày 2/12, dư luận trong Nam ngoài Bắc được dịp xôn xao với thông tin Việt Nam sẽ phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng và mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngoài thông tin sẽ có thêm tiền mệnh giá lớn, giới đầu tư còn hoang mang khi nghe tin Chính phủ bắt các ngân hàng mua trái phiếu bắt buộc với tỷ lệ lên tới 50% vốn điều lệ, cao gấp 5 lần mức yêu cầu đưa ra hồi khủng hoảng tiền tệ đầu năm 2008; đồng thời tăng tiếp lãi suất cơ bản và nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng. Dư luận còn bàng hoàng với tin đồn Việt Nam sẽ đổi tiền cho dù thị trường tiền tệ không có nhiều xáo trộn.



Những thông tin đồn thổi đã khiến lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, và được xem là một phần nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán giảm sàn cho dù đầu phiên vẫn không đến nỗi xấu. Chiều cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo chưa có chủ trương tăng lãi suất cơ bản sau khi đã tăng từ 7% lên 8% vào đầu tháng 12. Thông tin mua tín phiếu bắt buộc, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và phát hành tiền mệnh giá 1 triệu hay đổi tiền cũng là bịa đặt, hoàn toàn không có cơ sở. Hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng vẫn giữ mức 3% đối với tiền gửi dưới 12 tháng. Mệnh giá tiền lớn nhất của Việt Nam hiện vẫn là 500.000 đồng, bắt đầu đi vào lưu thông năm 2003.



4. Tin đồn nâng room ngân hàng lên 49%



Ngày 5/6, cổ phiếu ngân hàng đột ngột tăng nóng do nhiều yếu tố tác động, trong đó có cả tin đồn đối tác ngoại được tăng tỷ lệ sở hữu từ 30% lên 49%. Giới đầu tư nhìn nhận nếu việc nâng room là sự thật thì thị trường sẽ có thêm nhiều cơ hội mới khi ôm cổ phiếu ngân hàng.



Tuy nhiên, lập tức sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã khẳng định tăng tỷ sở hữu chỉ là tin đồn, Việt Nam chưa có chủ trương về vấn đề này. Room cho khối ngoại trong các ngân hàng cổ phần nội địa vẫn không vượt quá 30% vốn điều lệ, kể cả khi ngân hàng niêm yết trên sàn. Trong đó mỗi nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan được phép sở hữu tối đa 10%. Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được áp dụng room 15%, trường hợp đặc biệt không quá 20% và phải được Thủ tướng chấp thuận.



5. Tin đồn lan tràn trên sàn chứng khoán



2009 được coi là năm thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tin đồn. Theo thống kê có khoảng 30% doanh nghiệp niêm yết từng hứng chịu tin đồn. Có tin đơn thuần là đồn thổi, nhưng không ít trường hợp là thông tin thật, từ chính nội bộ phát ra.



Không còn là những thông tin liên quan đến tình hình tài chính, lãnh đạo doanh nghiệp bị rơi vào "tầm ngắm", những tin đồn như doanh nghiệp niêm yết chia thưởng, phát hành thêm và cả việc gói kích cầu thứ hai không được thông qua... cũng xuất hiện với tần suất dày đặc. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cũng hơn một lần phải ra văn bản yêu cầu các công ty chứng khoán hướng dẫn nhà đầu tư thận trọng với tin đồn sai lệch. Đồng thời, các công ty này và Sở giao dịch giám sát, ngăn ngừa hiện tượng tung tin đồn, và báo cáo SSC để phối hợp với cơ quan chức năng xử lý.



Việc Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nộ ra quyết định xử phạt 2 thành viên trên một diễn đàn chứng khoán 30 triệu đồng vì tung tin đồn Công ty Chứng khoán VNDirect phá sản được xem là biện pháp mạnh tay nhất với những kẻ thích tung tin đồn. Tin đồn Công ty chứng khoán VNDirect phá sản, lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt rộ lên từ cuối năm 2008 đã gây hoang mang cho các nhà đầu tư. Đích thân Tổng giám đốc VNDirect đã có văn bản gửi cơ quan công an đề nghị điều tra làm rõ. Và sau đúng nửa năm "truy lùng", 2 thành viên một diễn đàn chứng khoán được xác định là thủ phạm.


Nguồn: Vinabull - website information financial stocks - Website thông tin chứng khoán tài chính - Website thong tin chung khoan tai chinh