10 tuổi đi ở đợ, 14 tuổi sống cảnh làm nô lệ và bị bạo dâm với gã đàn ông từng tù tội, 17 tuổi làm mẹ để rồi bị mẹ chồng đày đọa và đem bán con mình, sau đó thì lang thang ăn xin - cuộc đời của cô gái Phan Thị Hoài Nhi đến nay tròn 10 năm cay đắng.


Trong một lần nhậu ở bờ kè thuộc phường Tân Định, quận 1, TP.HCM, tôi gặp một cô gái đội chiếc mũ rộng vành che khuất gần nửa khuôn mặt, bế trên tay đứa con nhỏ, năn nỉ xin tiền những người khác trong quán. Nghe giọng miền Trung quen thuộc, tôi bất chợt nhìn lên. Không ai khác nữa, đó là Phan Thị Hoài Nhi, người mẹ trẻ bất hạnh bị mẹ chồng bắt con đem bán mà tôi đã gặp trước đây.


Người đàn bà tàn ác


Vậy là tôi lại gặp Nhi sau 1 năm, kể từ lần gặp cuối cùng trong phiên tòa xử người mẹ chồng tàn ác. Vẫn thế, đôi mắt khô và nước da bung bủng, nhưng trông Nhi già và gầy hơn rất nhiều. Nhi nói, cuộc đời cô lại thêm một năm sóng gió và khổ sở kể từ ngày nhận lại đứa con trai từ tay bọn buôn người. Như vậy, tổng thời gian đau đớn của người mẹ 20 tuổi này đã chẵn 10 năm. Vào tháng 4/2008, khi còn làm phóng viên báo Phụ Nữ, vào một buổi sáng, tôi nhận được cuộc gọi của một người phụ nữ: “Anh ơi, có cách nào giúp em tìm lại được con em không. Mẹ chồng em đã bán nó”. Tôi khuyên Nhi bình tĩnh và ngay chiều hôm đó, tôi chạy xe xuống xã Cù Bị, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để gặp người mẹ tội nghiệp. Cuộc nói chuyện có mặt Phạm Văn Mến, chồng của Nhi. Trong câu chuyện, Nhi nhắc đến mẹ chồng (bà Phạm Thị Phí, 60 tuổi, ở ấp Tân Bình Thượng, xã Tân Hoà, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) với vẻ hoảng sợ. “Bây giờ em cũng không dám về nhà bà nữa. Về lần nào bà cũng đánh em”, Nhi nói. Năm 2007, Mến từ ĐồngTháp lên Bà Rịa đi chăn bò thuê thì gặp và yêu Nhi khi Nhi mới 17 tuổi. Một thời gian ngắn sau thì Nhi có thai. Gia đình Nhi chấp nhận Mến như con rể nhưng không dám cho hai người đi đăng kí kết hôn vì sợ Mến phải… ngồi tù. Khoảng tháng 8 năm đó, Mến đưa Nhi về Đồng Tháp ra mắt gia đình rồi lại ở lại làm dâu nhà Mến. Tài sản Nhi mang theo là 2 chỉ vàng và 500 ngàn đồng, là của cải tích góp suất mấy năm đi cạo mủ cao su thuê. Bà Phí hồ hởi nắm tay Nhi, sờ sờ chiếc nhẫn vàng rồi xưng má con ngọt ngào: “Con cứ ở đây, có cá ăn cá, có cơm ăn cơm. Còn chuyện cưới xin của hai đứa, cứ từ từ”.


http://i413.photobucket.com/albums/pp214/hathanh381/IMAGE0001.jpg?t=1280117677


Cuộc đời người mẹ 20 tuổi này đã chẵn 10 năm đau khổ


3 tháng ở nhà bà Phí, hết tiền, hết vàng cũng là lúc Nhi sinh bé Phạm Văn Kiệt. Bà Phí bảo Mến đi vay 1 triệu đồng, để lấy tiền ăn uống cho cả nhà. 15 ngày sau khi Nhi sinh con, số tiền vay mượn cũng hết, bà Phí thay đổi thái độ, mắng chửi Nhi thường xuyên. Thấy Mến ra đồng gặt thuê, được tiền công 40.000 đồng/ngày, bà Phí bắt Nhi (dù mới sinh được 20 ngày), cũng phải theo chồng ra đồng kiếm tiền. Nhi ra đồng được 3 ngày thì chịu không nổi, nên điện thoại về cho ông Phăn Văn Phiếm – cha Nhi, ở Bà Rịa-Vũng Tàu lên xin cho con gái không phải đi làm đồng nữa. Người cha thương con, gần như van xin bà Phí thương đứa con gái vốn mang trong mình nhiều bệnh tật, nhưng nào ngờ bị bà Phí chửi tơi bời và đuổi cả hai cha con ra khỏi nhà. Nhi ôm con về cùng cha nhưng bà Phí đã chạy theo giật đứa bé rồi dạo chọi đá vào ông Phiếm. Thân cô thế cô nơi đất khách quê người, cuối cùng Nhi để đứa con ở lại. Về nhà được 3 ngày, nhớ con, Nhi trở lại nhà bà Phí.


Biết Nhi không nỡ xa con, bà Phí ép con dâu phải tiếp tục đi làm thuê. Được 20 ngày, Nhi xin cho mình được mang cháu về ông bà ngoại chăm sóc, bà Phí cần tiền thì Nhi sẽ làm gửi xuống, nhưng bà Phí một mực giữ cháu lại, đánh đuổi con dâu đi. Năm ngày sau, Nhi cầu cứu dượng mình là ông Võ Văn Thiền từ Cù Bị cùng đến nhà bà Phí để đòi lại con, nhưng đến nơi cũng bị bà Phí xua đuổi. Một tháng sau, Mến hốc hác lên tìm Nhi, giọng nói không ra hơi: “Anh đi làm về không thấy con, hỏi thì má nói gửi người trông hộ. Khi hỏi ra, anh mới biết đã đem bán, cuối cùng má đuổi anh đi”.


Hành trình đi tìm đứa con lưu lạc


Khi vụ việc xảy ra, Mến và Nhi không dám báo công an. Nhi sợ, nếu về lại nơi ấy, gặp mẹ chồng, không những cô không tìm được con mà còn có thể bị mẹ chồng tiếp tục hành hạ. Ngay buổi chiều gặp Nhi và Mến xong, tôi quyết định cùng hai người chạy từ Bà Rịa về Đồng Tháp. Tôi nghĩ, đứa bé hiện đã vào tay những kẻ buôn người nên phải bằng mọi giá giúp lực lượng điều tra rút ngắn thời gian được phút nào sẽ tốt phút đó vì nếu chậm, đứa bé sẽ chuyển đi nước ngoài, coi như thua cuộc. Tôi nghĩ cách nhanh nhất, để cung cấp chứng cứ cho công an và bắt khẩn cấp được bà Phí ngay, là phải làm sao để bà thừa nhận hành động đã bán cháu nội. Ngay chiều hôm đó, tôi giả làm Việt kiều, nói giọng lơ lớ, có nhu cầu xin con nuôi để tiếp cận bà Phí, hỏi chuyện mua đứa bé. Tôi xưng là Việt kiều Mỹ, hiếm muộn, thích một đứa bé Việt Nam với điều kiện phải dưới 1 năm tuổi, và mua với giá 100 triệu đồng. Không chút đề phòng, bà Phí suýt xoa: “Anh gọi sớm chút thì tôi đã bán cho anh. Giờ tôi đã “để” nó cho một người trên Cao Lãnh rồi!”. Tôi gợi ý việc đòi lại để bán cho tôi giá cao hơn, bà Phí nói: “Con trai tôi mắc nợ cả triệu đồng, tôi đã lấy tiền của người ta trả nợ rồi, đòi lại sao được nữa?”.Thế là có chứng cớ. Sáng hôm sau, tôi và vợ chồng Nhi đến công an xã Tân Hoà, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp để vợ chồng Nhi trình báo vụ việc đồng thời cung cấp băng ghi âm nói về việc mua bán con. Sau khi lấy lời khai của Nhi và Mến, họ đã báo cáo vụ việc lên công an huyện và trong chiều hôm đó, bà Phí đã bị bắt khẩn cấp. Sự thật là đứa bé đã được chuyển cho một người đàn bà ở thị xã Cao Lãnh, rồi người đà bà đã móc nối với một người đàn ông ở thành phố Vũng Tàu để bán bé Kiệt. Lần theo dấu viết của những can phạm, 5 ngày sau, công an Đồng Tháp và công an Bà Rịa Vũng Tàu đã tìm được đứa bé khi đang điều trị bệnh viêm phổi ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. Kẻ mua bé Kiệt khai với công an rằng, khi đưa bé về nhà thì bé sốt nặng nên hắn đã đưa bé vào Bệnh viện thành phố Vũng Tàu để cấp cứu. Các bác sĩ xác định trường hợp bệnh nhi này khá nghiêm trọng nên phải chuyển lên tuyến trên, tức bệnh viện Nhi Đồng 1. Vào thời điểm công an gọi vợ chồng Nhi lên nhận mặt con là lúc sức khoẻ của bé đang dần hồi phục. Nhi được gọi vào trước để nhận con. Ngơ ngác nhìn những đứa trẻ, Nhi cảm thấy lạ vì ngày xa con, cháu chưa đầy 2 tháng tuổi và giờ đây đứa bé trước mặt cô đã làm một đứa trẻ đã biết lẫy. Nhi oà khóc khi nhận ra cái bớt nhỏ dưới vú phải của đứa bé. Vậy là không thể nhầm lẫn nữa, đứa bé đó là con Nhi. Nhưng, giờ đấy trong giấy tờ, tên thằng bé đã không còn là Phạm Văn Kiệt mà là Ngô Quốc Thái. Lần gặp ấy, Nhi và Mến chưa thể đón con về ngay được mà phải chờ để cơ quan điều tra lấy mẫu máu và tóc của cháu Kiệt để giám định AND cho đúng nguyên tắc điều tra. Nhi và Mến buồn bã đưa nhau ra bến xe cho kịp chuyến xe cuối ngày về Vũng Tàu. Gần 1 tháng sau họ mới nhận được cháu bé, cũng là những ngày tháng cuộc sống của Nhi đầy lo lắng, hoảng sợ và chờ đợi. Và cũng từ ngày nhìn thấy con, Mến luôn luôn gây sự và dằn vặt Nhi bằng giọng cay nghiệt rằng vì Nhi mà mẹ Mến phải ngồi tù…


Nỗi đau chưa dừng lại


http://i413.photobucket.com/albums/pp214/hathanh381/IMAGE0002.jpg?t=1280117872


Phạm Văn Mến ngày còn cùng vợ lo lắng cho số phận đứa con, để rồi sau đó lại đang tâm đẩy vợ mình vào số phận khổ ải


Nhi và Mến đón con từ công an và đưa về Bà Rịa. Tìm được con niềm vui chưa trọn thì người mẹ trẻ lại phải mất ăn mất ngủ vì chứng viêm phổi của đứa con. Bà con chòm xóm thương tình, người góp vài ba chục ngàn để an ủi Nhi trong những ngày khốn khó. Tuy nhiên, cô vẫn phải vay mượn để có tiền mua thuốc cho con. 3 triệu đồng ở một vùng quê, cô đã phải đi vay và “thế chấp” bằng 6 tháng ròng đi cạo mủ cao su. Cha cô phải bán chiếc xe máy Trung Quốc-phương tiện kiếm sống của một người hành nghề xe ôm, với giá 4 triệu đồng, để lo cho cháu ngoại. Trong khi đó, Mến vẫn dửng dưng, làm được đồng nào nướng vào rượu đồng đó. 6 tháng sau, bà Phí bị thoà án tỉnh Đồng Tháp xử 6 năm tù, về tội buôn bán trẻ em - một mức án khá châm chước vì bị cáo tuổi cao sức yếu, và không được học hành nên chưa nhận thức được hết hành vi phạm tôi. Khi bị giải đi, bà Phí ném vào mặt vợ chồng Nhi một ánh mắt đầy thù hận. Còn anh em của Mến đã lăm lăm tay dao tay đá khiến hai vợ chồng phải cầu cứu đến lực lượng công an cho đến khi chuyến xe chở họ về Bà Rịa chuyển bánh. 5 ngày sau, Mến dùng lời lẽ ngon ngọt, mượn nốt số tiền 900 ngàn đồng con lại của chị Nhi, rồi động viên Nhi cùng Mến lên Sài Gòn để làm thuê nuôi con. Dĩ nhiên Nhi đồng ý, bởi đó là con đường duy nhất để họ có tiền nhanh nhất. Số tiền “thế chấp cạo mủ cao su” của Nhi ở quê, người cha thế chỗ cho con gái mình. Trên chuyến xe lên Sài Gòn, mặc cho con khóc, Mến vẫn dùng những lời lẽ nặng nề lăng mạ Nhi. Và Nhi chịu đựng. Một sự chịu đựng quen thuộc. Khi lên đến bến xe miền Đông, Mến hiện nguyên hình là một kẻ tàn nhẫn không khác gì mẹ: “Vì mày mà mẹ tao phải tù tội. Mày cút đi, từ nay đừng bao giờ gặp tao nữa!”.


Mến nhảy vù lên xe ôm và đi biền biệt từ đó. Một mình bơ vơ, không tiền, không người thân thích, Nhi không biết đi đâu về đâu lúc này. Cô tính nhảy lên xe để về lại quê, nhưng chợt nhớ ra Mến đã giữ số tiền của cha. May quá, trong túi còn chiếc điện thoại rẻ tiền. Nó vẫn còn gọi được có nghĩa là vẫn có thể bán. Nhi đã bán nó, với giá 100 ngàn đồng.


Và rồi cô ôm con đi giữa Sài Gòn, giữa mưa, giữa nắng để bắt đầu cuộc đời của một người hành khất. Nhưng cái thời buổi hành khất là một nghề, thì có những hoàn cảnh khổ đau thực sự cũng bị nhìn với cặp mắt đề phòng. Mỗi ngày không biết Nhi đã đi bao nhiêu nơi, mòn chân không biết bao nhiêu con đường, năn nỉ hết bao nhiêu người để có được những đồng tiền lẻ. Thế mà năm tháng trôi qua như vậy. Ngày cô đi. Đêm của cô là những hè phố, góc chợ. Hai mẹ con ngủ ngon lành sau một ngày tất bật quên cả muỗi bu đen, quên cả lũ chuột đói dạn dày tìm cái ăn.


Một tuần sau kể từ khi gặp tôi trong quán nhậu, Nhi gọi cho tôi nói cô đã đến Đồng Nai, không đi xin nữa mà nhận vé số để bán. Cô thuê chung nhà với mấy người cùng cảnh ngộ, mỗi tháng đóng 50 ngàn đồng tiền nhà. Lại tiếp tục những ngày lang thang.


Nhưng sức người có hạn, đi mãi cũng phải gục xuống. Bệnh viêm gan đã không cho Nhi bước tiếp. Đứa con sốt triền miên vì chứng viêm phổi đành phải gửi vào trại mồ côi. Một thời gian ngắn sau đó Nhi phải nhập viện trong tình trạng một mình, không một xu dính túi.


Ngày lên thăm Nhi, tôi huy động số tiền của bạn đọc là 5 triệu đồng. Cô ứa nước mắt, nói về bao nhiêu dự định sau khi khỏi bệnh cô sẽ làm gì với số tiền đó. Cô sẽ mua một chiếc xe đạp và 2 cái sọt để đi bán rau. Bước chân cô sẽ không lê mệt mỏi trên đường phố và năn nỉ hết người nọ đến người kia nữa.


Từ đây, một phần chìm cuộc đời của cô gái làm mẹ khi tuổi 17 được kể lại. 10 tuổi, cô đã phải ra đời đi làm người ở. Đứa bé nhà quê lớ ngớ chưa biết làm gì, luôn nhận được những quát tháo và đòn roi của người chủ bán cơm bình dân ở Vũng Tàu. 4 năm sau, có một chàng trai nhìn thấy và làm quen. “Đó là tình yêu đầu đời. Lần đầu tiên em được đi chơi với đàn ông, được thoát khỏi cảnh xong việc nằm trên gác xép ngủ, không biết gì về thế giới bên ngoài. Em cứ yêu mà không biết, đúng hơn là không dám biết người ta tốt xấu như nào, tốt hay không tốt. Nói chung, đó là một người dữ dằn. Có vài lần anh ta rủ em đi qua đêm, em không đồng ý, và anh ta xưng hô mày tao với em, rồi đánh em”, Nhi kể.


14 tuổi, Nhi đã đánh mất đời con gái trong nỗi sợ hãi. Về sau, cô mới lờ mờ biết về quá khứ của chàng trai đó, hiện làm rẫy ở Bình Phước và là một kẻ vừa đi tù về tội cố ý gây thương tích. Khi gặp Nhi, người này lang thang xuống Vũng Tàu tính kiếm việc nhưng không được. Khi quyết định trở về Bình Phước làm rẫy, anh ta nói sẽ đưa Nhi đi cùng như một người vợ đúng nghĩa. Nhi không dám đi, vì cô biết trước điều gì sẽ chờ mình và lấy lý do về hỏi cha mẹ để thoái thác.


Ngày ra mắt nhà “vợ” cũng là ngày cậu “con rể” hiện nguyên hình là một con ác thú khi dí dao vào cổ cha mẹ vợ chỉ vì họ không đồng ý cho đứa con gái 14 tuổi về làm vợ hắn.


14 tuổi, Nhi đã theo người đó lên Bình Phước sống trong rẫy. Vừa là vợ, vừa là con ở, Nhi đều chịu đựng được. Công việc hàng ngày của Nhi là lo bữa ăn và đi mua rượu cho chồng nhậu. Sự chịu đựng thường ngày của Nhi là những trận chửi bới, đánh đấm của hắn ta khi “vợ” mua rượu về hơi trễ hoặc nấu cơm không ưng ý hắn. Đòn roi mấy Nhi cũng chịu đựng được nhưng chứng bạo dâm của kẻ thô bạo đã giết dần giết mòn thân thể yếu ớt của cô. Cuối cùng Nhi quyết định bỏ trốn. Trốn đi đâu, cô không biết. Cô nghĩ cảnh con ác thú kia sẽ không để yên cho gia đình mình yên ổn nếu trở lại Bà Rịa nhưng không còn con đường nào khác. Nhi nghĩ về nhà, cô sẽ cùng gia đình báo công an nếu hắn ta xuất hiện. Nhi ra đi với 40 ngàn đồng trong túi và để lại bức thức: “Nếu anh làm gì tôi và gia đình, tôi sẽ đi báo công an và anh sẽ không thoát khỏi cảnh tù tội một lần nữa. Tôi chịu đựng thế đủ rồi”. Tròn 1 năm chịu đựng, Nhi trốn khỏi rẫy về lại quê nhà, sống những ngày nơm nớp sợ hãi hắn ta sẽ tìm đến. Hơn 1 năm sau, cô gặp lại Mến. Sóng gió cuộc đời một lần nữa cuốn cô đi.


Cách đây không lâu tôi có việc ở Biên Hòa, có ghén vào thăm mẹ con Nhi. Bà chủ nhà cho biết Nhi không còn ở đó nữa. 5 triệu đồng của cô đã bị kẻ gian lấy cắp và cô lại lỗi hẹn với giấc mơ bán rau trên xe đạp. Có lẽ cô đã lại tiếp tục những bước chân đi bộ mỏi mệt của một phận người mà không biết bao giờ dừng lại.



Nguồn: Theo Mốt và Cuộc sống