http://www.saigonnews.vn/thi-truong-24h/80546-xach-hang-o-cua-khau.html


28/02/2013 - 09:40


“Xách” hàng ở cửa khẩu


Lợi dụng chính sách mua hàng miễn thuế tại Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), mỗi ngày hàng ngàn sản phẩm được các đầu nậu thu gom và tuồn về thị trường nội địa.



Khi đến tay người tiêu dùng, những hàng hóa này trở thành “hàng xách tay” từ nước ngoài.


Trục lợi từ ưu đãi thuế


Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia. Khu kinh tế cửa khẩu được thành lập nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội. Tại đây, hệ thống các siêu thị phi thuế quan áp dụng chính sách miễn thuế mua hàng hóa đối với khách tham quan, du lịch có xuất trình giấy CMND. Khách trong nước được mua tối đa 500.000 đồng mỗi ngày, khách người Campuchia thì được mua tối đa 10 triệu đồng với mặt hàng như rượu mạnh, thuốc lá và không bị giới hạn ở các mặt hàng tiêu dùng khác.


Chính sách ưu đãi thuế quan này đã vô tình tạo điều kiện cho những đối tượng đầu nậu thu gom hàng với mục đích kinh doanh. Họ thuê CMND hoặc thuê người Việt Nam và Campuchia vào mua hàng rồi vận chuyển hàng với số lượng lớn về nội địa để tiêu thụ, biến Mộc Bài thành khu trung chuyển hàng lậu hoạt động hợp pháp.


Sữa “xách tay” vận chuyển bằng xe rất ảnh hưởng chất lượng sản phẩm.
Tại đây, cho thuê CMND đã trở thành một nghề. Những người dân địa phương thu gom CMND của người thân, họ hàng mang lên Mộc Bài để cho thuê. Khách vãng lai như chúng tôi vừa đến lối vào siêu thị để lên xe điện chở khách miễn phí đã có nhiều người chạy ra mời thuê CMND với giá từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng. Thực tế, có doanh nghiệp do chạy theo doanh thu đã bán hàng sai đối tượng, bán theo số giấy CMND cho người không có mặt tại chỗ… khiến tình trạng thuê, mượn CMND để mua hàng ngày càng phổ biến.


Ghi nhận của PV tại Cửa khẩu Mộc Bài những ngày giáp tết Quý Tỵ cho thấy mặc dù mới mở cửa trở lại nhưng hoạt động mua bán vẫn hết sức nhộn nhịp. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, bình quân mỗi ngày có trên 3.000 người sử dụng giấy CMND và hộ chiếu để vào khu thương mại mua hàng nhưng lượng khách du lịch mua sắm thực sự chỉ khoảng 1/3, còn lại là các đối tượng mua gom hàng (chủ yếu là sữa Ensure, hàng kim khí điện máy, thuốc lá điếu, bia, rượu ngoại, phụ tùng xe máy và dầu ăn).


Hàng lậu được dán mác “xách tay”


Hàng chuyển ra từ các siêu thị miễn thuế được tập kết và vận chuyển về thị trấn Gò Dầu hoặc chở thẳng về TP.HCM tiêu thụ. Riêng mặt hàng sữa Ensure, ước tính một ngày có khoảng 700-1.000 thùng được tuồn ra thị trường theo con đường này. Khi về đến TP, những chai sữa này được quảng cáo là hàng “xách tay” có chất lượng cao. Thực chất người tiêu dùng đã bị đánh lừa về nguồn gốc xuất xứ cũng như không thấy được quá trình vận chuyển có thể ảnh hưởng như thế nào tới chất lượng của hàng hóa.


Do quá trình vận chuyển phải xé lẻ từng lô hàng, thậm chí là từng hộp sữa được tháo rời và vận chuyển dưới thời tiết nắng nóng (ảnh), trên quãng đường khá dài bằng xe máy nên hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu bảo quản của mặt hàng thực phẩm và có thể khiến chất lượng hàng bị thay đổi, kém phẩm chất.


Hơn nữa, không loại trừ khả năng hàng nhái, hàng hết đát có thể dễ dàng bị trà trộn trong quá trình này. Thực tế nhiều vụ việc, đường dây làm sữa giả, nhãn mác giả thời gian qua đã bị bắt giữ… Những hàng hóa này không có tem nhập khẩu và lẽ ra không thể được tiêu thụ nhưng vẫn ngang nhiên lộng hành trên thị trường mà không có sự quản lý. Cũng theo ghi nhận, mặt hàng sữa Ensure được bán tại đây là sản phẩm có công thức cũ chứ không phải loại Ensure Gold Vigor, thế hệ mới tiên tiến của Ensure, được nhập khẩu và phân phối chính thức tại Việt Nam.


LAN TRINH