'Vụ Nicotex, bà con Thanh Hóa phải quyết tâm'



- Đây là ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM người trợ giúp pháp lý cho 1.000 nông dân Thanh Hóa trong vụ Công ty Nicotex Thái Thanh chôn chất thải độc hại gây ô nhiễm.


Sai phạm đã rõ nhưng...



Thưa luật sự Hậu, cơ duyên nào khiến anh ở TP.HCM lại đồng hành cùng hàng ngàn người dân Thanh Hóa là nạn nhân của vụ chôn chất thải độc hại, ở cách xa anh hơn 1.000 cây số?



Bà con nói, biết tôi đã từng giúp đỡ nông dân Đồng Nai, Vũng Tàu, TP.HCM kiện Công ty Vedan lén lút xả chất thải ra sông Thị Vải gây thiệt hại cho họ. Bà con hỏi: "Chúng tôi bị thiệt hại nghiêm trọng cả về sản xuất và sức khỏe, có thể kiện đòi bồi thường được không? Tôi đã bay ra Hà Nội, tiếp xúc với bà con và trả lời : "Nếu đồng lòng, nếu quyết tâm thì sẽ được!".


Có thật sự anh tự tin như vậy không?



(Suy nghĩ) - Nói thật, không phải đơn giản là với chứng cứ rõ ràng, hành vi gian dối vi phạm pháp luật trắng trợn như vậy là bà con Thanh Hóa có thể dễ dàng đòi bồi thường được đâu. Phức tạp lắm! Cho nên tôi nói "phải quyết tâm..." là vậy.









Luật sư Nguyễn Văn Hậu


Đến lúc này, anh đã nắm bắt được những sai phạm của Nicotex Thanh Thái đến đâu?



Tổng cục Cảnh sát môi trường và Tổng cục Môi trường đã vào cuộc. Sai phạm của Công ty Nicotex Thái Thanh thì đã rõ, báo chí đã phản ánh nhiều và chi tiết.


Về pháp luật, có thể tóm tắt thế này. Theo pháp luật, khi sử dụng chất độc hại nguy hiểm thì phải có báo cáo tác động môi trường và phải được phê duyệt, phải được giám sát từ 2 đến 4 lần/năm.


Theo luật hóa chất, cơ sở sản xuất - kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật phải có trang thiết bị kiểm soát, thu gom, xử lý. Quá trình đó phải đảm bảo an toàn cho con người và vật nuôi. Nếu chưa có điều kiện xử lý, thì tối thiểu phải cô lập lại và di dời con người, vật nuôi ra khỏi vùng nguy hiểm.


Rõ ràng công ty Nicotex đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Tuy nhiên, bà con hỏi tôi giờ phải làm thế nào, tôi thật sự... chưa biết làm thế nào đây!



Tại sao lại "chưa biết làm thế nào", thưa ông, khi mà hành vi vi phạm đã rõ ràng như vậy?



Về mặt pháp luật, phải xác định được chất thải độc hại Nicotex chôn là chất gì, từ đó mới có cơ sở xác định thiệt hại mà hàng ngàn hộ dân ở 3 xã quanh đó gánh chịu. Tiếp đó mới tính mức độ và yêu cầu bồi thường.
Cho tới giớ phút này chỉ mới biết là chất thải độc hại mà chưa biết là chất gì
thì tôi và bà con chưa thể xúc tiến thêm các bước.


"Sống chết mặc bay"



Theo ông đánh giá, liệu các cơ quan chức năng có thể tiến hành nhanh việc này không?


Đây không phải là việc khó, hoàn toàn có thể làm được ngay! Vấn đề là có chịu làm hay không thôi....


Ý anh là có sự bao che từ đâu đó phải không?


Lĩnh vực bảo vệ môi trường lắt léo và rắc rối lắm. Chẳng hạn, chi phí để sản xuất ra chất A là 1 đồng, thì xử lý chất thải phải mất thêm 3 đồng, tức là giá thành 4 đồng. Nếu không xử lý chất thải, công ty đó sẽ lãi trọn số tiền 3 đồng này. Nhưng cái lợi này chính là tai họa đổ xuống đầu người dân, phải xử lý khắc phục gấp nhiều lần để chữa trị bệnh tật do chất độc gây ra.


Doanh nghiệp tránh né xử lý chất thải để hưởng lợi số tiền đó và dùng một phần để "chạy", "che chắn" cho hành vi của mình.


Rất nhiều vụ xả thải diễn ra từ năm này qua năm khác, dân kiện triền miên nhưng chẳng ai quan tâm.


Vụ ở Thanh Hóa không phải mới xảy ra mà đã 7 - 8 năm rồi. Bà con nói với tôi đã từng khiếu nại nhiều nơi nhưng không ai quan tâm, cùng từng kéo lên HĐND tỉnh kêu cứu nhưng cuối cùng vẫn đâu vào đó, "sống chết mặc bay".



Từ quá trình tham gia vụ kiện Vedan, anh có kinh nghiệm gì cho vụ việc lần này?



Vụ Vedan không phải đơn giản mà thắng được đâu. Phải mất ròng rã 3 năm trời, trong đó riêng phần xác định thiệt thành phần chất thải phải mất hơn 1 năm. Viện Tài nguyên Môi trường xác định mức thiệt hại ban đầu là 500 tỷ đồng, sau đó hạ xuống là 220 tỷ đồng. Đây là quá trình hết sức khó khăn, căng thẳng kéo dài. Sau đó Công ty Vedan phải bỏ ra khoảng 40 triệu USD để xử lý số chất thải mà họ lén lút tuồn ra trong nhiều năm.


Điều đáng nói trong giai đoạn ban đầu, lãnh đạo 3 tỉnh thành Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM cùng ngồi lại với tôi để cùng kiện Vedan. Nhưng khi làm tới
tháng thứ 2, Đồng Nai tách ra, nói để họ tự giải quyết, không kiện nữa.


Kinh nghiệm từ vụ Vedan cho thấy, thông thường, để có lợi nhuận, những doanh nghiệp như thế này bỏ qua khâu xử lý chất thải, trốn tránh trách nhiệm tới cùng. Vụ Vedan là một minh chứng và cũng là bài học. Bởi vậy, đấu tranh bảo vệ môi trường là cuộc đấu tranh giằng co, phức tạp, phải kiên trì, quyết liệt, có phương pháp đúng.


Điều kiện đầu tiên và tiên quyết là phải xác định được loại chất độc hại để làm cơ sở tính toán thiệt hại. Nếu khâu này bị ách hoặc làm chậm thì các bước tiếp theo cũng bị ách hoặc chậm theo. Tôi thấy
sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong vụ việc Nicotex Thái Thanh như hiện nay là chậm.
Lẽ ra khi phát hiện, cơ quan chức năng phải tiến hành cô lập, ngăn chặn nhà máy tẩu tán chở đi nơi khác và di dời ngay dân cư xung quanh. Nhưng đến nay chưa thấy làm gì cả.


Hồi đó, Công ty Vedan có gặp riêng anh không?



Có, họ đến văn phòng gặp tôi, mời ra khách sạn Sheraton ăn cơm và bàn bạc công việc. Tôi có báo cáo lên thường trực Hội Luật gia.
Hội nói tất cả ủy viên và thường vụ là 14 người sẽ cùng đi với tôi ra Sheraton! Thấy thế, lãnh đạo Vedan không gặp nữa!


So với vụ Vedan thì vụ Nicotex ở Thanh Hóa có điểm gì giống nhau không?



Giống nhau là bà con nông dân bị thiệt hại nghiêm trọng. Ban đầu không có tổ chức nào lên tiếng và đứng ra bảo vệ bà con khi họ kêu cứu.


Chỉ khi báo chí lên tiếng, dư luận phẫn nộ thì mới có sự can thiệp. Vụ Nicotex cũng thế, sau khi báo chí đăng tải, Hội Luật gia giúp đỡ bà con nông dân đưa sự việc ra ánh sáng. Hội Luật gia Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Hội luật gia Thanh Hóa giúp đỡ bà con, tức là đã có trợ giúp pháp lý.


Các cơ quan bảo vệ môi trường, theo Luật bảo vệ môi trường là UBND tỉnh và UBND các cấp, Sở Tài nguyên môi trường vào cuộc quá chậm, thậm chí có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm.



Tôi không rõ ai chỉ đạo mà Nicotex lại có thể cho chở số tang vật đã bị niêm phong đi. Đó là dấu hiệu tẩu tán. Bà con ngăn chặn thì công an đứng ra giải tỏa cho xe chạy. Thật khó hiểu.


Việc phải làm ngay theo luật định rất chậm chạp, lề mề. Việc khảo sát, lấy mẫu phân tích để xác định công khai làm rất chậm.


Anh thấy phản ứng của 1.000 hộ dân ở Thanh Hóa trong vụ này so với nhân dân ở miền Đông Nam bộ trong vụ Vedan có khác nhau không?



Nhân dân Thanh Hoa bức xúc, quyết liệt hơn. Khách quan mà nói do vụ Vedan xảy ra có Hội nông dân đứng ra đại diện cho bà con bị ảnh hưởng, khởi kiện. Còn ở Thanh Hóa chưa có tổ chức nào đứng ra đại diện cho bà con cả. Mới có cơ quan Mặt trận Tổ quốc nhập cuộc vào xem xét, mà thực chất sẽ làm gì tôi chưa rõ.


Còn sự khác nhau giữa vụ Vedan ở Đồng Nai và vụ Nicotex ở Thanh Hóa?



Chất thải của Nicotex ở Thanh Hóa độc hại, nguy hiểm tới con người và môi trường hơn. Chất thải của Vedan ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường nước, cụ thể là con sông Thị Vải, từ đó ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của nhân dân.


Hôm ra Hà Nội gặp những người dân Thanh Hóa đi khiếu kiện Nicotex, tôi thấy nhiều bà con đáng thương lắm. Họ chân chất, thật thà. Nhiều người ốm yếu, xanh xao gầy mòn. Ra tới Hà Nội có 2 người sức khỏe đã quá kiệt, bị suy sụp, phải kêu xe đưa vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.


Tôi thực sự lo lắng không biết nhiều bà con có đủ sức khỏe chịu đựng, có sống nổi tới ngày đòi được thiệt hại không? Họ liên tục hỏi tôi có kiện đòi bồi thường được không? Nhiều người đang chờ có tiền để chữa bệnh vì bệnh đang rất nặng.


Ít lãnh đạo nào thấy cắn rứt



Thưa luật sư Hậu, vấn đề môi trường hiện nay không chỉ đơn giản là vì sức khỏe, đời sống cộng đồng mà còn là điều kiện tiên quyết để hội nhập quốc tế, gia nhập sân chơi toàn cầu. Không lẽ còn quá nhiều rào cản hay nhận thức của chúng ta chưa đầy đủ, khiến cho mỗi khi phát hiện các sự việc, quá trình xử lý theo pháp luật lại khó khăn vất vả đến vậy?



Xin chia sẻ với anh, nhiều lúc tôi cũng cảm thấy đơn độc, bất lực lắm. Bảo vệ môi trường là vấn đề của cả cộng đồng, là trách nhiệm của mọi người dân, mọi cơ quan, mọi ngành. Nghị quyết Trung ương 7 đã nói rõ về chất thải và môi trường. Luật Môi trường và luật chuyên ngành như Luật Hóa chất đã có.


Tuy nhiên, thực sự mà nói, nhận thức và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo chưa đúng mức. Ngoài ra, còn có sự bao che, tham nhũng, lợi ích cục bộ chi phối khiến cho việc giải quyết vô cùng nan giải, khó khăn, thậm chí nguy hiểm.


Thật đáng buồn là trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường, người dân là đối tượng bị thiệt hại, là nạn nhân và ít được quan tâm. Họ đã kêu cứu từ rất lâu. Có người đã chết, có người thân tàn ma dại, dở sống dở chết. Nhưng ít cơ quan nào thấy trách nhiệm của mình. Ít người lãnh đạo nào cảm thấy lương tâm cắn rứt, xót xa cho họ.


Phải có cái tâm và sau đó là trách nhiệm. Tôi đã bỏ ra 3 năm trời ròng rã đồng hành cùng số bà con ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM, tôi rất hiểu bà con nông dân và rất đồng cảm với họ.


Trong vụ Vedan anh đã trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân bị hại để đòi được 220 tỷ cho họ. Còn trong vụ Nicotex ở Thanh Hóa, anh có dự định miễn phí nữa không?



Lần này Hội Luật gia đứng ra trợ giúp pháp lý cho bà con. Với nông dân phần lớn là nghèo khổ, thấp cổ bé họng, chúng tôi không hề nghĩ đến chi phí gì cả đâu.


Tôi đã dùng nghề luật sư để giúp đỡ nhân dân trong này. Điều hạnh phúc nhất là có lần tôi đi công tác xuống huyện Cần Giờ (TP.HCM), tôi ghé vào quán phở ăn sáng, chủ quán ra chào, nói không tính tiền vì biết tôi là luật sư Hậu đã trợ giúp miễn phí cho họ trong vụ kiện Vedan mấy năm trước!


Xin cảm ơn luật sư. Chúc anh thành công!



Duy Chiến


(Thực hiện)


http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/140390/-vu-nicotex--ba-con-thanh-hoa-phai-quyet-tam-.html