(Dân trí) - Người mẹ tự nhủ, nếu ai hỏi có mấy đứa con, chị sẽ trả lời: “Tôi có hai đứa, một con gái và một les (đồng tính nữ)” như một cách thừa nhận đứa con của mình...


Khác với những người mẹ có con đồng tính, chị Thảo không khóc khi kể đến trường hợp của con mình. Vợ chồng chị có hai cô con gái, cháu đầu 21 tuổi và cháu thứ hai 17 tuổi, đang học lớp 11. Từ nhỏ hai cháu đều rất xinh xắn, dễ thương, thích làm điệu…


Cô con gái thứ 2 đến năm 13 tuổi vẫn còn để mái tóc dài mượt ngang hông, thích mặc đầm. Thế nhưng đùng một hôm, chị không còn nhận ra con mình nữa. Mái tóc dài đã bị cháu cắt phăng, váy áo được thay bằng những áo thun, quần kaki bụi bặm mà lâu nay chị chỉ thấy dành cho đàn ông con trai. Không nói ra, nhưng cháu đã chính thức “công khai” xu hướng giới tính của mình. Chị Thảo sốc nặng vì mọi việc đến quá bất ngờ.


Người mẹ này luôn tự nhủ, sẽ trả lời “Con tôi là les” như một cách thừa nhận con mình.



“Những tháng này đau khổ vô cùng, tôi làm mọi cách để kéo con trở lại. Tôi đưa cháu đi đến bệnh viện để kiểm tra nội tiết tố, đến chuyên gia về tình dục học, chuyên gia tâm lý, bệnh viện tâm thần… Cá tính của đứa con rất mạnh, cháu nói với chị: “Con đi chỉ để cho mẹ vui thôi”.


Sau một thời gian mất phương hướng, chị mắt đầu tìm đọc các tài liệu, kiến thức sách báo về đồng tính. Khi hiểu rằng, đồng tính không phải là bệnh nên không cần chữa trị và cũng chẳng thể chữa trị thì người mẹ biết chỉ còn cách thừa nhận xu hướng giới tính của con.


“Nếu đã không thể thay đổi giới tính của con thì tôi muốn con được sống thật với chính con người mình. Bởi vì tôi yêu cháu vô cùng. Tôi tự nhủ, nếu ai hỏi có mấy đứa con, tôi sẽ trả lời “Hai đứa. Một đứa con gái và một đứa les (đồng tính nữ)” để thừa nhận con mình”.


“Để được mẹ thừa nhân xu hướng của mình đã là một thách thức với người đồng tính chứ chưa hy vọng đến việc được chấp nhận. Như vậy cũng đã là hạnh phúc rất lớn với những người đồng tính”, Huỳnh Minh Thảo, giám đốc truyền thông Nhóm kết nối và chia sẻ (ICS) hoạt động vì lợi của giới đồng tính Việt Nam.



Người mẹ tên Minh kể rằng mình đã trải qua hơn 5 năm sống trong đau khổ khi biết đứa con trai duy nhất của mình đồng tính. Chị cũng tìm mọi cách để… “lôi con về” bằng cách đưa con đi bác sĩ tâm lý, đi xem bói, thậm chí theo lời một ông thầy mách bảo, chị còn ép con ăn gạo lứt, muối mè với hy vọng tăng phần… nam tính.


Không khí gia đình vô cùng nặng nề. Chị Minh không thể lý giải được tại sao con mình như vậy và dày vò tự trách bản thân. Con trai chị thường đặt sách báo, tài liệu về đồng tính, viết mail tâm sự hay mời mẹ đến các chương trình về người đồng tính nhưng chị gạt đi hết như muốn phủ nhận "sự thật" đang hiện hữu hàng ngày trước mắt mình.


Tình yêu của người mẹ bắt đầu “rung rinh” khi chị cảm nhận được đau khổ mà con mình đang phải chịu đựng. Mới đây, lần đầu tiên chị nhận lời mời của con đến một chương trình họp mặt chia sẻ dành cho phụ huynh có con đồng tính.


“Khi tôi nhận lời đến buổi gặp mặt, cháu đã khóc. Cháu khóc vì hạnh phúc, vì ít nhất tôi đã thừa nhận… con mình đồng tính. Và tôi thừa nhận bản thân mình là mẹ của người đồng tính”.


Mẹ thương con mẹ, nhưng…



Chị Minh không có điều gì phải than phiền về con trai. Cháu biết yêu thương và quan tâm đến bố mẹ. Hiện con trai chị vừa tốt nghiệp đại học và đang theo học cao học. 5 năm tự dằn vặt, hành hạ mình và con đã quá đủ, may mắn là con chị không vì thế mà bị xô đẩy, trượt dài…


Con mình mình yêu thương và mong cháu được hạnh phúc. Nhưng cái nhìn kỳ thị, phân biệt và phiến diện của xã hội về người đồng tính… như đánh gục sự cố gắng bảo vệ con của những người mẹ.


“Mình còn đồng nghiệp, anh em họ hàng, láng giềng… Họ nói về người đồng tính kinh khủng lắm. Tôi đã thông cảm hơn cho cháu nhưng thật lòng tôi không biết làm cách nào để vượt qua những dị nghị đó”, chị Minh khóc.


“Tôi yêu cháu vô cùng và không ngại đối mặt với mọi người. Nhưng chính bố cháu lại nói những điều rất khủng khiếp về đồng tính”



Lời tự hứa của chị Thảo, sẽ trả lời “Một cháu les” khi có người hỏi, thậm chí chị dặn cô con gái đầu hãy thẳng thắn nói về em mình như vậy để em không bị mọi người tò mò, nghi ngờ… Nhưng tình yêu của người mẹ dành cho con đã bị rào cản mà chị không dễ dàng bước qua.


Chị kể: “Nhiều lần tôi đã lấy hết dũng khí để khẳng định điều đó. Nhưng rồi tôi nghe đồng nghiệp, bạn bè bán tán “Cái bọn bệnh hoạn, biến thái đó” như bóp nát trái tim tôi vậy. Tiềm thức người đồng tính là hư hỏng, là bệnh hoạn, là tâm thần ăn sâu trong quan niệm của nhiều người. Vậy tôi phải thốt lên thế nào đây?”.


Đau đớn không kém, bà mẹ khác có con trai đã ngoài 30 tuổi là người đồng tính cho biết vì tình yêu con, muốn bù đắp cho những khó khăn con phải vượt qua bà “vượt” lên dư luận để đứng bên con. Bà không ngại ngần khi đối mặt với người ngoài để nói con tôi đồng tính vì bà tự hào về con – một người con có hiếu, sống có ích cho xã hội.


“Nhưng điều tôi không thể đối mặt chính là… bố cháu. Ông ấy không chấp nhận sự thật này và chính ông ấy nói về gay với những lời lẽ rùng rợn lắm để xúc phạm cháu. Tôi thấy thương con nhiều hơn, cháu muốn được sống thật mà khó quá!”, giọng bà xúc động.


Không chỉ người đồng tính mà người thân của họ cũng phải đối mặt với rất nhiều áp lực.



Ông Đinh Văn Khai, bố của anh Đinh Công Khanh, người đồng tính Việt Nam đầu tiên kết hôn hợp pháp ở Canada năm 2006 (cặp đôi Công Khanh, Thái Nguyên) cho rằng, cha mẹ muốn chia sẻ được với con trước hết cần có kiến thức về đồng tính.


Ông Khai tâm tư: “Khi không thể thay đổi thì hãy chấp nhận sự thật để giúp con sống tốt, sống có ích. Sống thật thì không có gì phải dấu giếm… chứ đừng tạo áp lực để con thêm bi quan vì con đã khổ quá rồi. Chính tình yêu thương của những người làm cha, làm mẹ sẽ giúp mình đối mặt với dị nghị, với sự kỳ thị”.


Với vai trò làm cha, nhất là cha của người đồng tính, ông Khai nhắn nhủ các bạn trẻ trong giới, muốn được bố mẹ cũng như xã hội hiểu và chấp nhận mình, trước hết chính các bạn phải xây dựng hình ảnh tích cực về mình để xóa dần quan niệm đồng tính gắn liền với sự hư hỏng. Với các phụ huynh, muốn xã hội bớt cái nhìn kỳ thị về người đồng tính thì trước hết chính họ phải dũng cảm yêu thương và chấp nhận con mình.


Khi phát hiện ra con đồng tính, hầu hết các phụ huynh đều sốc cùng với nhiều cảm xúc như thất vọng, chối bỏ, tức giận hoảng sợ. Có người còn tự dằn vặt mình vì… sinh ra con đồng tính. Khi lo lắng, đa phần họ có phản ứng tiêu cực như đe dọa, cắt tài chính hay có hành vi bạo lực với con. Điều này rất dễ đẩy con đến tình trạng cô độc, trầm cảm, sử dụng thuốc gây nghiện, tự tử, bỏ nhà đi...


Để hiểu con, các phụ huynh cần tìm hiểu các thông tin về đồng tính để bắt đầu quá trình dần dần chấp nhận. Nếu trải qua được gia đoạn này, giai đình sẽ thêm hạnh phúc gắn kết vì cha mẹ và con đã hiểu và sát cánh bên nhau.


Đồng tính không phải là bệnh. Năm 1973, hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ đã loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Điều này cũng được tổ chức Y tế thế giới công nhận vào năm 1990. Và vì không phải là bệnh nên đồng tính không thể chữa trị cũng như không cần phải chữa trị.


Đồng tính không phải là tệ nạn, đua đòi hay liên quan đến vấn đề đạo đức như nhiều người quan niệm. Xu hướng tình dục đồng tính luyến ái là bình thường, là một phần đa dạng của tính dục.


Thạc sĩ Lê Quang Bình, Viện trưởng viện nghiên cứu Xã hội và Môi trường ISEE



Hoài Nam



*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.


http://dantri.com.vn/c135/s135-556381/toi-co-hai-dua-mot-con-gai-va-mot-les.htm