"Tăng giá đến 30% mới giải được bài toán thiếu điện"



18/02/2011 09:20



(VTC News) – Trước nhiều luồng ý kiến cho rằng: mức tăng giá điện lên tới 18% là quá cao và có thể sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như việc các mặt hàng khác sẽ đua nhau tăng giá, chỉ số tiêu dùng biến động mạnh và hơn cả là sẽ làm hạn chế mục tiêu kiềm chế lạm phát, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, nguyên phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - nhận định, mức đề xuất tăng như thế là quá thấp và nếu không đưa được mức giá tăng lên trên 30% ngành điện
sẽ không thể thực hiện tái đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài.



Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, nếu không đưa được mức giá tăng lên trên 30% ngành điện không thể giải được bài toán thiếu điện.


Ngay sau công điện khẩn của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt phương án giá điện năm 2011 để thực hiện từ tháng 3/2011, rất nhiều phương án đã được đưa ra. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất, giá điện năm 2011 sẽ có 3 mức tăng trong đó, mức tăng cao nhất theo đề xuất là 40,8%.


Bộ Tài chính đưa ra đề xuất với mức tăng 11% còn Bộ Công Thương, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng đề án chính thức cũng đề xuất 3 phương án tính giá điện năm 2011, gồm các mức tăng 26,3%, 18,03% và 30,3%. Tuy nhiên đến nay Liên bộ Tài chính – Công thương thiên về phương án tăng giá điện 18%.


Trong khi chờ phê duyệt của Chính phủ, thông tin tăng giá điện lên 18% cũng khiến dư luận băn khoăn còn các chuyên gia kinh tế cũng e ngại mức tăng trên là quá cao, chưa kể hệ quả của nó sẽ dẫn đến việc các mặt hàng khác ồ ạt tăng giá, chỉ số tiêu dùng biến động mạnh và làm hạn chế mục tiêu kiềm chế lạm phát.


Trong cuộc trao đổi với VTC News, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng bày tỏ quan điểm không đồng tình với lập luận trên của các chuyên gia kinh tế.


- Hiện nay Bộ Công thương đã đề xuất trình Chính phủ, áp dụng mức tăng giá điện lên 18% còn đề xuất của Bộ Tài chính là tăng 11%. Theo ông, những đề xuất này có hợp lý không?


Đề xuất này chưa hợp lý. Mức tăng 18%, tức chỉ tăng hơn 100 đồng/1kWh, là quá thấp, không giải quyết được gì cả. Vấn đề ở đây phải giải quyết là bài toán thiếu điện mà muốn như vậy, theo tôi phải tăng trên 30% mới đạt yêu cầu
. Có như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài mới đầu tư vào ngành điện và bản thân ngành điện mới có lãi để thực hiện tái đầu tư. Việc tăng nhỏ giọt như đề xuất của Liên Bộ Tài chính – Công thương theo tôi không giải quyết được gì cả.


- Nếu được phê duyệt thì phương án tăng giá điện lên 18% theo các chuyên gia kinh tế vẫn là quá cao. Mức tăng này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như các mặt hàng khác sẽ đua nhau tăng giá, chỉ số tiêu dùng sẽ biến động mạnh và sẽ hạn chế mục tiêu kích thích lạm phát, ông có ý kiến gì về vấn đề này, thưa ông?


Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu tăng giá điện thì sẽ kéo theo các mặt hàng khác tăng giá nhưng họ không hiểu vì sao mà lại thiếu điện, tại sao mất điện? Một nền kinh tế mà thiếu điện thì


sẽ khó khăn gấp vạn lần việc tăng một giá điện.


Hơn nữa, trong đề xuất tăng giá ngành điện cũng đã đưa vào dự án 2 mức giá: thứ nhất là mức giá dành cho người người giàu, cho doanh nghiệp kinh doanh ở mức khá giả, (một giá là giá theo thị trường mà thế giới người ta chấp nhận được ); còn thứ hai là mức giá cho các hộ nghèo, vẫn bao cấp như giá cũ cơ mà.


- Thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng, ngành điện hiện nay đang đầu tư vào cả những ngành khác, không đem lại hiệu quả trong khi vẫn thiếu điện. Vậy yêu cầu tăng giá đến hơn 40% của ngành điện xem ra khó được chấp nhận?


Việc đầu tư của ngành điện vào các ngành khác là có như viễn thông chẳng hạn. Nhưng số tiền chỉ vào khoảng nghìn tỷ, chẳng ảnh hưởng nhiều. Trong khi đó, một dự án điện cần ít nhất là 4 - 5 chục nghìn tỷ mà ngành điện hiện nay đang có hàng chục dự án, số tiền cần lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đô la.


Thực ra, ngành điện hiện nay đang lỗ nặng. Nhưng ngành điện là ngành không thể thiếu được nên người ta vẫn cho lỗ, vẫn phải chịu nợ. Ngành điện vẫn phải tìm cách đi vay vốn để triển khai các dự án nhưng cũng không có vốn. Đơn cử, hàng loạt dự án nhà máy điện than chính phủ giao cho vẫn không thể triển khai được vì thiếu vốn.


- Tuy nhiên cũng không ít ý kiến cho rằng, ngành điện nên cắt giảm chi phí, giảm tổn thất điện năng chứ không nên đặt gánh nặng tăng giá lên vai xã hội?


Việc cắt giảm chi phí, giảm tổn thất điện năng, ngành điện đang cố gắng, đang phấn đấu nhưng đó là cả vấn đề xã hội. Như tình trạng ăn cắp điện, ngành điện khó có thể kiểm soát được mà đòi hỏi công an, chính quyền cần phải vào cuộc. Còn hiện nay, việc hạn chế tổn thất kỹ thuật ngành điện đã và đang làm rất tốt.


- Xin cảm ơn ông!


http://vtc.vn/1-277962/kinh-te/tang-gia-den-30-moi-giai-duoc-bai-toan-thieu-dien.htm


Tin liên quan


http://vtc.vn/1-278004/kinh-te/tu-13-gia-dien-tang-va-bat-dau-cat-dien-luan-phien.htm