Lời giải thích của Bộ Y tế, khi quyết định cho tạm dừng sử dụng vaccine Quinvaxem, lại cho thấy một sự thật khác rất 'cay đắng' cho trình độ của nền y học nước nhà.


>> Bộ trưởng Y tế nói về việc dừng văcxin 5 trong 1


>> Sẽ tiếp tục sử dụng văcxin 5 trong 1


>> Khi dùng lại văcxin, tai biến có thể tái diễn


Y tế hay chăm sóc sức khỏe (nghề y), là việc chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tật, thương tích, và suy yếu về thể chất và tinh thần ở con người.Ngày nay, y tế không chỉ là nghề nghiệp của riêng các thầy thuốc trong khám chữa bệnh đơn lẻ. Các tiến bộ trong khoa học nói chung, và khoa học y học nói riêng, cho thấy, không chỉ có những yếu tố tự nhiên, mà có cả những vấn đề chính trị, xã hội, thậm chí có cả những chính sách y tế, cũng gây hại tới sức khỏe của con người, ảnh hưởng không nhỏ tới cả thế hệ sau (nòi giống) của mỗi dân tộc.


Tuy nhiên, nhận thức về những yếu tố nguy cơ, có tác động đến sức khỏe của con người, cũng có sự khác biệt ở những nền văn minh khác nhau. Do vậy, chính sách về y tế cũng khác nhau, không chỉ tùy thuộc vào nhận thức của người dân (mà đại diện là các cơ quan truyền thông), cũng như chính quyền, mà còn chịu ảnh hưởng của điều kiện kinh tế, chính trị ở mỗi quốc gia. Từ chủ trương, đường lối, đến thực tế hiệu quả quản lý, thực thi chính sách của chính quyền, như là một chiếc gương, phản chiếu trung thực tính chất 'của dân, do dân và vì dân', của mỗi nhà nước, cũng như thể chế chính trị đó.


Vaccine Quinvaxem là dạng đa kháng nguyên


Vaccine trong phòng bệnh đặc hiệu


Phòng bệnh đặc hiệu là chủ trương dùng vaccine (vắc-xin) chủ động tạo ra miễn dịch có hiệu quả với tác nhân gây bệnh cụ thể, bảo vệ mạng sống cho con người. Ngày nay, việc dùng vaccine để phòng bệnh đặc hiệu, đã được áp dụng trên phạm vi toàn cầu, và không thể thiếu trong chính sách y tế của tất cả các quốc gia.


Kỹ thuật đưa vaccine vào cơ thể người, thường được gọi là tiêm phòng, mặc dù cũng có loại vaccine được dùng qua đường uống . Các nghiên cứu mới còn mở ra hướng dùng vaccine để điều trị một số bệnh.Thuật ngữ vaccine xuất phát từ vaccinia, (tiếng Latinh vacca nghĩa là "con bò cái"). Việc đặt tên như vậy xuất phát từ 'hiện tượng' là; lấy chính loại virus gây bệnh đậu bò, đem chủng cho người, lại giúp con người có miễn dịch đặc hiệu chống lại (phòng được) bệnh đậu mùa.


Vaccine là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, dùng để chủ động tạo ra miễn dịch đặc hiệu, đối với tác nhân gây bệnh cụ thể. Để giảm bớt số lần tiêm, các loại vaccine cũng được các sản xuất theo hướng đa kháng nguyên (một mũi tiêm phòng chống lại nhiều tác nhân gây bệnh), vaccine Quinvaxem cũng là dạng đa kháng nguyên.


Nhiều năm nay, một trong những thành tích nổi bật của ngành y tế, là thực hiện thành công chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Công tác tuyên truyền tốt đã làm cho người dân hiểu rõ lợi ích của việc tiêm phòng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí vaccine miễn phí cho chương trình TCMR trong những năm qua, hầu như đều được tài trợ từ nước ngoài, thông qua sự giúp đỡ của WHO (Tổ chức Y tế thế giới).


Mặc dù trên thị trường, cũng có một số loại vaccine tốt, và an toàn hơn loại vaccine của chương trình TCMR, các cơ sở y tế dự phòng, đã được phép mở thêm dịch vụ, tiêm các vaccine này theo những khuyến cáo, và chỉ dẫn của ngành y tế. Nhưng tuyệt đại đa số các cháu bé trong độ tuổi, do điều kiện kinh tế của gia đình (bố, mẹ) còn khó khăn, nên phải hoàn toàn dựa vào chương trình TCMR miễn phí trên toàn quốc.


Lớn ăn kiểu lớn, bé ăn kiểu bé...


Mấy tháng gần đây, chủ đề về vaccine luôn được sự quan tâm, lo lắng, của mọi tầng lớp trong xã hội, với những sự việc ở tầm 'vi mô' như việc nhân viên y tế, tiêm 'bớt vaccine' hay việc tiêm vaccine đã quá hạn sử dụng cho các cháu bé. Dù đây là sai phạm về chuyên môn có tính nghiêm trọng, và nhìn ở mọi góc độ khác (quản lý, kinh tế, đạo đức...) đều không thể chấp nhận được. Và nếu cần một 'diễn đạt' khác cho những sự việc như vậy, thì chỉ có thể nói thật 'vô luân' mà thôi.


Cùng với chuyện y đức gắn với nạn 'phong bì' bệnh viện, hay việc đấu thầu 'gửi giá', dẫn tới giá thuốc dùng trong các bệnh viện, bị đẩy lên cao hơn cả ngoài thị trường, cho thấy ở đâu đó trong ngành y, tham nhũng còn phổ biến ở các cấp độ theo kiểu, 'lớn ăn kiểu lớn, bé ăn kiểu bé'. Đây đã là sự thật đầy chua chát, mà người dân đang phải trực tiếp gánh chịu.


Một lời giải thích chung chung như, ở 'đâu đó' trong ngành y đã có những 'con sâu bỏ rầu nồi canh', làm ảnh hưởng tới hình ảnh cao quý, của đội ngũ những thầy thuốc. Một hình thức kỷ luật ở mức cao nhất về mặt hành chính, đối với những nhân viên y tế trực tiếp liên quan, đã là dự đoán của nhiều người, trước khi được các quan chức ngành y tế công bố. Trong thời điểm hiện nay, thì đây cũng là lựa chọn tối ưu, của ngành y, nhằm 'lấy điểm', củng cố lòng tin của người dân, và răn đe những hành vi tương tự tái diễn.


Còn sự kiện mang tính 'vĩ mô' - vaccine Quinvaxem đang được sử dụng trong chương trình TCMR phải dừng đột ngột, do tính an toàn của của loại vaccine này - đã có năm cháu bé tử vong sau tiêm.


Những tai biến khi tiêm phòng bệnh, có thể dẫn tới tử vong, không chỉ gặp với riêng vaccine Quinvaxem, mà đối với các loại khác cũng có thể, nhất là không làm tốt khâu kiểm soát trước và sau tiêm. Về nguyên tắc, trước khi tiêm, các cháu bé phải được bảo đảm chắc chắn không mắc bất kỳ một bệnh cấp tính nào khác. Sau khi tiêm, người được tiêm phòng cần được theo dõi một khoảng thời gian nhất định. Các cơ sở tổ chức tiêm phòng, phải có đủ khả năng tổ chức cấp cứu, khi người được tiêm vaccine có phản ứng dị ứng nguy hiểm (shock phản vệ). Những kỹ năng này, tiếc thay lại không phải là của các bác sĩ hệ y học dự phòng.


Nhiều năm qua, việc đặt lịch tiêm phòng cố định vào một ngày nhất định trong tháng, nên tại những thời điểm này, số lượng các cháu đến tiêm quá đông, rất khó có thể kiểm soát đúng theo qui trình, cũng như xử lý tốt các vấn đề nêu trên.


Đã có không ít những trường hợp biến chứng dẫn tới tử vong, nhưng chưa bao giờ người dân có được lời giải thích thỏa đáng: Tại bản chất của vaccine ? Tại khâu bảo quản, vận chuyển vaccine không tốt? Hay là sự yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ cấp cứu tại các cơ sở đang tổ chức tiêm phòng? Thay vào đó, ngành y tế lại đưa ra những con số thống kê, về tỉ lệ biến chứng trên thực nghiệm, cũng như những biến chứng ở nơi này, nơi kia...


Nhưng lời giải thích của Bộ Y tế, khi quyết định cho tạm dừng sử dụng vaccine Quinvaxem, lại cho thấy một sự thật khác rất 'cay đắng' cho trình độ của nền y học nước nhà. Vì trình độ của hội đồng khoa học các cấp không kết luận được nguyên nhân tử vong, liên quan tới loại vaccine này:


Từ đầu năm 2013 đến nay có ghi nhận một số trường hợp xảy ra tai biến sau tiêm chủng, cụ thể là năm trường hợp tử vong. Chúng tôi đã tiến hành điều tra nghiên cứu, hội đồng cấp tỉnh và TP cũng như Hội đồng khoa học Trung ương đưa ra kết luận rằng, trong năm trường hợp có bốn trường hợp không liên quan đến vaccine Quinvaxem. Có thể có trường hợp tử vong do nhiễm trùng huyết hoặc chưa rõ nguyên nhân'.


Để khẳng định nguyên nhân tử vong của những trường hợp sau khi tiêm loại vaccine Quinvaxem, cần phải chờ kết quả kiểm định, nghiên cứu của các chuyên gia WHO.


Vậy một câu hỏi đặt ra là, ngành y tế cần đào tạo thêm bao nhiêu tiến sĩ nữa, cần bao nhiêu 'thầy thuốc ưu tú' nữa để có đủ trình độ kết luận những vấn đề y tế, liên quan tới sinh mạng người dân như trong trường hợp này?


Mới đây, Bộ Y tế lại thông báo sẽ trình Chính phủ, cho dùng lại loại vaccine Quinvaxem. Giải thích cho quyết định này, vẫn giống như lời giải thích khi quyết định cho tạm dừng "không biết", "không rõ", "chưa đủ bằng chứng", về nguyên nhân của những biến chứng khi tiêm loại vaccine này. Và nếu có tử vong, cần khám nghiệm tử thi sớm (mổ xác), để xác định nguyên nhân.


Và còn vì, một lý do khác nữa cũng không kém phần 'cay đắng' là, nếu mua loại vaccine vô bào, tốt và an toàn, tiêm phòng cho các cháu bé trong độ tuổi TCMR giá sẽ đắt gấp mười lần (!?).


Vaccine Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất, nhưng chính nước họ không sử dụng loại vaccine này cho con cháu của họ, vì trong những tai biến vẫn chưa biết, chưa rõ, liệu có tai biến nào, làm cho thế hệ tương lai kém thông minh đi hay không? Trong nghiên cứu khoa học y học, để xác định rõ ràng những vấn đề (nguyên nhân) cũng như hậu quả chưa rõ, chưa biết, có thể tác động gây hại cho con người, người ta thường tìm bằng chứng thực nghiệm trên chuột bạch.


Phải chăng nước ta, ngân sách Nhà nước không có đủ tiền, để mua loại vaccine vô bào, tốt và an toàn, cho các cháu bé trong độ tuổi TCMR, hay lại vì một lý do nào khác (?!) Vì nếu nhập loại này, một năm chương trình TCMR phải bỏ ra khoảng 700-800 tỷ đồng.


Thời gian gần đây, có thông tin từ một chương trình "giải cứu" thị trường, đã có đề xuất tới 30 nghìn tỉ đồng - số tiền này có thể mua được vaccine vô bào, tốt và an toàn, đảm bảo hơn.


Trước đây, do điều kiện đất nước ta con nghèo, do chiến tranh và hậu quả của nó để lại, chúng ta không có tiền mua vaccine, không có đủ khả năng chuyên môn kỹ thuật để tự sản xuất, là thực tế. Nhưng hiện nay, đất nước chúng ta có thật sự nghèo,... đến mức không có tiền mua vaccine tốt hơn, hay có tiền, cũng không bỏ ra để mua loại an toàn cho người dân (?!). Như vậy, Bộ Y tế cũng nên nói rõ, để người dân hiểu. Vì đây là vấn đề sinh mạng con người, các cháu nhỏ, cũng tập đối diện với; rủi- may, sinh- tử, ngay từ khi mới được sinh ra đời, vì đất nước, cha mẹ mình còn nghèo.


Và nếu đất nước còn nghèo, chưa đủ tiền mua vaccine loại tốt hơn, tại sao chúng ta không triển khai chủ trương này theo hướng "xã hội hóa", tận dụng nguồn tài lực của xã hội, đáp ứng yêu cầu của những gia đình có điều kiện vật chất bảo đảm, hạn chế những rủi ro cho trẻ nhỏ?


Nguyễn Văn Soạn


http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/128853/-su-that--cay-dang-dang-sau-vacxin-5-trong-1.html