'Mất đồ ở sân bay Tân Sơn Nhất phải báo công an phường'


Theo ông Nguyễn Đình Hùng, Giám đốc Công ty phục vụ mặt đất Sài Gòn thuộc Tổng Công ty hàng không miền Nam, các cơ quan chức năng tại sân bay không chịu trách nhiệm quản lý hành lý cho khách hàng sau khi lấy ra khỏi băng chuyền.


> Hành lý dễ bị 'cầm nhầm' ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất / Mất hàng khi qua băng chuyền an ninh sân bay


Sau vụ anh Dương Trần Tiến bị mất một kiện hàng nặng 23 kg ngay trên băng chuyền soi an ninh của hải quan hôm 18/9, phóng viên VnExpress.net đã phỏng vấn ông Nguyễn Đình Hùng về trách nhiệm của Công ty phục vụ mặt đất Sài Gòn ở nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất trong quản lý hành lý hành khách.


- Trong trường hợp hành khách bị cầm nhầm, thậm chí mất đồ tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, theo ông trách nhiệm của từng bộ phận phụ trách tại sân bay như thế nào?


- Theo quy trình, hành khách xuống máy bay tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trước tiên phải làm thủ tục nhập cảnh, sau đó nhận hành lý tại băng chuyền và đưa qua máy soi hải quan rồi ra cửa. Quy trình này theo đúng thông lệ quốc tế.


Hải quan chỉ có trách nhiệm kiểm tra xem có hàng cấm hay không chứ không có nhiệm vụ bảo quản hành lý. An ninh sân bay có trách nhiệm bảo đảm các vấn đề về an ninh như khủng bố, mối đe dọa khác như cháy nổ...


Phải phân biệt cầm nhầm và mất đồ. Cầm nhầm xảy ra tại băng chuyền nhận hành lý, khi một người cầm nhầm hành lý của người khác còn hành lý của mình vẫn trên băng chuyền. Khi đó việc sẽ được giải quyết rất dễ dàng. Còn mất đồ là khi một người cố tình lấy hành lý không phải của mình. Trường hợp như của anh Dương Trần Tiến bị mất kiện hàng có thể được xem là một dạng bị mất cắp.


Nếu bị thất lạc hành lý, hành khách báo với bộ phận mất hành lý ở sân bay, còn mất cắp thì phải báo công an phường. Ảnh: Kiên Cường


- Vậy trách nhiệm của các hãng hàng không trong việc bảo quản hành lý?



- Các hãng hàng không sẽ chịu trách nhiệm bảo quản hành lý từ khi hành khách gửi hành lý để lên máy bay cho đến khi lấy ra. Như vậy, sau khi lấy hành lý tại băng chuyền, hành khách phải tự bảo quản hành lý của mình.


- Nhưng hành khách đều phải đóng lệ phí sân bay khi mua vé máy bay, nhiều người thắc mắc họ phải được các đơn vị có trách nhiệm ở sân bay bảo quản hành lý của họ khi chưa ra khỏi sân bay?


- Lệ phí sân bay là chi phí hành khách trả khi sử dụng cơ sở hạ tầng của sân bay.


- Thực tế, sau khi nhận hành lý tại băng chuyền và qua máy soi hải quan ra cửa, hành khách không bị kiểm tra thẻ hành lý. Vì vậy nếu có mất cắp cũng khó phát hiện kịp thời thủ phạm. Trong khi khu vực bên trong sân bay phải cách ly an ninh với bên ngoài, khi bị mất đồ hành khách phải phản ứng như thế nào?


- Như đã giải thích, nếu là dạng mất đồ thì hành khách buộc phải báo công an phường như một trường hợp mất cắp thông thường. Trách nhiệm của an ninh sân bay là sẽ phối hợp với công an như cung cấp hình ảnh, các dấu hiệu liên quan khác để tìm ra thủ phạm.


Đúng là sân bay quốc tế không có khâu kiểm soát hành lý cuối cùng. Khâu này các công ty phục vụ mặt đất sẽ triển khai nếu các hãng hàng không yêu cầu và trả tiền. Nhưng thực tế, không một hãng hàng không nào yêu cầu chuyện này vì rất dễ gặp phản ứng của khách nước ngoài như: tôi đi nước khác có bị đâu mà ở Tân Sơn Nhất lại vậy. Các sân bay trên thế giới đều không hề có khâu kiểm soát thẻ hành lý này vì họ coi đây là một rào cản không cần thiết.


- Ông có thể nói rõ hơn vì sao kiểm soát thẻ hành lý được xem như rào cản trong khi khâu này sẽ giúp hạn chế tình trạng cố tình "cầm nhầm" đồ của người khác?


- Có nhiều lý do. Thứ nhất đây là tính chất quốc tế: ví dụ một sân bay tiếp nhận 50 triệu hành khách một năm, một giờ có 50-70 chuyến bay đáp xuống, nếu cứ kiểm tra thẻ hành lý kiểu đó chắc chắn sẽ tạo ùn ứ tại sân bay. Thứ hai, việc xảy ra mất hành lý là không nhiều, không thể vì một số ít mà tạo ra một rào cản hạn chế sự phát triển. Sân bay quốc nội còn khâu này, có thể là do trước đây vẫn vậy, cái này xin hỏi các hãng hàng không.


Trước đây, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã từng xảy ra trường hợp đối tượng xấu cố tình lợi dụng khâu không kiểm soát thẻ hành lý để trục lợi. Họ thường đi hai người với 2 túi hành lý, xuống máy bay, sau khi nhận hành lý, một người cầm cả 2 túi này ra trước, người còn lại báo mất vì không thấy hành lý trên băng chuyền. Họ yêu cầu hãng hàng không bồi thường vì họ có thẻ hành lý mà không thấy đồ của mình. Sau đó cơ quan công an phường đã phối hợp với an ninh sân bay bắt giữ những đối tượng này.


- Như vậy tình trạng cố tình "cầm nhầm" vẫn có thể xảy ra như đã xảy ra ở Tân Sơn Nhất. Các đơn vị có trách nhiệm có những giải pháp nào để hạn chế?


- Tất nhiên, an ninh sân bay tăng cường các biện pháp, khoanh vùng các đối tượng trong "danh sách đen". Với ngành hành không, không một ai lại muốn cầm nhầm hành lý vì trong đó lỡ đâu có hàng cấm hay thứ gì khác.


Để hạn chế bị "cầm nhầm", hành khách nên kiểm tra, đối chiếu kỹ thẻ hành lý khi nhận đồ từ băng chuyền của mình để tránh những điều đáng tiếc.


Trao đổi với VnExpress.net, Trưởng công an phường 2, quận Tân Bình, TP HCM, địa bàn có sân bay Tân Sơn Nhất, ông Phạm Trọng Nghĩa khẳng định, khi bị mất đồ hành khách phải báo với công an phường. Ông Nghĩa cho biết công an chỉ vào khu vực sân bay quản lý để điều tra khi có báo mất của hành khách hoặc an ninh sân bay yêu cầu.


"Cách đây 5 năm, một người ở Hải Dương thường xuyên đi Hà Nội - TP HCM đã dùng một cái cặp thông dụng (trong đó không có gì giá trị) và cố tình "cầm nhầm" hàng của người khác khi lấy hành lý tại băng chuyền. Sau khi nhận được tin báo, chúng tôi đã phối hợp và bắt giữ người này về tội trộm cắp tài sản", ông Nghĩa nói.