'Mạng nhện' dây điện đe dọa Hà Nội mùa mưa


Cập nhật lúc : 7:21 AM, 16/05/2009


Không chỉ mất mỹ quan, hệ thống dây nhợ chằng chịt như những “mạng nhện” tại Hà Nội còn tiềm ẩn nguy hiểm người dân, nhất là khi mùa mưa bão đến gần.



>> Một người đi xe máy bị xe khách cán qua đầu


Kéo đổ cột điện, gây chập cháy và tai nạn giao thông... là những hiện tượng đã xảy ra từ những "mạng nhện" trên trời ở Thủ đô.


Thí điểm vẫn bị 'treo


Từ năm 2007, thành phố Hà Nội đã có dự án hạ ngầm toàn bộ dây điện, cáp viễn thông trên địa bàn thành phố, dự kiến hoàn tất vào năm 2010. Tuy nhiên, thực tế, đã gần đến hạn 2010, thành phố chưa hoàn thành được bao nhiêu kế hoạch.


Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty điện lực Hà Nội, cho biết, hiện, Hà Nội đã hạ ngầm được trên 70% hệ thống dây trung áp ở các quận nội thành, riêng hệ thống dây hạ thế (dây đi vào các nhà dân) chỉ mới hạ ngầm được 2%.


Do có qúa nhiều dây điện, hộp cáp viễn thông nên cột điện tại số 376 Nguyễn Trãi bị kéo nghiêng sang một bên.



“Cái khó hiện nay của công ty trong việc hạ ngầm dây điện hiện nay là dây của các doanh nghiệp (như dây điện thoại, dây Internet, dây truyền hình cáp...) quá nhiều, chiếm tới 40 - 50% số lượng dây điện hiện có hiện nay trên các cột điện, khi tiến hành hạ ngầm kêu gọi các doanh nghiệp này tham gia cắt bỏ một thử thách lớn đối với chúng tôi”, ông Tuấn nói.


Để "tăng tốc" hạ ngầm các búi dây không gian, Công ty Điện lực Hà Nội đang thực hiện một tiểu dự án hạ ngầm hệ thống dây điện trên 5 tuyến phố nội đô (hạ ngầm dưới vỉa hè) là: Đinh Tiên Hoàng - Lê Thái Tổ, Tràng Tiền - Hàng Khay, Nguyễn Thái Học - Kim Mã, Văn Cao - Trần Duy Hưng, Hai Bà Trưng và khu chung cư cũ Giảng Võ được Hà Nội hạ quyết tâm sẽ hoàn thành trong năm 2008.


Tuy nhiên, gần nửa 2009, toàn bộ hệ thống dây diện của thành phố, kể cả một số tuyến phố thí điểm vẫn chi chít "mạng nhện" hoặc đang trong tình trạng thi công dở dang.


Sở Xây dựng Hà Nội, đơn vị đang trực tiếp thực hiện dự án hạ ngầm dây điện trên 5 tuyến phố, cho biết, đến nay, ba trong số 5 tuyến phố đã được triển khai. Trong đó, hai tuyến Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng hoàn thành, gói thầu trên đường Hai Bà Trưng cũng xong 80%. Hai gói thầu còn lại là Kim Mã - Nguyễn Thái Học và Văn Cao - Trần Duy Hưng dự kiến hoàn thành vào năm 2010.


Những phố lớn, phố du lịch, dây điện vẫn chằng chịt. Trong ảnh: dây điện chăng trên phố Hàng Khay, một trong 5 tuyến phố được chọn hạ ngầm thí điểm.


Theo Sở Xây dựng, khó khăn lớn nhất khi hạ ngầm dây điện, dây viễn thông các tuyến phố thí điểm là đơn vị thi công không tìm được "chủ" của những đường dây. Bên cạnh đó, nhiều đoạn trên một số tuyến phố không có vỉa hè nên chưa tìm được điểm hạ ngầm. Để khắc phục, các đơn vị thi công buộc phải sắp xếp lại các đường dây cho gọn.


"Nhưng chậm nhất sang đầu năm 2010, dự án thí điểm hạ ngầm hệ thống dây điện trên 5 tuyến phố nội đô sẽ được hoàn thành, để thành phố kịp thời chào đón đại lễ 1.000 năm Thăng Long", ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty Điện lực Hà Nội, đơn vị phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện dự án thí điểm trên, khẳng định.


Ẩn họa khôn lường


Trong khi các cơ quan chức năng đang "loay hoay" với các dự án hạ ngầm dây điện, dây cáp trên địa bàn Hà Nội, thì những "mạng nhện" này vẫn đe dọa cuộc sống hằng ngày của người dân, đặc biệt trước mùa mưa đang tới gần.


Đêm 29/4, nhiều người dân trên đường Quang Trung, quận Hà Đông, chứng kiến vụ tai nạn rất hy hữu mà nguyên nhân chính, theo nhiều người là do người đi xe máy vướng phải dây cáp viễn thông trên đường dẫn đến tử vong.



'Mạng nhện' kiểu này khá phổ biến tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Đảng


Trước đó, đợt mưa bão tháng 11/2008, tại ngõ chợ Nhân Chính nối với đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, khi lội bộ trên đường ngập nước, một người đột ngột tử vong. Nguyên nhân được xác định có thể do bị diện giật, do dây điện bị đứt rơi ngầm dưới mặt nước.


Ngoài gây ra những tai nạn chết người, các cột điện mất an toàn cũng khiến nhiều phen người dân hốt hoảng. Ông Nguyễn Văn Hồng, số 28 đường Âu Cơ, trực tiếp chứng kiến vụ dây điện kéo đổ cột trước nhà mình ngày 8/10/2008, cho biết: “Hôm đó, cột điện trước nhà tôi đã tự bốc hỏa rồi đổ nhào xuống đường. Cả nhà tôi và hàng xóm rất hoảng sợ, phải sơ tán hết ra xa vì lỡ điện giật thì hậu quả khôn lường”.



Cột điện bị kéo ngã tại phố Âu Cơ, Tây Hồ


Ngoài gây mất điện và ách tắc giao thông nhiều giờ, vụ tai nạn này còn làm cháy toàn bộ hệ thống dây, hộp cáp điện ở nhiều cột, kéo đổ hai cột điện và làm hai cột khác bị lung lay.


Ông Đỗ Minh Đức, Trường công an phường Quảng An, nơi đã từng xảy ra vụ cột điện đổ tháng 8/2008 cho biết, nếu ngành điện lực cũng như các cơ quan chức năng không kịp thời có biện pháp gia cố hoặc ngăn ngừa tình trạng giăng mắc dây nhợ trên các cột điện thì nguy cơ cột điện đổ xuống hàng loạt là điều khó tránh khỏi.


“Hiện các cột điện ở phường Quảng An lâm vào tình trạng quá tải, vì hầu hết cột ở đây nhỏ, xây dựng đã lâu nên chỉ gặp một bất trắc nhỏ có thể sẽ xảy ra sự cố liên hoàn trên hệ thống điện và cột điện trên địa bàn”, ông Đức cảnh báo.


Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội như: Đội Cấn, Kim Mã, Hoàng Hoa Thám (Ba Đình); Âu Cơ, Nghi Tàm, Bưởi (Tây Hồ); Tôn Đức Thăng, Khâm Thiên, Thái Hà (Đống Đa); Nguyễn Trãi, Vũ Trọng Phụng, Phùng Khoang (Thanh Xuân)... dây điện và cáp viễn thông cũng chằng chịt như mạng nhện.


Sẽ từng bước hạ ngầm


Về tình trạng "mạng nhện" dây điện còn nhan nhản trên toàn thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận, tình trạng quá tải của các cột điện hiện nay là một thực tế. “Nhưng việc này cũng phải được tiến hành từng bước, do đây là vấn đề quá tầm với Công ty Điện lực nên thành phố hiện phải đứng ra thực hiện. Trước mắt công ty sẽ phối hợp với thành phố để thực hiện ngầm hóa thí điểm trên một số tuyến phố nội đô, sau đó sẽ nhân rộng ra cả thành phố”, ông Tuấn nói.


Việc hạ ngầm dây điện trên phố Hai bà Trưng đã tiến hành được 80% Về phương án cho các tuyến phố chưa được hạ ngầm, ông Tuấn cho rằng, để chuẩn bị cho mùa mưa bão năm nay, Công ty điện lực Hà Nội sẽ yêu cầu các doanh nghiệp có hệ thống dây, cáp đi trên các cột điện kiểm tra, gỡ bỏ bớt những phần dây không còn hoạt động, đồng thời có những cam kết về trách nhiệm đối với hệ thống dây, cột điện đang đi nhờ. Nếu công ty nào không đến nhận dây và có hình thức xử lý các dây rỗng, công ty sẽ cắt bỏ đường dây đó khỏi cột điện.


“Yêu cầu các doanh nghiệp gỡ bỏ toàn bộ hệ thống dây điện này là rất khó, vì vậy công ty chỉ có thể liên hệ và yêu cầu các doanh nghiệp tháo gỡ những phần dây không cần thiết để giảm trọng tải cho các cột điện. Về lâu dài sẽ kiến nghị thành phố có hệ thống cột phân định cho từng loại dây điện khác nhau trước khi có thể hạ ngầm toàn bộ”, ông Tuấn đề xuất.


Cũng theo ông Tuấn, phần lớn những vụ dây điện bị đứt, bị gãy vừa qua là những dây rỗng, không còn hoạt động nữa, nhưng do các đơn vị chủ quản thiếu trách nhiệm nên khi dây không còn hoạt động nữa đã không cắt bỏ, hay tháo gỡ.


Trọng Đảng


http://www.baodatviet.vn/Home/Mang-nhen-day-dien-de-doa-Ha-Noi-mua-mua/20095/41313.datviet