Xe đạp sử dụng diện tích lòng đường gần bằng xe gắn máy và những năm 80-90 của thế kỷ trước, loại phương tiện này đã từng được coi là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông.


Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng vừa ký tờ trình gửi UBND TP Hà Nội đề xuất nghiên cứu “Đề án sản xuất và tiêu dùng xe đạp nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường”. Mục tiêu của đề án đưa ra rất tốt nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nó rất khó khả thi trên thực tế.


Đi xe đạp còn tắc hơn


Theo đề xuất của Sở Công Thương Hà Nội, mục tiêu của đề án là đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ xe đạp của Hà Nội, cũng như tính toán lợi ích của việc sử dụng xe đạp, tổ chức triển lãm xe đạp nhằm tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp.



"Ý tưởng khuyến khích dùng xe đạp để giảm ùn tắc giao thông cần phải được xem xét thấu đáo".


Đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển xe đạp trong giao thông đô thị, kích cầu xe đạp, tìm hướng đi cho ngành sản xuất xe đạp nội địa. Một nội dung quan trọng khác là nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị, tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường.


Tuy nhiên, theo TS Khuất Việt Hùng (Vụ phó vụ Vận tải, Bộ Giao thông và Vận tải), xe đạp chỉ phù hợp với quãng đường ngắn từ 2 - 3km, tốc độ chậm và phải có phần đường dành riêng. Nhưng trong điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông của các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội thì ý tưởng khuyến khích dùng xe đạp để giảm ùn tắc giao thông cần phải được xem xét thấu đáo. Hiện tại, sử dụng xe đạp nhiều nhất là sinh viên, học sinh và xe đạp vẫn đang phải đi chung làn đường với xe gắn máy.


Khuyến khích người dân di chuyển bằng xe đạp có thể làm tăng tình trạng ách tắc giao thông.


“Mặc dù xe đạp là phương tiện giao thông tiết kiệm nhiên liệu, giá rẻ đã được nhiều nước phát triển khuyến khích sử dụng với mục đích bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe của người dân,… nhưng họ chỉ thực hiện được khi đã có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, thích hợp với điều kiện thực tế”, ông Hùng phân tích.


Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải Hà Nội) nhận định việc đi xe đạp mất nhiều thời gian hơn so với các phương tiện khác là một trở ngại lớn đối với nhu cầu di chuyển của phần lớn người dân. Hơn nữa, với thành phố có mật độ dân số lớn như Hà Nội, khuyến khích người dân di chuyển bằng xe đạp có thể làm tăng tình trạng ách tắc giao thông.


Học theo là “mơ mộng”


Sở Công Thương Hà Nội cho rằng sự phát triển nhanh về số lượng các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, môi trường đô thị ngày càng ô nhiễm.


Để thực hiện đề án này, Sở Công thương đã lựa chọn một số thành phố trên thế giới để nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm việc sử dụng xe đạp trong giao thông đô thị. Tiêu biểu như Amsterdam (Hà Lan), London (Anh) là những thành phố sạch và có tỷ lệ người dân đi xe đạp cao nhất thế giới.


Nhìn nhận ở một góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Văn Thụ cho rằng vào những năm 80-90 của thập kỷ trước, xe đạp cũng đã từng được xem là nguyên nhân gây ùn tắc khi loại phương tiện này phát triển ồ ạt.


Bên cạnh đó, việc học hỏi kinh nghiệm của các thành phố trên để áp dụng tại Việt Nam là khập khiễng. Các thành phố tại Châu Âu có cơ sở hạ tầng rất tốt, thậm chí có nhiều con đường giành riêng cho xe đạp.


Xe máy hay xe đạp gần như đều gây ùn tắc như nhau.


Song song đó, họ còn xây dựng được hệ thống phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm rất hiện đại và nhanh chóng để người dân có thể thay thế xe đạp bất cứ lúc nào khi cần di chuyển xa và nhanh hơn.


Một lãnh đạo cảnh sát giát giao thông Hà Nội cho biết, trên thực tế, diện tích sử dụng lòng đường của một chiếc xe đạp không chênh lệch so với xe máy bao nhiêu. Do đó, xe máy hay xe đạp gần như đều gây ùn tắc như nhau.


Nếu đặt lên bàn cân, đa số người dân sẽ thấy lợi ích về bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu hay tăng cường sức khỏe khi đi xe đạp sẽ nhẹ hơn so với việc tiết kiệm thời gian đi lại hay hiệu quả kinh tế khi đi xe máy, nhất là trong điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông tại Hà Nội. Do đó, nhìn vào mô hình của các thành phố trên thế giới về việc khuyến khích đi xe đạo để học hỏi và áp dụng ngay vào Hà Nội trong điều kiện như hiện nay có vẻ quá xa với.


Khó kích cầu doanh nghiệp xe đạp trong nước


Với đề xuất kinh phí lên đến 900 triệu và thực hiện trong vòng hai năm, đề án khuyến khích người dân sử dụng xe đạp của Sở Công thương Hà Nội còn bao gồm cả mục đích kích cầu cho các doanh nghiệp sản xuất xe đạp trong nước. Chính vì thế, theo TS Khuất Việt Hùng đề án này có vẻ nghiêng về mục tiêu kích cầu hơn là giảm ùn tắc.


Tuy nhiên, thị trường xe đạp Việt Nam hiện nay đang được chiếm lĩnh bởi các loại xe đạp nhậu khẩu với kiểu dáng đa dạng, chất lượng tốt và giá cả phong phú, phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Các hãng sản xuất xe đạp nội đang rất yếu thế ngay tại sân nhà vì không đủ sức cạnh tranh.


Ngay cả thương hiệu xe Thống Nhất, nhà sản xuất xe đạp hàng đầu Việt Nam cũng đã buộc phải thu hẹp xuống 2 địa điểm bán hàng tại Hà Nội.


Theo ông Nguyễn Hữu Sơn (Tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Thống Nhất) khách hàng của công ty chủ yếu là học sinh, sinh viên và người lớn tuổi.


Theo Zing News


http://news.zing.vn/xa-hoi/di-xe-dap-giam-un-tac-hay-gay-ra-kieu-un-tac-moi/a314346.html