"Cánh đồng bất tận": Sex mà nhân văn


(VnMedia) - Trước khi ra mắt ở Việt Nam, “Cánh đồng bất tận” kích thích trí tò mò của khán giả bằng những bức ảnh và clip “ngập tràn cảnh sex”. Nhưng phải xem mới thấy, phim không nóng như khán giả dự đoán mà đầy nhân văn và tình người.


Sau khi chu du ở LHP Pusan, “Cánh đồng bất tận” đã có buổi ra mắt các vị khách mời ngày hôm qua, 20/10 trong khuôn khổ LHP Quốc tế lần thứ nhất tại Việt Nam.


Ấn tượng từ những gương mặt trẻ


Được xây dựng từ tiểu thuyết ăn khách của Nguyễn Ngọc Tư, với một ekip làm phim chuyên nghiệp từ những cái tên như Nguyễn Phan Quang Bình, Nguyễn Tranh, Lê Hóa… “Cánh đồng bất tận” phiên bản điện ảnh được mong đợi hơn bao giờ hết trong năm 2010 khi có sự xuất hiện của một dàn sao Việt như Dustin Nguyễn, Đỗ Hải Yến, Tăng Thanh Hà.



Lan Ngọc gây bất ngờ với vai Nương


Cũng chính vì sự mong đợi này, cùng áp lực thành công của bộ truyện trước đó khiến đạo diễn Quang Bình khá đau đầu khi chọn diễn viên. Rất hài lòng trước các gương mặt Dustin Nguyễn, Đỗ Hải Yến, Tăng Thanh Hà cho các vai diễn chính, nhưng làm thế nào để chọn được một bé Nương và bé Điền là một thách thức.


Nhưng, đạo diễn Quang Bình đã thở phào khi bắt được Lan Ngọc – cô sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Mặc dù sinh ra ở mảnh đất Sài thành, nhưng Lan Ngọc vào vai cô gái miền Tây sông nước đầy ấn tượng. Cộng hưởng với nắng gió của vùng miền Tây và nước phèn chua đã “nhuộm” cô sinh viên ĐH Sân khấu Điện ảnh làn da đen cháy và mái tóc khô xơ như một cô gái sông nước chính hiệu.


Đặc biệt, Nương mang một vẻ đẹp “càng lớn càng giống mẹ” và nụ cười của Lan Ngọc được sánh không kém với sự rạng rỡ của Tăng Thanh Hà. Những run rẩy trước người cha suốt ngày gằn hắt, những lo lắng, xốn xang của tuổi mới lớn, những khao khát của một đứa bé đã phải xa mẹ từ khi còn bé thơ… được Lan Ngọc chuyển tải sâu sắc qua đôi mắt.


Điền (do Thanh Hòa thủ vai) cũng dễ dàng chiếm cảm tình của khán giả với những biến chuyển tâm lý sâu sắc của chàng trai sông nước vốn xuất thân từ miền Tây chỉ quen với chim, chuột và cá.



Thanh Hòa lột tả được cảm xúc tuổi mới lớn của Điền rất sâu sắc


Vai ông Võ của Dustin Nguyễn khiến người xem không thể chê vì diễn xuất đầy tinh tế được lột tả từ vẻ mặt gai góc, khắc khổ, dằn vặt, đầy thù hận cuộc sống của anh. Anh thuộc tif diễn viên dễ hóa thân vào mọi dạng nhân vật. Sự độc ác trong “Dòng máu anh hùng”, vẻ ngây ngô, khờ dại trong “Huyền thoại bất tử” hay vẻ si tình đê mê trong “Để Mai tính” không hề lẫn trong vai Võ.


Thành công với nhiều dạng vai, nhưng với Sương, áp lực của một vai diễn hay nhưng đầy nghiệt ngã khiến Đỗ Hải Yến phải mất tới 200% sức lao động và nước mắt cho vai diễn. Từng từ chối vì bối cảnh đóng phim quá gian khổ, nhưng Yến đã bị thuyết phục bởi một ekip làm phim và bạn diễn chuyên nghiệp như Dustin Nguyễn. Và quả là Yến không nhận lời nhầm, khi chính chị cũng phải thừa nhận, từng khóc rất nhiều khi vào vai bằng sự xúc cảm thật sự cho nhân vật chứ không chỉ là diễn.


Không “ngập tràn cảnh sex”


Khác với dự đoán của nhiều khán giả khi bộ phim trước đó được PR là “ngập tràn cảnh sex” hay “sex dữ dội”, phim chỉ có một cảnh nóng giữa ông Võ (Dustin Nguyễn) và cô gái điếm Sương (Đỗ Hải Yến).


Tâm sự về cảnh nóng, hai vai chính cho biết, họ không quá vất vả lột tả cảm xúc hay cởi đồ trong cảnh nóng, mà sự vất vả nhất, đó là phải diễn nóng trong lúc muỗi miền Tây hoành hành. So với nhiều màn yêu đương lãng mạn trên màn ảnh rộng, cảnh nóng trong “Cánh đồng bất tận” mang vẻ hoang dại hơn.



Cảnh nóng của ông Võ - Dustin Nguyễn và cô gái điếm Sương - Đỗ Hải Yến


Cảnh cô con gái Nương bị một 3 thằng trai trẻ hãm hiếp “ghìm ngửa trên mặt ruộng bì bõm nước” như một món hàng cũng được tái hiện rất nhân văn. Trong lúc tuyệt vọng, thay vì cất tiếng gọi thằng em trai “Điền ơi”, bé Nương đã gọi “cha ơi” cầu cứu như một sự thức tỉnh tình cha con với một người đầy hận thù và máu lạnh như ông Võ.


Và kén người xem


So với tiểu thuyết gốc, phiên bản điện ảnh của “Cánh đồng bất tận” chọn một cách kể chuyện đầy chiều sâu với phần dẫn chuyện vẫn là bé Nương. Việc chuyển thể kịch bản được giao vào tay nhà văn Ngụy Ngữ và nhà biên kịch Nguyễn Hồ - người từng biết đến với bộ phim nổi tiếng “Cánh đồng hoang” biên tập lại cho đúng phong vị của không gian Nam Bộ trong truyện.


“Cánh đồng bất tận” của đạo diễn Quang Bình chọn một cách kết thúc nhân văn hơn, ít ám ảnh người xem hơn và được đánh giá là “thanh bình, nhẹ nhõm”. Sương bỏ đi, Điền cũng bỏ đi tìm. Ông Võ quyết định cập bến định cư ở một ngôi làng nhỏ và làm công việc người chở đò. Kết thúc mở ra một chân trời hy vọng mới cho cuộc đời của cha con ông Võ và bé Nương và một thông điệp, con người nên biết tha thứ và học cách yêu cuộc đời.



"Cánh đồng bất tận" chọn cái kết có hậu và nhân văn hơn


Mất 6 năm nghiên cứu về vùng sông nước, thực tế cùng cả đoàn làm phim 1 tháng trước khi bấm máy, “Cánh đồng bất tận” không phụ lòng người xem với những nét văn hóa đầy phong vị Nam Bộ trong phim của Quang Bình.


Xác định không phải là bộ phim thương mại, đạo diễn Quang Bình chia sẻ, anh muốn làm phim cho nhiều tầng lớp khán giả xem. Nhưng có lẽ, không phải khán giả nào cũng có thể xem được phim của anh. Tiết tấu hơi chậm, đôi lúc hơi rườm rà khiến người xem, nếu chưa từng đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư sẽ khó ngồi lại lâu trước màn hình. Phải là những khán giả có văn hóa một chút, họ sẽ cảm nhận được tính nhân văn của bộ phim mang lại.


Thiên Lam


http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?newsid=203647&catid=58