.


Trao đổi với VnExpress chiều 12/11, ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) khẳng định, nếu so với các chương trình xúc tiến du lịch thì đợt quảng bá vịnh Hạ Long không tốn kém.


> Vịnh Hạ Long vào top 7 kỳ quan thế giới mới


- Ông có cảm giác thế nào khi được biết vịnh Hạ Long lọt vào danh sách sơ bộ 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới?


- Thực sự đêm đó tôi không ngủ được vì chờ đợi thư thông báo. Mãi đến gần 2h sáng 12/11, tôi mới nhận được thư chúc mừng của ông Bernard Weber, Chủ tịch tổ chức NewOpenWorld rằng Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ của tổ chức này. Tôi rất phấn khởi và tự hào, cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm sau những nỗ lực 4 năm qua. Chúng ta đã đạt được mục tiêu đưa vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.


- Đây chưa phải là kết quả cuối cùng, tại sao ông tin tưởng vịnh Hạ Long chiến thắng?


- Tôi tin tưởng 100% Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Tổ chức New Open World đã kiểm kê được số phiếu bầu thông qua Internet, điện thoại. Song họ muốn có một kết quả công minh để mọi người trên toàn thế giới công nhận nên đã thuê một công ty kiểm toán độc lập kiểm tra lại kết quả này. Họ đề phòng trường hợp nào đó sai sót thì địa danh đứng thứ 8 sẽ thay thế.


Nhưng đối với Hạ Long, tôi nghĩ không có vấn đề gì. Chỉ hơn một tháng phát động nhắn tin qua điện thoại, chúng ta đã có 24.090.000 tin nhắn bầu chọn, con số rất ấn tượng. Ban đầu chúng tôi ước tính chỉ đạt khoảng 5 triệu tin nhắn, vì cán bộ ở Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, các cuộc vận động bình chọn trong nước thường đạt trên dưới một triệu. Đây là công sức của tất cả người dân Việt Nam trong và ngoài nước, của cả bạn bè quốc tế.


- Với hơn 24 triệu tin nhắn, Việt Nam đã chi hơn 15 tỷ đồng, cùng với nhiều chi phí tổ chức các sự kiện, ông suy nghĩ gì về cái giá mà chúng ta trả cho danh hiệu kỳ quan thế giới mới?


- Tổ chức NewOpenWorld không quy định mỗi người được gửi bao nhiêu lần tin nhắn, mỗi tin nhắn trị giá 630 đồng thì ngành bưu chính viễn thông trừ 30 đồng tiền thuế cho nhà nước, còn lại 600 đồng có chia cho tổ chức NewOpenWorld. Vì vậy, nếu có nhiều người bầu thì tổ chức đó thấy được hiệu quả kinh tế và đánh giá ý thức của người bầu. Nếu qua Internet thì chỉ được bầu một lần với một email, tổ chức kia có kiểm soát và có gửi thư phản hồi.


Vịnh Hạ Long là điểm đến của nhiều du khách khi tới Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.


Tôi nghĩ giá trả không hề cao, chúng ta phải coi việc vận động bình chọn cho Hạ Long là công tác xúc tiến du lịch. Chính phủ mỗi năm đầu tư xúc tiến du lịch là 50 tỷ đồng (tương đương 2,5 triệu USD). So với các nước là quá nhỏ, như Malaysia đầu tư 80 triệu USD, Thái Lan 70 triệu USD, và Singapore gần 60 triệu USD, còn chúng ta chỉ 2,5 triệu USD cho tất cả công tác quảng bá trong và ngoài nước.


Từ năm 2008, Chính phủ cho phép quảng bá trên kênh truyền thông quốc tế như CNN, BBC, mỗi lần mất khoảng 160.000 USD, gần đây mất 200.000 USD, tương đương 4 tỷ đồng mà chỉ quảng cáo trong một chương trình nhất định. Nếu so với các chương trình xúc tiến kia thì quảng bá du lịch vịnh Hạ Long thời gian qua không tốn kém. Chúng tôi muốn xây dựng thương hiệu vịnh Hạ Long gắn liền với du lịch Việt Nam, nếu khách chưa đến Hạ Long coi như chưa đến Việt Nam.


- Sau khi vịnh Hạ Long đạt được danh hiệu kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, Việt Nam sẽ có cơ hội như thế nào?


- Cơ hội của Hạ Long đã có từ 4 năm nay, du khách đến Hạ Long ngày càng tăng. Tôi cho rằng quảng bá đã mang lại hiệu quả, du lịch Việt Nam và Hạ Long đã tăng trưởng trong mấy năm gần đây rất tốt, hàng năm tăng 10-15% khách nước ngoài đến Việt Nam; tăng 15-20% khách trong nước.


- Du khách đến Hạ Long vẫn không hài lòng vì bị “chặt chém”, ô nhiễm môi trường trong vịnh, tới đây cần giải pháp gì để làm đẹp hình ảnh của kỳ quan thế giới mới?


- Không chỉ ở Hạ Long mà nhiều nơi có tình trạng “chặt chém” khách, vệ sinh không đảm bảo. Bộ trưởng chúng tôi rất buồn khi nhận được những bức thư của du khách quốc tế phàn nàn rằng chỗ này chỗ kia nuôi gấu, nhốt khỉ, họ coi đó là hành vi rất dã man. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Quảng Ninh đã xóa được tình trạng nuôi gấu, tôi tin lãnh đạo Quảng Ninh sẽ nâng cao trách nhiệm đối với văn hóa du lịch.


Địa danh của chúng ta đã 2 lần được công nhận di sản thế giới và đến nay được tổ chức NewOpenWorld công nhận kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Cái đầu tiên mà thế giới yêu cầu chúng ta là bảo vệ kỳ quan bền vững, trở thành di sản không chỉ của Việt Nam mà còn là của thế giới. Không chỉ góc độ nhà nước mà địa phương cũng có ý thức trách nhiệm, ngay người dân Hạ Long cũng cần có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị của di sản mà thiên nhiên ban tặng.


Đoàn Loan thực hiện


http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/11/cai-gia-cho-danh-hieu-ky-quan-the-gioi-khong-he-cao/