Núm vú bình sữa là thứ tưởng đơn giản nhưng thực tế lại cần cân nhắc, thử-sai nhiều lần trước khi chọn mua được loại thích hợp nhất cho con. Và thường sau khi đã chọn được núm vú, bạn mới tiếp tục chọn bình sữa và các vật dụng đi kèm.



Chọn núm vú thế nào?



Núm vú bình có nhiều loại chất liệu, như mủ cao su (latex), cao su hoặc silicone, mỗi loại có những đặc điểm khác nhau. Loại núm latex mềm và dẻo, tạo cảm giác giống ti mẹ, nhưng lại không bền và còn có thể khiến một số bé bị dị ứng. Loại núm silicone thì cứng hơn nhưng đi cùng với đó là ưu điểm không có mùi và “giữ dáng” lâu hơn. Thông thường, khi bé còn nhỏ hoặc vừa bú bình vừa bú mẹ thì nên chọn loại núm cao su mềm; bé đã mọc răng, thích cắn hoặc có lực mút mạnh thì nên chọn loại silicon…



Về kiểu dáng núm vú bình cũng có nhiều lựa chọn, như kiểu truyền thống, kiểu chỉnh hình răng được thiết kế phù hợp với nướu và vòm miệng của bé, hoặc kiểu núm giống với hình dáng của vú mẹ.



Kích thước của núm vú bình và tốc độ chảy sữa cũng cần được quan tâm, bạn có thể phải cho con thử vài lần trước khi tìm được cỡ phù hợp với con mình. Nếu bạn cho con bú bình ngay từ lúc mới sinh thì hãy mua cỡ nhỏ nhất của nhiều loại khác nhau; nếu bạn đang cho con cai bú mẹ và chuyển sang dùng bình sữa, cũng hãy bảo đảm bạn mua đúng núm vú với độ tuổi của con. Khi cho con bú, bạn cần để ý xem con có gặp khó khăn gì trong việc bú sữa xuống hay không, hoặc bé có bị bú nhanh quá dẫn đến bị sặc hay sữa trào ra ngoài. Bạn đừng can thiệp chỉnh sửa một chiếc núm vú nhỏ để tăng lượng sữa chảy và, tất nhiên, hãy trao đổi với bác sỹ khi có bất kỳ vướng mắc nào liên quan tới việc cho con bú.



Có thể việc mua núm vú kèm với bình sữa sẽ tiết kiệm hơn, nhưng thực tế vì bạn khó có thể biết trước được con mình sẽ thích loại núm vú nào, cỡ nào, nên tốt nhất hãy mua thử nhiều loại. Khi đã nắm được nhu cầu và sở thích của con rồi, bạn có thể tính bài tiết kiệm, mua với số lượng lớn loại này để dùng dần vài tháng.




(Ảnh: GettyImages)




Khi nào nên thay núm vú khác cho con?



Sữa trong bình cần được chảy qua núm vú với tốc độ đều và phù hợp với con. Hãy lưu ý để thay núm vú khác cho bé nếu thấy sữa chảy quá chậm và con mút khó, hoặc sữa chảy quá nhiều, có nghĩa là lỗ trên núm vú quá lớn.



Ngoài ra, hãy định kỳ kiểm tra các dấu hiệu hao mòn, chẳng hạn như núm vú bị đổi màu, bạc màu, bị mỏng vát đi để thay mới, tránh tình trạng núm vú bị rách, đứt, gây nguy cơ nghẹn, hóc, rất nguy hiểm cho bé.



Mời xem thêm: Những lưu ý căn bản khi chọn mua bình sữa cho con