Là cha mẹ, thật là hạnh phúc khi nhìn thấy con mình khôn lớn mỗi ngày. Có rất nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển của trẻ, nhưng có một cách giúp bé phát triển tự nhiên mà hiệu quả nhất đó là thông qua các đồ chơi, trò chơi phù hợp với lứa tuổi và tính cách của trẻ hàng ngày.


Khi chơi đồ chơi bé không chỉ vui mà còn được gợi mở, được học, từ đó thúc đẩy sự phát triển trí tuệ và kĩ năng chơi cho bé.


Vậy chọn đồ chơi như thế nào để vừa phù hợp với tính cách, sở thích, lứa tuổi của bé mà lại có tác dụng kích thích trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo cho trẻ.


Đồ chơi thông minh ZOZO xin đưa ra một số gợi ý giúp phát triển kỹ năng theo từng độ tuổi và tính cách qua các loại đồ chơi.



1. Lựa chọn đồ chơi theo lứa tuổi


Đối với bé dưới 9 tháng tuổi:
Bé rất thích các đồ chơi có phát ra âm thanh. Trẻ sẽ quay sang những nơi nào có tiếng động và tỏ vẻ hào hứng với các âm thanh phát ra. Giai đoạn này, ba mẹ nên mua cho bé những đồ chơi có tác dụng phát triển thị giác, thính giác và các động tác của cơ bàn tay. Tuy nhiên, thính giác của bé giai đoạn này rất nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương nên âm thanh của đồ chơi không được quá lớn. Nên chọn đồ chơi to, màu sắc sặc sỡ, có âm thanh phát ra như là lúc lắc, lục lạc có âm thanh vừa phải…


Đối với bé từ trên 9 đến 15 tháng tuổi:
Bé mạnh dạn hơn khi biết vịn vào bàn ghế để tự đứng lên và đi men. Đây là giai đoạn mà ba mẹ rất vui sướng khi thấy con mình bước những bước đi đầu đời. Nên cho con làm quen với xe tập đi, xe đẩy. Ngoài ra, ở tuổi này trẻ cũng thích sự chuyển động của đồ vật, nên cho bé chơi với những con vật có dây kéo để giúp bé có hứng thú rèn luyện kĩ năng đi hay các trò lăn banh…


Đối với bé từ trên 15 tháng đến 2 tuổi:
Bé đã bi bô nói thành câu, biết cảm nhận âm nhạc và lắc lư theo điệu nhạc. Lúc này, bé đã biết sắp xếp các chi tiết đồ chơi theo thứ tự từ nhỏ đến lớn và ngược lại. Bé sẽ bắt chước ba mẹ để làm các động tác đơn giản, sắp xếp các hình khối … Bé cũng nhận biết được hình dáng hay bắt chước tiếng kêu của con vật…


Đối với bé từ trên 2 tuổi đến 3 tuổi:
Bé bắt đầu tìm hiểu về thế giới xung quanh, phân biệt màu sắc, biết so sánh vật to hơn nhỏ hơn, thích sắp xếp các hình khối theo trí tưởng tượng của mình. Bé nhận thức được hành vi của mình, thích bắt chước và tập làm theo những động tác của người lớn, tư duy của bé mang tính trực quan hình tượng. Nên mua cho bé những đồ chơi có tính chất mô phỏng lại cuộc sống xã hội như: đồ chơi nấu ăn, đồ chơi bác sĩ…


Đối với bé từ trên 3 tuổi đến 4 tuổi:
Bé bắt đầu phát huy trí tưởng tượng, học hỏi rất nhanh và nhớ lâu. Trẻ thích khám phá thế giới xung quanh, thích tìm sự phù hợp. Ở tuổi này, bé thích các trò chơi lắp ráp, xếp hình khối, xâu chuỗi hạt, phân biệt được các hình học cơ bản, đếm được số từ 1 tới 10… Nên cho bé làm quen với các con số, chữ cái có minh họa …


Đối với bé từ 4 tuổi đến 5 tuổi:
Ở tuổi này, bé đã hiểu được nội dung câu chuyện, biết đóng vai, kể chuyện, biết xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau. Bé thích các trò chơi mang tính giáo dục, trò chơi sáng tạo. Bé biết so sánh số lượng, trọng lượng... và làm quen với các số đếm hơn 1 chữ số, chữ cái… Nên cho trẻ làm quen với đồ chơi tập tính khéo léo, đồ chơi là câu chuyện, lắp ráp hình ảnh loài vật giúp dạy cho trẻ biết yêu thương, công bằng và yêu lao động … để từ đó hình thành nhân cách tốt hơn sau này.


Đối với bé từ 5 tuổi đến 6 tuổi:
Bé thích khám phá để tìm hiểu nguyên nhân và kết quả, tìm sự phù hợp quy luật, nhận biết chữ cái, số đếm mà không cần hình ảnh minh họa để gợi nhớ nữa, biết làm các phép tính và ghép các chữ cái thành từ đơn giản. Bé thích giúp mẹ làm những việc cần sự khéo léo như trang trí căn phòng… Nên cho bé phụ mẹ tập trang trí căn phòng, trang trí bàn học của mình ngăn nắp…


Trẻ từ 6-9 tuổi:
Những đồ chơi thích hợp cho trẻ độ tuổi này cần hướng dẫn trẻ các kỹ năng cụ thể để sẵn sàng cho các hoạt động nhóm và vui chơi cùng với bạn bè.


Đồ chơi thích hợp: xe đạp lớn, bóng chày, diều, đồ chơi có pin, xe scooter, dụng cụ thể thao, xếp hình (50-100 miếng). Sơn, chì sáp và đất sét, nhà búp bê, xe các loại… đều giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng và sáng tạo. Ngoài ra, các trò chơi điện tử có tính giáo dục, giúp bé học tốt cũng rất hữu ích như khái niệm về màu sắc, con số, làm toán, ghép từ, sử dụng chữ cái đánh vần…


Trẻ từ 9-12 tuổi:
Trẻ em tuổi này thường chơi cùng nhau thông qua các hoạt động nhóm, thích tìm hiểu các khái niệm khoa học và học hỏi các kỹ năng giải quyết vấn đề. Các loại đồ chơi: thủ công, làm đồ trang sức, sơn trang phục, hội họa, xây dựng, mô hình có thể giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo và tính tự lập.



2- Lựa chọn đồ chơi theo tính cách của bé.


Đối với những bé quá hiếu động:


Nên lựa chọn những đồ chơi ở trạng thái tĩnh để sửa thói quen quá hiếu động của bé.Bạn hãy mua đồ chơi xếp hình, đất nặn,… định hướng sự chú ý của bé vào tay và não để tháo, lắp ghép hình, dần dần sẽ khắc phục được thói quen hiếu động của bé.


Đối với những bé có tính nhút nhát, trầm ngâm:


Ngược lại bạn nên chọn loại đồ chơi ở trạng thái động cho những bé có tính cách nhút nhát, trầm ngâm. Đó là các loại đồ chơi như: ô tô, máy bay, xe tăng…hoặc các loại đồ chơi cần phải chơi với bạn, dần dần bé sẽ trở nên hoạt bát và nhanh nhẹn hơn.


Đối với những bé hấp tấp, vội vàng:


Hãy lựa chọn những đồ chơi mang tính chế tác để sửa tính khí nóng vội cho bé. Nên cho bé chơi một số đồ chơi tự tạo bằng giấy, gỗ, vải để bé tự tay làm các loại đồ chơi, từ từ luyện cho bé tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, không nóng vội.