Tham vấn dinh dưỡng là gì
” hay “
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi …hỏi”


Tham vấn (counselling) là một quá trình tương tác, chủ yếu thông qua đối thoại, giữa tham vấn viên và thân chủ. Trong quá trình này, TVV gợi mở cho TC trình bày, giúp TC nhận ra, đánh giá hoàn cảnh, vấn đề mà mình đang gặp phải. TVV đề ra những giải pháp có thể để giải quyết vấn đề đó. Song chọn giải pháp nào là quyền quyết định của TC, TVV không thể áp đặt hay làm thay :Surprise:


Thực tế, hoạt động tham vấn diễn ra không chỉ giữa bác sĩ hay chuyên viên với bệnh nhân, thân chủ. Ngay trên diễn đàn này, những bức xúc, khúc mắc trong cuộc sống vẫn được đưa lên và được nhiều người chia sẻ, góp ý, “thân chủ” có rất nhiều lời khuyên để suy xét và có lựa chọn của riêng mình :)


Tham vấn dinh dưỡng nhi khoa
thường là giữa bác sĩ dinh dưỡng và cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ.


Có rất nhiều yếu tố tác động lên tình trạng dinh dưỡng của một em bé. Khi khám, bác sĩ luôn cần biết:



Giới tính, ngày sinh


Cân nặng, chiều dài lúc sinh và hiện tại


Mức độ tăng cân hàng tháng từ khi sinh ra


Chế độ nuôi dưỡng từ khi sinh ra: bú mẹ, bú bình…


Thời điểm và chế độ ăn dặm: số bữa ăn, số lượng, cách thức chế biến và số lượng chất bột, chất đạm. chất béo và rau, trái cây


Thói quen ăn uống của bé: ăn xay, biết nhai, hay ói,…


Bài tiết


Bệnh tật hay mắc: hô hấp, tiêu hóa,…


Người trực tiếp chăm sóc, pha chế thức ăn và cho bé ăn


Sức khỏe cha mẹ


Quá trình mang thai


Các bệnh di truyền nếu có trong gia đình: hen suyễn, dị ứng, bệnh thận, ...


Các bệnh có tính chất gia đình: cao huyết áp, ung thư..


Hoàn cảnh kinh tế và điều kiện sống của gia đình


Trình độ học vấn của cha mẹ, người nuôi, thậm chí của người giúp việc


Quan hệ của các thành viên trong gia đình, giữa các thế hệ…



Không phải lúc nào cũng cần thiết tìm hiểu toàn bộ các yếu tố trên, song có những trường hợp chúng tôi phải hỏi rất cặn kẽ: ai pha sữa/nấu cháo, ai cho bé bú/ăn, từ đó mới tìm ra sai lầm trong cách nuôi trẻ. Nếu không nắm hoàn cảnh bệnh nhân, TVV có thể sẽ đưa thông tin “cá hồi là một trong những nguồn Omega 3 rất tốt” cho một bệnh nhân nghèo, gây mặc cảm hoặc sự oán trách ở bệnh nhân.


Một vài trường hợp trong quá trình hoạt động tham vấn:


Bà mẹ ngoài 30 tuổi, đến khám dinh dưỡng vì bé trai 10 tháng tuổi khóe mạnh bỗng nhiên không chịu ăn nữa mà chì bú bình. Trò chuyện, khi bác sĩ hỏi có gì thay đổi trong sinh hoạt hay không, bà mẹ nhớ ra rằng mấy tháng trước do bận học ôn thi thạc sĩ nên cứ pha sữa với bột cho con bú cho nhanh, bây giờ thấy cái chén là bé khóc, chỉ muốn ôm bình. Lời khuyên: mỗi bữa mẹ dùng muỗng cho bé ăn trong một cái chén mới hấp dẫn, khi bé phản đối phải dỗ dành, hết mức mới cho bú trong bình.


Bé gái 3 tháng được mẹ đưa đến khám vì gầy nhỏ, không lên cân mặc dù bú luôn hết phần sữa. Trong lúc khám, bà mẹ rút bình sữa cho con bú. Đó là loại bình cho bé uống nước mà đổ đầy hết cỡ chỉ được khoảng 50ml. Và bà mẹ đã dùng cái bình này cho bé bú từ khi mới sinh cho tới nay! Lời khuyên “dùng bình lớn nhất cho bé” không “hoành tráng” về mặt y học nhưng phù hợp nhất trong trường hợp này.


Một nữ công nhân trẻ, khoảng 26-27 tuổi, đến phòng khám với đứa con trai 1 tuổi suy dinh dưỡng. Cô nói cô nấu cháo với bột nêm cho con ăn. Bác sĩ nhẹ sĩ nhàng hỏi “Sao em không cho con ăn thịt cá?”, hai ba lần như vậy cô vẫn yên lặng. Bất chợt cô bùng lên bởi một cơn phẫn uất bất ngờ, nước mắt ứa ra: “Không ai phụ gì hết trơn. Có một mình con, làm hoài!”. Thì ra cô làm dâu trưởng trong một gia đình rất đông em chồng, mới lớn có mà đã trưởng thành cũng có, song tất cả đều ỷ lại chị dâu, đi làm về tất cả công việc nhà đều để chị làm. Lo cơm nước, giặt giũ cho cả nhà xong xuôi, bà mẹ trẻ mới nhìn được tới con thì bé đã ngủ thiếp từ lúc nào, thức ăn chẳng còn gì. Bác sĩ đã hướng dẫn cô cách chế biến thức ăn cho bé trong lúc nấu cho cả nhà, sao cho bé không bị thiếu phần mà mẹ vẫn tròn bổn phận với gia đình, đồng thời cũng khuyên cô nên kêu gọi sự giúp đỡ của chồng và các em chồng. Song thật sự tình hình cải thiện tới đâu còn tùy ở bản lĩnh của cô gái.


Như vậy, tham vấn dinh dưỡng là một quá trình tiếp xúc riêng tư và cụ thể cho từng trường hợp. Có những nguyên tắc chung về dinh dưỡng phải tuân thủ, ví dụ bú mẹ hoàn toàn tới 4 hoặc 6 tháng, chế độ ăn phải đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng,…, song ứng dụng cho từng em bé như thế nào khi bé có vấn đề (không chịu ăn, suy dinh dưỡng, thiếu chất, béo phì…) phải được xem xét kỹ lưỡng và - xin được nhấn mạnh một lần nữa - chỉ áp dụng cho em bé đó mà thôi. Ngay cả hai trẻ sinh đôi cũng có những đặc điểm khác nhau. Khi tham vấn phục hồi sữa mẹ, bác sĩ phải cầm tay chỉ cách bế bé, cách cho bé ngậm vú, có khi thực hành luôn trên…bộ ti giả.


Do tính chất cá thể của cuộc tham vấn, hỏi đáp về dinh dưỡng qua báo chí, điện thoại thường không được hiệu quả lắm, thậm chí có thể gây tác hại :mad: Một em bé 7 tháng, cân đã đạt chuẩn, song bà mẹ vẫn hỏi dịch vụ tư vấn qua điện thoại và được trả lời là “con bà bú chưa đủ lượng sữa theo lứa tuổi”. Kết quả: 2 tháng sau đứa bé đến với chúng tôi trong tình trạng béo phì, lật trườn khó khăn, thở nặng nhọc do bị ép bú thêm vượt nhu cầu thật sự.


Hiện nay, trên các diễn đàn, khả năng trao đổi, tiếp xúc đã được “trực tiếp hóa” khá cao. Khi nêu vấn đề của con mình, thông tin từ cha mẹ càng chi tiết càng giúp bác sĩ dinh dưỡng góp ý chính xác hơn :Rose: Yêu cầu thứ hai: cần có sự phản hồi của cha mẹ về kết quả đạt được :Rose: dù khá lên hay vẫn chưa như nguyện. Không thể đặt niềm tin là tình hình sẽ cải thiện ngay sau lần khám dinh dưỡng duy nhất. Thói quen sinh hoạt, ăn uống không bao giờ thay đổi ngày một ngày hai. Sự đáp ứng của cơ thể cũng vậy. Do đó, các bậc phụ huynh không nên cho rằng chỉ một lần tiếp xúc với bác sĩ là đủ. Mặt khác, ‎ý kiến đóng góp của cha mẹ sẽ cho chúng tôi thêm kinh nghiệm, giúp ích cho các bé khác.


Được sự tham gia của các bác sĩ, chuyên viên dinh dưỡng và phụ huynh, hy vọng chủ đề này phần nào đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, giải tỏa lo lắng bức xúc của các bậc cha mẹ :Rose: :Rose: :Rose: