Ông bà nói “chẳng có cái ngu nào giống cái ngu nào” đúng thật chẳng sai. Nhưng sai thế nào nhằm lúc có bầu mà phạm phải thì đáng trách phải không các mẹ?



Hồi em có bầu đứa thứ hai là lúc đứa con đầu chỉ vừa mới ăn thôi nôi được 1 tháng. Do vợ chồng em lúc đó kinh tế rất khó khăn, còn em thì nghỉ việc ngang chừng giữa lúc bầu bí nên không đào đâu được tiền dư. Cả nhà 3 người, thêm đứa con trong bụng nữa là 4 chỉ trông hết vào đồng lương còm cõi của chồng.



Lúc đó, em ra quyết định nuôi cho đứa ở ngoài trước rồi tính đứa ở trong sau. Nghĩ gì là làm nấy, em tiết kiệm nào là tiền sữa bầu, tiền thuốc sắt, thuốc canxi rồi axit folic, thậm chí chẳng dám chích uốn ván trong mấy tháng đầu và mấy tháng cuối. Ngay cả những lần đi khám thai, siêu âm em cũng cắt xén bớt để tiết kiệm.



Cũng may, ở bên nhà nội, được bà chăm cho miếng ăn đầy đủ nên em cũng cố dùng đầu này để bù đắp thiệt thòi cho con.



Đến lúc sinh, thằng con ra ngoài nặng đến 3,6kg dù mẹ cân trước lúc sinh chỉ nặng 42kg. Ai cũng mừng em sinh được thằng con bụ bẫm.



Rồi con cứ lớn dần, lớn dần cho đến năm 2 tuổi.



Mấy đứa cháu ở nhà mới 1 tuổi đã bập bẹ nói bi ba, bi bô cả ngày. Còn con em thì ít khi mở miệng nói phát ra được từ nào. Ngay cả những “ba”, “mẹ” con gọi cũng yếu ớt và ngòng ngọng thành ra như “a”, “ẹ”. Nhìn con chậm chạp và khó nhọc phát âm từng tiếng mà nhiều lúc em chẳng dám ngủ. Cứ nghĩ đến lúc con còn nằm trong bụng, chịu thiệt đủ điều mà trách mình sao dại đến thế.



Buồn nhất là cả nhà nội chẳng xem đó như chuyện lớn mà suốt ngày cứ lôi thằng bé ra ghẹo “Bi éc-pô, Bi éc-pô”. Ban đầu, chẳng hiểu từ “ec-pô” này là gì, em cho qua. Sau, nghe phong thanh có người ở quê nhà nội thằng bé bị ngọng nói cái từ gì đó mà bị chệch ra từ này nên em chẳng nhịn đươc nữa. Có bữa, chú tư nó gọi, em đáp thẳng thừng luôn:



- Con anh chị, anh chị đặt tên đàng hoàng. Muốn gọi thì gọi tên anh chị đặt, còn không thì đừng mở miệng gọi bừa!



- Chị làm gì đanh thế, em chỉ chọc tí thôi!



- Đùa gì thì chị cũng cho qua, còn đùa vậy thì không!



Dù biết chú phật lòng nhưng là con em, em phải bênh chứ! Gặp tính nóng nảy, bồng bột như lúc trước, em còn chẳng dám nói trước điều gì đâu ấy! :7:



Mà cũng thật thằng bé ít nói, cứ như câm, khi nói thì lại bị ngọng nên đi đâu ai cũng chọc ghẹo. Độc mồm hơn, có người còn hỏi khéo “Thằng bé có bình thường không? Coi chừng tự kỷ mà không biết”. Thật ra, em thừa biết ít nói, chậm nói là một dấu hiệu của bệnh tự kỷ nên mỗi lần nghe ai nói đến con mình là em cứ rụng rời tay chân. Nhưng em vẫn không muốn tin vào sự thật này và không muốn phải bế con để đi đến các trung tâm phục hồi để trị liệu.



Mặc dù vậy, cuộc giằng co bên trong trái tim của một người mẹ vẫn rất dữ dội. Nhiều khi, chỉ vừa thấy con ngồi chơi một mình là em rùng người, lật đật kéo thằng bé ra ngoài tìm thằng con lớn để chúng nó chơi chung. Lắm khi con gọi “cái kéo” thành “ái cúi” em như muốn rớt cả nước mắt vì thấy mình bất lực. Có khi con lặp lại lời mẹ, tim em cũng hồi hộp…



Em cũng đã cố dạy con tập đánh vần nhưng con cũng không thể bắt chước. Tất cả những điều này cứ ngày đêm đay nghiến em.



webtretho




Bẵng đi khoảng 8 tháng từ khi em cho con đi học mẫu giáo, thằng bé trở nên khác hẳn. Dù con cũng còn lơ lớ một vài từ nhưng thằng bé đã diễn giải được ý muốn của mình cho người khác bằng những câu dài. Thậm chí, khi chơi trò xếp hình, chơi trò đóng giả vai, em còn thấy con sáng dạ và có nhiều ý kiến thông minh hơn cả thằng anh.



Hôm nay, vô tình lại đọc được bài viết về “Hội chứng Einstein”, em càng mừng hơn vì thấy con mình sao có nhiều đặc điểm giống quá đi! :79::79:Mẹ nào có con chậm nói như em vào xem xem. Tất nhiên, chúng chỉ là thông tin tham khảo còn khả năng con ra sao còn phải đợi thời gian trả lời. Nhưng có đọc mới thấy mình như tiếp thêm sức mạnh để tin vào tương lai của con mẹ ạ!



Chậm biết đi vệ sinh: Những trẻ chậm nói thường gặp khó khăn trong việc hòa nhập với bạn bè và có dấu hiệu chậm biết cách tự đi vệ sinh. Theo nghiên cứu, độ tuổi trẻ biết đi vệ sinh phải đến 3 tuổi rưỡi hoặc 4 tuổi rưỡi các mẹ ạ!


Gia đình của trẻ có những điểm khác thường: Những đứa trẻ chậm nói nhưng thông minh hơn người thường có bố mẹ là những người có kỹ năng phân tích tốt. Không chỉ vậy mà người thân trong họ hàng và bố mẹ cũng thường là những người gắn bó với các ngành nghề khoa học, toán học hoặc kỹ sư.


Khả năng ghi nhớ siêu phàm từ nhỏ: Khả năng ghi nhớ của trẻ chậm nói trong “Hội chứng Einstein” cũng thuộc vào loại siêu phàm các mẹ ạ!


Khả năng phân tích xuất sắc: Khi lớn hơn, trẻ có thể giải được những câu đố có độ khó cao, chỉ số IQ của trẻ đo được cũng ở mức vượt chuẩn. Từ lúc 2 tuổi, trẻ đã có thể giải được những câu đó khó một cách dễ dàng. Đặc biệt, rất thích các hoạt động vui chơi và học tập gắn liền với những con số, mô hình.


Khả năng tập trung cao độ: Một khi đã quan tâm đến điều gì đó, khả năng tập trung của những đứa trẻ “Hội chứng Einstein” đạt đến 100%. Đây là điều rất hiếm khi xảy ra với những trẻ khác.


Có chọn lọc về sở thích: Các bé “Hội chứng Einstein” thường rất thích âm nhạc và các bộ môn mang tính sáng tạo cao. Lúc nhỏ, trẻ có vẻ lạc lõng với các bạn cùng lớp vì điều này nhưng tài năng của các bé sẽ tỏa sáng.


Ý chí mạnh mẽ: Những đứa trẻ “Hội chứng Einstein” có tính cách khá khác biệt. Cụ thể, chúng rất bướng bỉnh. Một khi đã không thích điều gì, chúng sẽ ngay lập tức nói ra và chẳng ai có thể làm chúng thay đổi sở thích.


Trên đây là kết quả nghiên cứu về những đứa trẻ chậm nói nhưng sáng dạ của Thomas Sowell. Cuốn sách đề cập đến nó có tựa là “The Einstein Syndrome: Bright Children who Talk Late”, tạm dịch “Hội chứng Einstein: Những đứa trẻ sáng dạ chậm nói”. Sở dĩ ông gọi tên hội chứng này như vậy vì bản thân nhà khoa học Einstein lúc bé chỉ biết nói vào năm lên 4 tuổi và các bé trong nhóm đối tượng nghiên cứu của ông cũng có những đặc điểm tương tự như nhà khoa học nổi tiếng này.



Mẹ nào muốn biết thêm về “Hội chứng Einstein” này xin thảm khảo thêm thông tin em tìm hiểu dưới đây ạ!



Thomas Sowell đã nghiên cứu hai nhóm trẻ em chậm nói (một nhóm có 46 trẻ, một nhóm có 239 trẻ) và nhận ra một trong hai nhóm này đặc biệt sáng dạ và có những trải nghiệm tương tự như những gì thế giới ghi nhận về Albert Einstein.



Trẻ có “hội chứng Einstein” gặp khó khăn trong giao tiếp bằng ngôn ngữ lời nói vào những năm đầu đời. Phần lớn các bé chỉ biết nói khi được 3 tuổi và nói sõi vào năm lên 4.



Để lý giải cho điều này, Sowell đặt một giả thuyết rất thú vị rằng: Những đứa trẻ này phải dành thời gian để hoàn thiện khả năng của bán cầu não trái trong việc phát triển các kỹ năng phân tích cấp cao cũng như nhường chỗ cho những tế bào não khác phát triển trước khi hoàn thành kỹ năng ngôn ngữ. Sowell cũng cho rằng “hội chứng Einstein” chỉ tập trung ở các bé trai là chủ yếu và yếu tố di truyền là đóng một vai trò nhất định.









webtretho


Hình ảnh chỉ mang tính minh họa