Chẳng biết từ đâu có nhiều người lại bảo bà bầu uống sữa đậu nành sẽ khiến con vô sinh. Nhưng có một sự thật chắc chắn rằng nhiều bà mẹ đã phải bỏ qua loại thức uống giàu dinh dưỡng này vì những lời đồn đoán chưa đủ cơ sở để kết luận.


Chị Ngọc mang thai tháng thứ 3, trước lúc có bầu chị vẫn hay uống sữa đậu nành mua của hàng quen. Chẳng biết chồng chị nghe các chị em ở cơ quan nói thế nào mà về nhà cấm tiệt vợ đụng đến món thức uống yêu thích nhiều năm vì lý do "Uống cho lắm vào cho con vô sinh làm sao?". Chị Ngọc ấm ức nhưng vẫn phải nghe theo chồng vì không muốn cảnh nhà xào xáo, vợ chồng bất hòa.


Sữa đậu nành là thức uống bổ dưỡng cho mẹ bầu


Sở dĩ có tin đồn này là do đậu nành dồi dào isoflavone, giống với hormone nữ estrogen. Và người ta cho rằng estrogen trong isoflavone làm ảnh hưởng đến giới tính thai nhi. Cụ thể nó sẽ làm teo tinh hoàn, giảm khả năng sinh sản ở bé trai. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này. Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2001 do tiến sĩ Daniel Doegre cùng đồng nghiệp tiến hành cũng đã chứng minh, không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy isoflavone trong đậu nành có thể hấp thu qua nhau thai làm ảnh hưởng đến thai nhi.


Đậu nành giàu calo, đạm, chất xơ, nước, chất béo. Loại đậu này cũng rất dồi dào hàm lượng các vitamin nhóm B và các khoáng chất quan trọng như canxi, sắt, magie, kali, phốt pho… Sữa đậu nành không chỉ giúp tăng cường năng lượng, bổ sung protein, chất xơ… mà còn cung cấp một lượng canxi dồi dào giúp chống lại tình trạng thiếu hụt canxi, gây ra loãng xương. Chứa nhiều dưỡng chất quan trọng, sữa đậu nành là loại thức uống rất tốt cho mẹ bầu để thai kỳ khỏe mạnh hơn.


1/ Những lợi ích mẹ bầu và thai nhi nhận được khi mẹ uống sữa đậu nành trong thai kỳ


- Với những mẹ bầu bị dị ứng với thành phần lactose trong sữa bò, thì sữa đậu nành là sự thay thế hoàn hảo nhất.


- Protein trong sữa đậu nành là nguồn protein thực vật, rất tốt cho sức khỏe, phòng ngừa các bệnh về tim mạch.


- Với các mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, sữa đậu nành là lựa chọn không thể tốt hơn để kiểm soát bệnh.


- Sữa đậu nành giàu hàm lượng vitamin K1, một vitamin đóng vai trò quan trọng trong việc làm đông máu.


- Đậu nành có chứa folate, không chỉ giúp phát triển trí não thai nhi mà còn ngăn ngừa các dị tật ống thần kinh, tủy sống thai nhi.


- Sữa đậu nành cũng dồi dào chất xơ, giúp ngăn ngừa táo bón, kiểm soát đường huyết, tránh nguy cơ tiểu đường thai kỳ.


- Lượng canxi dồi dào trong sữa đậu nành giúp thai nhi cao lớn, tránh các dị tật về xương; giúp mẹ vượt qua các triệu chứng thai kỳ do tình trạng thiếu hụt canxi trong thai kỳ như: tê chân tay, chuột rút, răng ê buốt, cơ thể mệt mỏi, loãng xương…


Tuy sữa đậu nành rất tốt nhưng mẹ không nên uống quá nhiều trong thai kỳ


2/ Những điều cần lưu ý khi uống sữa đậu nành trong thai kỳ


Dù sữa đậu nành rất tốt cho sức khỏe khi chứa nhiều dưỡng chất quan trọng, nhưng mẹ bầu cần lưu ý những điều dưới đây để tránh những tác hại khôn lường.


- Không uống quá nhiều sữa đậu nành: Sữa đậu nành nhiều chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu uống quá nhiều sữa đậu nành có thể gặp trình trạng đầy hơi, khó tiêu. Mỗi ngày chỉ nên uống khoảng 500ml sữa đậu nành.


- Cẩn thận với sữa đậu nành khi có vấn đề về tuyến giáp: Với những mẹ có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh về tuyến giáp, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định uống sữa đậu nành, vì đậu nành có thể làm suy giảm chức năng tuyến giáp, ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi.


- Nên nấu kỹ sữa đậu nành: Trong đậu nành có chất saponin, nếu không được nấu chín có thể gây nhiễm độc, buồn nôn, nôn, tiêu chảy… Mẹ bầu có thể nấu sữa sôi 100 độ, sau đó giảm lửa và đun thêm 5-10 phút để đảm bảo sữa thật chín. Trong quá trình đun nấu, mẹ nên mở vung nồi để những chất độc hại trong sữa bốc hơi.


- Không uống sữa đậu nành khi ăn trứng hoặc uống chung với trứng: Nếu mẹ bầu ăn trứng cùng sữa đậu nành hoặc ăn trứng gần thời điểm uống sữa đậu nành, thì protein trong trứng kết hợp với men trypsin trong sữa đậu nành sẽ tạo ra chất kết tủa, có hại cho hệ tiêu hóa.


- Không uống sữa đậu nành khi đói: Mẹ bầu uống sữa đậu nành lúc đói có thể làm cho các protein thay đổi thành nhiệt và tiêu thụ trong cơ thể, làm cho các dưỡng chất không phát huy hết tác dụng. Mẹ có thể ăn các thức ăn giàu tinh bột khi uống sữa đậu nành để dinh dưỡng trong sữa được hấp thu trọn vẹn.


- Không pha sữa đậu nành với đường nâu: Trong đường nâu có chứa các axit hữu cơ, khi kết hợp với protein trong sữa đậu nành sẽ phá hủy dinh dưỡng vốn có trong sữa.


- Không uống sữa trong thời gian quá dài: Mẹ bầu uống sữa trong thời gian quá dài có thể phải đối mặt với nguy cơ thiếu kẽm mà kẽm là thuốc bổ cho hệ tiêu hóa và trí não của thai nhi. Nếu thiếu chất này sẽ khiến con kém phát triển.


- Nếu mẹ bị viêm dạ dày, đừng uống sữa đậu nành: Mẹ bầu bị viêm dạ dày uống sữa đậu nành có thể làm cho dạ dày bị kích thích tiết axit, gây đầy hơi, không có lợi cho tiêu hóa.