Sống an phận không phải là bài học cha mẹ nên dạy con nhỏ, nếu muốn con ngày sau làm nên chuyện lớn.

An phận thủ thường, biết thân biết phận, dĩ hòa vi quý, đó đều là những bài học ông bà, cha mẹ hay dạy trẻ con. Vì sao? Trong mắt người lớn, như vậy con sẽ có cuộc đời ít sóng gió, an toàn. Nhưng thời đại ngày nay, trừ khi con mãi sống trong vòng tay cha mẹ, còn nếu ra đời, tư tưởng an phận sẽ có thể hại ngược lại con.

Nói hơi thô nhưng thật ạ các mẹ, xưa 1 điều nhịn 9 điều lành, nay 1 điều nhịn có thể là “9 đứa leo lên đầu”. Không phải lúc nào an phận cũng tốt. Tức nhất là những bậc cha mẹ gieo vào đầu con 4 ý nghĩ nhún nhường. Tưởng thế là dạy con thành người tốt, bậc hiền nhân. Đâu có ngờ, tự tay bít đường tương lai con, không cho con cơ hội phát triển.

Ai đang dạy con theo 4 tư tưởng dưới đây thì bỏ ngay đi ạ.

Đừng quá hơn thua, tranh giành

Chán nhất là những câu nói nhụt chí, con chưa kịp làm đã bàn ra, bàn lùi, lo thất bại, gieo rắc ý nghĩ nhún nhường thì mãi mãi chẳng làm được gì cả. Dạy con không hơn thua, tranh giành, vậy thì con sẽ đạt được gì? Không tranh giành, liệu con có được công việc tốt giữa hàng trăm ứng viên, làm gì có chuyện ngồi yên mà có việc.

hình ảnh

Ảnh QQ

Không hơn thua, vậy cần gì người ta xếp hạng nhất lớp và bét lớp. Khuyên con đừng hơn thua với đời, kết cục có những đứa trẻ chẳng có chí tiến thủ. Lớn lên đi làm 10 năm, lương vẫn như hồi mới ra trường.

Nghiêm trọng nhất là việc dạy con an phận, không tranh giành vô tình biến con thành kẻ lười biếng, thích sống trong vùng an toàn. Một người không cầu tiến, không có ý muốn vươn lên thì chẳng ai ở ngoài kéo thay đâu.

Tiết kiệm hết mức, nhà mình nghèo lắm

Dạy con dùng tiền đúng lúc, đúng chỗ, không phung phí chứ không phải là dè sẻn, keo kiệt hết mức.

hình ảnh

Ảnh QQ

Cha mẹ phải cẩn thận khi dạy con tiết kiệm. Vì có thể khiến con mặc cảm, tự ti với gia cảnh hoặc trở thành một đứa trẻ hám lợi, xem trọng đồng tiền.

Chỉ cần bản thân không sao là được

Khi con còn nhỏ, những người lớn tuổi luôn dạy rằng nếu người khác đánh nhau thì phải tránh xa. Đúng là sự an toàn của con cái luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Nhưng lại quên mất dạy con lên tiếng khi có sự vô lý, bất công. Lúc nhỏ thì tránh xa chỗ đánh nhau để an toàn. Lớn lên lại nép mình, tránh né khi bị người khác chèn ép.

Người lớn nói, trẻ con không cãi lại

Một đứa trẻ răm rắp nghe lời là niềm tự hào của cha mẹ, họ khoe rằng đã dạy được đứa con ngoan. Nhưng không biết rằng vô tình gieo vào đầu con cảm giác tuân lệnh và phục tùng. Sau này, chỉ cần có người mạnh miệng lấn át con, con sẽ khuất phục.

Việc bị bắt ép nghe lời tuyệt đối sẽ trở thành chuẩn mực đối với những đứa trẻ mềm yếu. Con sẽ mất đi ý nghĩ tranh luận, mất đi suy nghĩ riêng và không biết cách nói ra điều mình muốn. Những đứa trẻ như vậy chỉ có thể sống theo ý người khác, hoàn toàn không biết bản thân muốn gì.

hình ảnh

Ảnh Kleutergewijs

Cha mẹ gieo vào đầu con ý nghĩ nhún nhường, mục đích là tốt cho con, muốn đời con bình an, bớt va chạm. Nhưng đời đâu đơn giản như vậy, nhiều khi ngồi yên nhưng thị phi tự đến cửa. Nếu chỉ dạy con nhường, quên không dạy con phản kháng thì con sẽ chịu thiệt thòi.

Có bao nhiêu người trong chúng ta từng phải trách mình vì sao không phản kháng, vì sao không có một chút tiếng nói nào khi có chuyện? Chính vì lối giáo dục của thế hệ trước mà những đứa trẻ cãi lại được xem là trẻ không ngoan. Còn những đứa trẻ cha mẹ bảo sao nghe vậy thì được khen ngợi hết lời. Liệu cách giáo dục con như vậy có hiệu quả hay không, có lẽ không ít người trong số chúng ta đã có câu trả lời.