Siêu âm là một phần không thể thiếu trong suốt thai kỳ. Nhưng phải siêu âm thế nào để mang lại kết quả tốt nhất mà không gây hại đến con?


Khi mang bầu, mẹ tuyệt đối không nên chủ quan bỏ qua những lần siêu âm hay khám thai để đảm bảo bé luôn được phát triển bình thường và không gặp nguy hiểm. Dưới đây là những mốc siêu âm quan trọng nhất các bác sĩ đã khuyến cáo chị em phụ nữ mang thai tuyệt đối không được bỏ qua.


Siêu âm thai để làm gì và khi nào nên bắt đầu siêu âm?


Siêu âm thai là một hình thức thăm khám sử dụng các sóng âm thanh đến cơ thể sau đó phản xa lại hình ảnh trên màn hình. Siêu âm sẽ ghi lại được hình ảnh của con trong bụng, từ đó giúp cho mẹ có thể thấy rõ được tình trạng hiện tại của thai nhi, các chỉ số phát triển, kích thước và độ tuổi của thai nhi. Bên cạnh đó, một tác dụng không thể không kể đến là siêu âm sẽ biết trước được liệu bé có bị dị tật bẩm sinh hay không để các bác sĩ tìm hướng khắc phục kịp thời và đảm bảo thai kỳ an toàn nhất cho thai phụ.


Thông thường, lần siêu âm đầu tiên nên thực hiện vào thời điểm khoảng 3 tuần sau khi trễ kinh và có các triệu chứng mang thai như ốm nghén, mệt mỏi, đau lưng, ra máu âm đạo,… Lần siêu âm đầu tiên này sẽ giúp mẹ xác đinh được chính xác liệu mình có đang mang thai hay không, thai nhi đã được mấy tuần tuổi và tình trạng phát triển đang ở mức ổn định hay bất thường. Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ giúp mẹ thăm khám và phát hiện ra những bệnh như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, tim sản,… Tùy mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ nên tiếp tục hay chấm dứt thai kỳ để có thể nghỉ ngơi, bồi dưỡng chuẩn bị cho lần mang thai tiếp theo.


Hiện nay, chưa có một nghiên cứu nào chứng minh được siêu âm sẽ gây tổn hại đến thai nhi nhưng các mẹ bầu cũng nên hạn chế và không được lạm dụng việc siêu âm quá nhiều lần. Khoa học đã chứng minh những bà mẹ “nghiện” siêu âm, siêu âm bừa bãi sẽ sinh con nhẹ cân, còi cọc và yếu ớt hơn hẳn các trường hợp bình thường khác.


Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài siêu âm 2D còn có hình thức siêu âm 3D, 4D sẽ giúp thai phụ nhìn thấy hình ảnh của con rõ nét và trọn vẹn hơn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu muốn biết tuổi thai, trọng lượng kích thước thì siêu âm 3D, 4D sẽ không cho ra kết quả chính xác như siêu âm 2D. Trước khi siêu âm, mẹ bầu nên uống khoảng 2-3 ly nước và nhịn tiểu vì việc này sẽ khiến bàng quang căng ra, siêu âm dễ dàng và kết quả cũng chính xác hơn.


Những mốc siêu âm quan trọng mẹ bầu tuyệt đối không nên bỏ qua


Ngoài lần siêu âm đầu tiên vào khoảng 3 tuần sau khi chậm kinh như trên đã đề cập, vẫn còn một số thời điểm nhất định mẹ bầu nên lưu ý đừng quên đi khám thai và siêu âm để có thể bảo đảm cho sự phát triển an toàn và khỏe mạnh của thai nhi suốt 9 tháng 10 ngày. Và các mốc siêu âm thai quan trọng khác bao gồm:


- Khi thai được 12 tuần tuổi: Đây là thời điểm đặc biệt và vô cùng quan trọng. Dựa vào kết quả lần siêu âm này, mẹ có thể biết mình mang đơn hay đa thai. Tuổi thai nhi cũng sẽ được xác định chính xác ở thời điểm này và cũng nhờ đó có thể dự đoán ngày sinh cho mẹ bầu chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Ngoài ra, tại mốc thời gian này, bác sĩ có thể nhận biết những bất thường về nhiễm sắc thể dẫn đến tình trạng đột biến gen, bệnh Down, dị dạng tim,… nhờ biện pháp đo khoảng sáng sau gáy.


- Khi thai được 16 – 19 tuần tuổi: Lúc này hình ảnh của thai nhi sẽ hiện ra rõ ràng hơn. Nhờ đó tình trạng sức khỏe của bé sẽ được chẩn đoán chính xác để mẹ biết rằng bé đang đủ hay cần bổ sung thêm dinh dưỡng. Các dị tật bẩm sinh cũng sẽ dần được chẩn đoán trong lần siêu âm này.


- Khi thai được 22 tuần tuổi: Mọi dị tật như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng nội tạng,… sẽ được phát hiện chính xác trong mốc thời gian này do cơ thể thai nhi đã hình thành gần như hoàn chỉnh. Bên cạnh đó siêu âm lúc này cũng khảo sát thêm về bánh nhau, nước ối để chuẩn bị cho giai đoạn sinh nở.


- Khi thai 32 – 36 tuần tuổi: Giai đoạn này dễ xảy ra tình trạng sinh non nên các bác sĩ sẽ giúp mẹ xác định được ngày dự sinh. Siêu âm thực hiện nhiệm vụ đánh giá được tình trạng phát triển có phù hợp với tuổi thai hay không, đã đủ hay còn cần bổ sung dinh dưỡng nào khác để mẹ kịp thời điều chỉnh. Ngoài ra, siêu âm thời điểm này còn xác định ngôi thai và độ ổn định của vị trí nhau cũng như nước ối.


- Gần đến ngày sinh: Thêm một lần nữa bác sĩ sẽ xác nhận lại tình trạng sức khỏe thai nhi, vị trí ngôi thai, nhau, nước ối, ước lượng chiều dài cân nặng để xem xét liệu lần sinh nở này có khó khăn trở ngại gì hay không. Từ đó họ sẽ tư vấn cho mẹ lựa chọn phương pháp sinh thường hay sinh mổ cũng như bệnh viện nào để trải qua cuộc vượt cạn tốt nhất.


Như vậy, có tất cả 6 mốc siêu âm quan trọng mà mẹ cần thiết phải thực hiện trong thai kỳ. Nếu bỏ qua thời điểm này mẹ sẽ không thể nào thực hiện được một số xét nghiệm, đo đạc cần thiết để nhận định tình hình thai nhi. Do đó, mẹ nhớ lịch siêu âm để đừng bị sót những mốc quan trọng trên đây nhé!