Dạy con học từ lạ đến quen, từ không quen đến thích, từ thích đến tự ý thức ngay từ tuổi mầm non, lớn lên con tự tin, nhanh thành công.

Hiện nay, rất nhiều phụ huynh vẫn còn suy nghĩ chỉ cần gửi con đến trường, mọi thứ cô giáo sẽ lo. Chính điều này làm giáo viên rất vất vả trong chuyện dạy dỗ, chăm lo cho học sinh, mà chính đứa trẻ cũng sẽ khó có thể trở nên ngoan ngoãn, vâng lời. Cha mẹ nào cũng muốn con mình khi trưởng thành sẽ là một người tốt. Tuy nhiên, không ít người lại chẳng có ý thức giáo dục đúng cách từ sớm cho con.

Thực sự mà nói, việc giáo dục trẻ ngay tại giai đoạn mầm non, mẫu giáo không chỉ là trách nhiệm của mỗi nhà trường, mà nền tảng đầu tiên giúp đứa trẻ có những bước chân vững vàng chính là gia đình. Sự dạy dỗ của gia đình quyết định thế giới quan, tính cách và cả nhận thức của một đứa trẻ.

Cô Liu và chồng chỉ có một cậu con trai duy nhất. Do là con một nên cậu bé được cưng chiều hết mực. Trong khi các bạn cùng lứa tuổi đã đi học từ sớm thì con trai cô Liu phải đến tận 4 tuổi hơn mới đến trường lần đầu.

Tuy nhiên, vì bố mẹ quá nuông chiều, muốn gì được nấy nên con trai cô Liu rất không biết phép tắc. Tại lớp học, các cô giáo đã phải hết sức vất vả vì cậu bé không thể tự mình làm bất cứ thứ gì, từ việc ăn uống, mặc quần áo, đi vệ sinh,...  tất cả đều một tay cô giáo phải chăm bẵm vô cùng mệt mỏi. Chưa kể cậu bé còn rất thích bày trò trêu chọc các bạn khác khiến lớp học rối tung lên, lớp có 3 giáo viên mà hết 2 cô giáo phải chạy theo cậu bé suốt cả ngày. Khi bị cô giáo phạt, con trai cô Liu thường làm loạn lên, la hét rất to và nhất quyết không nghe lời, càng dỗ dành, cậu bé sẽ càng lăn lộn trên đất và khóc to hơn khiến giáo viên chẳng biết phải làm sao. Chính vì sự ngỗ ngược này, đến buổi học thứ 5, con trai cô Liu đã bị trường chính thức cho thôi học.

Ban đầu, người mẹ vô cùng tức giận, cho rằng giáo viên ở trường học này thật kém chất lượng, tại sao có thể cho thôi học một đứa trẻ chỉ mới hơn 4 tuổi? Thế nhưng sau khi nghe cô giáo trình bày, đồng thời xem lại những đoạn video cắt từ camera trong lớp học, cô Liu mới nhận ra rằng mình đã nuông chiều con quá mức. Điều đó khiến cậu bé dần trở thành một đứa trẻ không biết lễ độ, ích kỷ và chỉ biết nghĩ đến bản thân.

Cô Liu trước đó cũng biết con của mình thường hay cãi lời, nhưng nghĩ rằng với con nít thì chuyện này quá sức bình thường, cứ gửi đi học, được cô giáo dạy dỗ uốn nắn con sẽ tự động ngoan. Thế nhưng người mẹ đã quá sai lầm vì việc giáo dục một đứa trẻ không phải là trách nhiệm của mỗi mình nhà trường. Vì thực tế ở mỗi lớp học có đến vài chục học sinh nhưng lại chỉ có 2 - 3 cô giáo. Cô giáo không phải là bảo mẫu, không thể chăm chút cho từng em một mà hoàn toàn bỏ mặc các em học sinh khác.

Cuối cùng, cô Liu đành mang con trai về nhà, quyết tâm nghiêm khắc dạy dỗ lại con trước khi quá muộn. Nếu người mẹ này nhận ra vấn đề từ sớm, biết giáo dục con đúng chuẩn trước khi gửi đến trường thì có lẽ tỷ lệ con trai của cô bị thôi học sẽ không cao như vậy.

Câu chuyện cho chúng ta thấy một điều, trẻ nhỏ như một cái cây. Cây càng non càng dễ uốn nắn, tạo hình và không bao giờ là quá sớm để tạo cái cây thành hình như ta mong muốn. Bố mẹ nếu muốn con ngoan ngoãn, hiểu chuyện, có nhân cách tốt thì cần chấn chỉnh, dạy dỗ con từ sớm. Khi có được cái nền này, trẻ đi học mầm non, mẫu giáo sẽ tiếp tục được học hỏi thêm nhiều điều mới và sẽ ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.

Theo một người mẹ có con chuẩn bị học mầm non thì cô giáo quen với chị có chia sẻ những điều con sẽ được dạy sớm khi đến trường mẫu giáo, giúp con nhanh thích nghi, đồng thời trưởng thành dần trong tính cách. Với 3 điều trẻ được dạy sớm ở tuổi mầm non này, con sẽ được hưởng lợi cả đời chứ không chỉ là khi đi nhà trẻ.

Từ lạ đến quen

Đầu tiên khi đi mẫu giáo, con sẽ bước vào nơi hoàn toàn xa lạ, lúc này con sẽ được học bài học đầu tiên là từ lạ đến quen. Rõ ràng con thích những đồ chơi trước mặt, thích các bạn nữa nhưng con lại sợ, có thể con sẽ nép vào một góc, không dám nói chuyện với ai.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: QQ

Cô giáo sẽ chú ý đến những bé này, đến an ủi con, giúp con mạnh dạn hơn, buông bỏ cảnh giác và bắt đầu chơi. Khi con mạnh dạn hơn, sẽ bắt đầu có bạn đến làm quen, chơi chùng con, dần dần lớp mẫu giáo từ lạ thành quen, những ngày đi học sau con không sợ nữa.

Theo cô giáo thì mẹ có thể dạy con trước từ lạ thành quen ngay từ 1 – 3 tuổi, bằng cách cho con tiếp xúc với những đứa trẻ khác, đưa con đến khu vui chơi và chơi đồ chơi cùng con để trẻ làm quen dần việc giao lưu cùng người khác.

Đừng lo lắng con sẽ không thể hòa nhập thích nghi vì trẻ nhỏ làm quen với môi trường mới rất nhanh. Mẹ sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh tượng con đang lúng túng, sợ sệt khi nhìn thấy bạn mới, nhưng chỉ chừng vài chục phút sau, con đã có thể cùng ngồi chơi với bạn như đã quen biết từ rất lâu. Quá trình từ lạ đến quen có xảy ra nhanh hay không phụ thuộc vào tính cách của mỗi bé, thế nên mẹ cần kiên trì tập cho con.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: ossi

Từ quen thuộc đến thích

Với trẻ thế giới xung quanh đều là những thứ mới lạ, con cần được làm quen dần, và muốn con từ quen đến thích, mẹ cần kiên nhẫn cho con thời gian. Việc rèn cho con từ quen đến thích sẽ giúp con biết trân trọng những điều có giá trị với con.

Đồng thời, từ quen đến thích sẽ giúp con học tập, làm việc đạt hiệu quả cao hơn. Ví dụ, khi đi mẫu giáo con về kể mình thích nhất là hát, mẹ có thể khuyến khích con hát cho mẹ nghe những bài cô giáo dạy, nếu nhận thấy trẻ có năng khiếu, mẹ có thể đăng ký thêm lớp hát cho con. Và mẹ nhớ đừng quên khen con nếu con hát trôi chảy, thuộc lời.

Bằng cách này, con sẽ phát triển từ quen thuộc đến thích với những bài hát ở lớp mẫu giáo, từ đó hào hứng đi học mỗi khi đến giờ.

Phát triển từ thói quen đến tự ý thức

1. Sự bền bỉ

Khi con đã quen dần với trường mẫu giáo và thích nơi này, cái mẹ cần làm cho con là biến việc đi học thành tự giác, bền bỉ thực hiện việc đi học của mình. Ví dụ, dù mưa gió mẹ vẫn cố gắng đưa con đi mẫu giáo. Khi cô giáo giao bài khó, mẹ cùng con làm đến khi xong thì thôi. Việc rèn luyện sự bền bỉ sẽ giúp con ý thức được đã làm việc gì thì làm đến cùng.

Rất nhiều mẹ khi thấy con gặp đôi chút khó khăn đã lao ra gánh giùm con, hoặc quá bao bọc che chở khiến đứa trẻ dần mất đi sự kiên nhẫn và tính bền bỉ. Không những thế, trẻ còn dễ trở nên ích kỷ, ỷ lại và dựa dẫm vì đã có quá nhiều người ở bên cạnh hỗ trợ, giúp đỡ.

Mẹ nên nhớ rằng, sự bền bỉ vô cùng quan trọng đối với mỗi đứa trẻ trong cuộc sống. Ở tương lai, khi con đi học những lớp lớn hơn hoặc đi làm, chắc chắn sẽ có những lúc khó khăn bủa vây. Lúc này, nếu trẻ có tính bền bỉ, nhẫn nại và ý chí quyết tâm vượt khó thì tỷ lệ thành công con đạt được sẽ cao hơn rất nhiều.

2. Giữ trật tự

Đến lớp, con sẽ được dạy về việc giữ trật tự, xếp hàng và chờ đợi đến lượt mình, không vội vàng, tranh giành. Điều này rất tốt vì dạy con thành trẻ ngoan, trật tự, nề nếp và giữ được cho đến khi lên tiểu học, trung học.

Nhiều người không biết rằng, bài học về sự kỷ luật, thói quen giữ trật tự là vô cùng cần thiết đối với cuộc sống thường ngày của con. Theo đó, trẻ càng biết giữ trật tự, có thói quen văn minh nơi công cộng từ sớm thì nhân cách của con sẽ ngày càng được hoàn thiện. Đừng e ngại việc dạy trẻ sớm và cho rằng bé còn nhỏ không biết gì, ở mỗi độ tuổi, con sẽ tiếp thu được những bài học bằng các cách thức phù hợp. Thế nên mẹ không cần quá lo lắng.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: QQ

3. Sự lạc quan, tự tin

Thay vì lúc nhỏ ở nhà bám mẹ, sợ là khóc, không sợ cũng khóc, thì khi đến trường mẫu giáo, con sẽ được học cách lạc quan, duy trì cảm xúc tích cực và tự tin hơn, không hở chút là khóc nữa. Ngày đầu đi học, trẻ có thể sẽ sợ hãi, lo lắng hoặc bám rịt lấy mẹ. Nhưng chị em cứ yên tâm, trẻ rất nhanh sẽ làm quen được với môi trường mới và khi con hòa nhập, sự tự tin, lạc quan của trẻ sẽ tăng lên rất nhiều. Trong cuộc sống, sự tích cực cũng sẽ khiến cho hành trình của con gặp nhiều may mắn, thuận lợi hơn. Đây là một điều vô cùng tuyệt vời trẻ có thể đạt được khi đi học.

Trong hành trình giáo dục mầm non, con sẽ được rèn những thói quen tốt, dần dần trở thành việc tự giác, tự ý thức. Đó cũng là bước đầu tiên hình thành nhân cách, phẩm chất của con, có ý nghĩa rất lớn tạo nên sự thành công của con khi lớn lên. Hãy nhớ, đứa trẻ sinh ra không có những phẩm chất tốt đẹp sẵn có, mà con người của con chịu tác động rất lớn từ môi trường giáo dục, sự dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô, những bài học từ bạn bè, cuộc sống. Đó chính là bước đệm tuyệt vời để con trưởng thành, càng giáo dục đúng cách, trẻ sẽ càng dễ đạt được thành công ở tương lai.

Mỗi đứa trẻ là duy nhất, con chỉ lớn lên một lần. Đồng hành với sự lớn lên của con bằng tình yêu thương và tô vẽ tuổi thơ của con bằng những màu sắc rực rỡ của lớp mẫu giáo, của bạn bè cùng trang lứa là sự tôn trọng tốt nhất cho sự trưởng thành của con.