Em dám cá, các mẹ nuôi con nhỏ sợ nhất là 3 năm đầu đời của con phải không ạ? Đây là giai đoạn các mẹ bỉm chúng mình hay gọi là đốt 3 tuổi, là giai đoạn con tập ăn, tập kỹ năng vận động và cũng là lúc quen mặt bác sĩ.



Thông thường, nhiều thì tháng tháng mẹ đều bồng ẵm con đi thăm bác sĩ. Ít thì dăm ba tháng lại thăm bác sĩ một lần. Vào mùa dịch bệnh thì đi khám bệnh đến nỗi bác sĩ nhìn mặt cũng ngại. Gặp được bác sĩ cũng phải rồng rắn xếp hàng chờ tới lượt đến rã người. Con bệnh thể nào cũng khó chịu bỏ ăn bỏ uống. Mẹ chăm con vừa sốt ruột vừa vất vả gấp năm, gấp mười ngày thường. Có bố nào từng kinh nghiệm ở chăm con bệnh chắc chắn sẽ thấy thương mẹ hơn nhiều. Chính vì vậy, ở giai đoạn này bố mẹ thường bảo nuôi con chẳng cần thông minh cao siêu gì, chỉ cần khỏe mạnh mỗi ngày là vui lắm rồi.



Con bệnh khổ sở thế nào mẹ nào cũng hiểu. Nhưng không phải ai cũng biết làm cách nào để quẳng bớt vất vả đi.



Như các mẹ cũng biết, hệ thống miễn dịch ở trẻ nhỏ còn non nớt nên rất dễ bị vi khuẩn tấn công, gây bệnh. Vì vậy, qua giai đoạn được cung cấp kháng thể mạnh mẽ từ sữa mẹ thì trẻ sẽ bắt đầu vật lộn với rất nhiều bệnh vặt gây nóng sốt, tiêu chảy... Việc sử dụng thuốc trị bệnh cho trẻ nhỏ lại có nguy cơ kháng kháng sinh. Chính vì vậy, nếu là bệnh thông thường, không cần đến thuốc kháng sinh liều mạnh, mẹ hãy thử dùng các bài thuốc dân gian để chữa cho con.



Dưới đây là những bài thuốc em thường dùng cho con khi bé bắt đầu chớm bệnh. Nếu dùng 2-3 ngày không khỏi thì em mới bắt đầu cho con đi viện. Nhưng thường thì bé nhà em dùng chừng 3 liều đã hiệu quả. Các mẹ xem có dùng được không nha. Khuyến cáo là để an toàn thì các mẹ hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nhé vì có những triệu chứng bệnh tưởng là thông thường nhưng có thể là vi khuẩn, virut nguy hiểm, không thể để bé ở nhà tự điều trị được đâu nhé!



1. Chữa tưa lưỡi dùng cây cỏ mực (cỏ nhọ nồi)



webtretho



Ảnh: Internet



Dùng khoảng 12gr lá cây cỏ mực giã nhỏ lấy nước và hòa với 2 thìa mật ong. Lấy gạc rơ lưỡi thấm vào dung dịch trên và chấm vào những chỗ bé bị tưa, những đốm trắng trên lưỡi của trẻ. Rơ như vậy khoảng 3 ngày sẽ khỏi. Ngoài ra mẹ có thể dùng lá ngót hoặc mật ong nhưng cẩn trọng với trẻ chưa tròn 1 tuổi nhé, kẻo bé ngộ độc đấy ạ.



2. Chữa trớ sữa dùng nước gạo lứt rang



webtretho



Ảnh: Internet




Bé gái lấy 9 muỗng cà phê gạo lứt, bé trai lấy 7 muỗng cà phê gạo lứt. Sau đó đem rang hạt gạo chuyển sang màu vàng sậm. Lấy 1/2 bát nước, 1/2 bát sữa đổ vào phần gạo vừa rang và sắc cho đến khi còn đúng 1/2, để nước gạo rang nguội, còn hơi âm ấm thì cho bé uống. Uống khoảng vài ngày, trẻ sẽ giảm số lần trớ sữa. Lưu ý, cách này không nên áp dụng cho trẻ dưới 7 tháng mẹ nhé.



3. Chữa trẻ hay khóc đêm bằng lá chè non



webtretho



Ảnh: Internet




Cách này là mẹo chữa, không có chứng thực khoa học gì hết các mẹ nha. Tuy nhiên, nhiều mẹ thử mẹo dân gian này lại thấy công hiệu với con mình. Thế nên cách này chia sẻ chỉ mang tính tham khảo thôi mẹ nhé. Cách làm như sau: Lấy vài lá chè non, rửa sạch, giã nhuyễn sau đó đặt vào rốn của trẻ, lấy băng cuốn lại. Làm vậy ít hôm thì bé không còn khóc đêm nữa. Lưu ý, không dùng miệng nhai vì vi khuẩn từ nước bọt nhiều nguy cơ gây bệnh. Ngoài ra, tuyệt đối không đắp trà lên rốn trên trẻ sơ sinh chưa khô rốn hoặc trẻ bị tồn tại ống niệu rốn.



4. Chữa ho dai dẳng bằng rau cải cúc



webtretho



Ảnh: Internet




Bé nào cứ thời tiết thay đổi chút xíu là ho hắng thì mẹ hãy thử lấy khoảng 600g rau cải cúc rửa sạch, thái nhỏ cho vào một cái bát, sau đó thêm một chút mật ong rồi đem vào hấp cho tiết ra nước. Phần nước này chia nhỏ ra cho trẻ uống trong ngày rất công hiệu. Phần dư nên bỏ tủ lạnh tránh vi khuẩn sinh sôi. Khi cho bé dùng chỉ cần thêm ít nước nóng. Lưu ý, nếu bé chưa đủ 12 tháng, dễ ngộ độc mật ong, mẹ có thể thay thế bằng đường phèn khi chưng nhé.



5. Trị nhiệt miệng, nóng trong bằng cây rau ngót



webtretho



Ảnh: Internet



Khi trẻ bị nhiệt miệng, nóng trong hay nổi mụn nhọt sẽ rất khó chịu. Nhiều bé bỏ ăn, bỏ bú, tới giờ ngủ lại khóc quấy khiến mẹ rất vất vả. Để chữa cho con, mẹ chỉ cần dùng lá của cây rau ngót mang giã nhỏ, vắt lấy nước hòa thêm một chút mật ong rồi bôi lên chỗ bị nhiệt. Cũng như những lưu ý trên, mật ong phải thật thận trọng khi dùng cho trẻ dưới 1 tuổi mẹ nhé.



6. Chữa nóng sốt bằng lá dâu tằm



webtretho



Ảnh: Internet



Chuẩn bị: Gạo tẻ, nắm đậu xanh, ít lá tía tô và vài lá dâu tằm. Lấy một nắm đậu xanh và gạo tẻ bỏ vào nấu cháo. Khi cháo đã chín thì lấy một nắm là tía tô và lá dâu nhỏ rửa sạch, vảy nước cho khô. Sau đó thái lá dâu và lá tía tô thật nhỏ bỏ vào nồi cháo, tiếp tục đun nhỏ lửa khoảng 5 đến 10 phút. Bài thuốc này chữa trẻ cảm sốt rất hay. Nhiều bé chỉ cần ăn bát cháo này xong thì không cần phải đến bác sĩ khám nữa vì khỏi hẳn.



7. Dầu mù u hoặc hoa mười giờ trị bỏng nước sôi



webtretho



Ảnh: Internet



Nguyên tắc sơ cứu trẻ khi bỏng là phải ngâm chỗ bỏng vào nước mát chừng 20 phút. Việc làm này giúp da bé mát dịu trở lại, tránh tổn thương sâu. Sau đó mẹ có thể dùng hoa mười giờ giã nhỏ đắp lên vết bỏng nhưng nhớ phải rửa hoa với nước muối cho thật sạch khuẩn. Cách khác, có thể dùng dầu mù u thoa lớp mỏng lên bề mặt da. Dầu mù u có công dụng làm nhanh lành vết thương mà tránh để lại sẹo. Lưu ý, bỏng rất nguy hiểm với da trẻ nhỏ nên nếu vết bỏng nặng mẹ không tự ý đắp lá mà sau bước sơ cứu, hãy đưa con đến bệnh viện thăm khám nhé!



8. Chữa tiêu chảy, xì xoẹt bằng lá mơ tam thể



webtretho



Ảnh: Internet



Thỉnh thoảng con có thể bị tiêu chảy nặng. Để hỗ trợ điều trị song song với việc bổ sung điện giải, mẹ có thể dùng 10 lá mơ tam thể giã nhuyễn vắt lấy nước, cho ít hạt muối rồi rồi hấp lấy nước cho con uống. Đây là bài thuốc chữa tiêu chảy hiệm nghiệm trong dân gian lưu truyền.



9. Tẩy giun cho trẻ



webtretho



Ảnh: Internet




Hạt bí là bài thuốc tẩy giun dân gian rất tốt. Cách làm như sau: Hạt bí đã bóc hết vỏ cứng để nguyên màng xanh ở trong. Giã nhỏ hạt bí trong cối, thêm 60ml nước, 50-100g mật, sirô hoặc đường và trộn đều. Cho con uống trong vòng 1 giờ, nằm nghỉ 3 giờ sau đó uống thuốc tẩy muối. Liều lượng cụ thể cho trẻ theo từng độ tuổi: Trẻ em từ 3-4 tuổi cho 30g, từ 5- 7 tuổi cho 50g, 7-10 tuổi cho 75g.



10. Bài thuốc dân gian chữa hăm da



webtretho



Ảnh: Internet




Trẻ hăm da là chuyện bình thường nhưng nếu không biết cách chăm sóc có thể khiến trẻ bị viêm da. Cách chữa đơn giản nhất là mẹ lấy khoảng 4 đến 5 lá trầu không rửa sạch, đun sôi để nguội, cho thêm một giọt tinh dầu tràm và 1-2 hạt muối tinh. Để nước nấu tắm nguội bớt, còn hơi âm ấm thì tắm cho bé. Sau đó rửa sạch qua bằng nước và dùng khăn mềm khô, thấm sạch. Tắm chừng 3 ngày thì da trẻ sẽ lặn dấu hăm. Lưu ý, lá nấu có thể làm da nhạy cảm của bé bị tổn thương nên phải rửa thật sạch qua muối trước khi nấu. Tốt nhất, nên hỏi bác sĩ về tình trạng da của con trước khi quyết định cho tắm lá hay không vì có bé phản ứng sau tắm, có bé lại tỏ ra rất hạp.



Lưu ý: Đây là những bài thuốc dân gian, được dùng theo kinh nghiệm. Do đó, chúng chỉ mang tính chất tham khảo thôi nhé các mẹ.