webtretho



40 ngày đầu sau sinh, cơ thể mẹ vẫn rất mệt mỏi, do toàn bộ năng lượng được dồn cho ca lâm bồn trước đó. Ngoài ra, việc chăm sóc trẻ sơ sinh rất mệt mỏi, ức chế,…



Nhà em có hai anh em, lại cách nhau có 3 tuổi nên rất thân nhau. Nhớ hồi chưa chồng, ngày nào lão cũng “bán than” về việc “tuổi già” sắp ập đến mà trong tay vẫn chưa có gì, còn em lúc đó cũng giả bộ rên rỉ khi có quá nhiều chàng trai đóng “cây si” nhưng không biết sẽ chọn ai.



Sau này, khi đã sinh con, trong một lần qua thăm cháu, anh trai yêu dấu không quên nhắc lại kỷ niệm ngày xưa và kèm thêm câu “Đàn ông sợ tuổi 30, đàn bà sợ 40 ngày sau sinh”. Ban đầu em không hiểu lắm ý nghĩa câu nói này, nhưng ngẫm lại mới thấy câu này đúng thật các mẹ ạ.



Hôm nay tranh thủ bé Bon còn đang ngủ say trong cũi, em sẽ chia sẻ cho các mẹ nghe nhé:



Vì sao đàn ông sợ tuổi 30?



Cụm từ “ba mươi tuổi” đã ngầm trở thành một chuẩn mực để đo lường sự thành công của một người – có sự nghiệp ổn định chưa, có xe hơi, nhà cửa, hôn nhân hay không, có nhiều tiền hay chưa?



Do đó, ngày nay, những người đàn ông trẻ tuổi đặc biệt sợ hãi tuổi 30. Họ sợ 30 tuổi mà vẫn trắng tay, họ sợ mình không thể làm hài lòng bản thân, cha mẹ và không tránh khỏi sự khinh miệt của xã hội.



Vì sao đàn bà sợ 40 ngày sau sinh?



Còn với chị em phụ nữ, đặc biệt là sản phụ khi nhắc đến 40 ngày sau sinh mọi người đều ám ảnh. Lý do vì:



- Nỗi ám ảnh mang tên ở cữ: Sau sinh, cơ thể mẹ rất yếu, mọi sinh hoạt đều phải có người giúp đỡ. Chưa kể, mẹ còn phải đối mặt với hàng loạt kiêng cữ khác nhau theo từng vùng miền: Có người không được tắm, gội, đánh răng trong 30 ngày đầu sau sinh; Có mẹ phải nằm suốt trong phòng đúng 3 tháng 10 ngày, sau thời gian này mới được ra ngoài,…



- Chảy máu: Mẹ có thể chảy máu âm đạo trong bất cứ thời điểm nào từ 2-6 tuần sau sinh. Chất sản dịch màu đỏ tươi có thể sẽ ra nhiều lúc đầu, nhưng qua ngày kế tiếp chất này sẽ giảm đi và dần dần chuyển sang màu nâu nhạt. Thường dịch bài tiết này sẽ tiếp tục ra cho đến kỳ kinh đầu tiên;



- Vết thương sau sinh: Dù sinh thường hay sinh mổ, mẹ đều phải đối mặt với cảm giác đau đớn. Các mũi khâu có thể đau trong 1-2 ngày, hầu hết sẽ tiêu đi trong vòng một tuần. Mẹ có thể dùng thuốc giảm đau theo đơn thuốc của bác sĩ. Lưu ý: Mẹ bầu không làm việc nặng, bê vác đồ đạc sau khi sinh. Có thể làm dịu các cơn đau bằng cách chườm túi nước đá xung quanh vết mổ và nằm xuống để tránh lực ép lên các mũi khâu;



- Nỗi thất vọng mang tên “chán chồng”: Người ta thường nói “hôn nhân là nấm mồ tình yêu” nhưng thực ra phòng sinh mới là nơi chôn cất chúng. Nếu không được chồng quan tâm, giúp đỡ các mẹ sau sinh dễ nảy sinh tâm trạng chán chồng. Cuộc hôn nhân dễ rơi vào vực thẳm;



- Những áp lực sau sinh: Khi có con, mẹ sẽ đối mặt với hàng tá vấn đề: Con bệnh, không chịu ngủ, không chịu bú,… nếu không có sự giúp đỡ, chuyện trò với người thân mẹ dễ dẫn đến tình trạng quá stress và cuối cùng là trầm cảm sau sinh.