Chúng ta vẫn thường mặc định rằng người lớn dạy trẻ cách nhìn nhận về cuộc sống nhưng đôi khi mình thấy rằng chính trẻ cũng dạy người lớn đấy. Như câu chuyện mà Cún – cháu gọi mình bằng dì, học lớp 5 trường tiểu học Vĩnh Hoà, Nha Trang - một hôm đi học về đã tỉ tê kể về hoàn cảnh của một bạn cùng lớp. Hoàn cảnh của bạn này rất tội, nhà nghèo, ba mất vì bệnh ung thư gan, mẹ thì vừa làm rẫy vừa phụ người ta ở tiệm uốn tóc lo cho con ăn học. Mới học lớp 5 như Cún nhà mình nhưng Duyên Hiếu (tên của bạn Cún) ngoài giờ học ở trường còn đi rẫy lượm đào, lo cơm nước, quét dọn nhà cửa để mẹ đi làm. Nhà nghèo không có tiền đóng học bán trú, ngày hai buổi đạp xe đến trường, vậy mà bạn này vẫn được học sinh giỏi toàn diện, còn được chọn đi thi học sinh giỏi thành phố.


Tuần trước nhà trường chọn Hiếu để trao học bổng “Khăn Đỏ Đến Trường” của báo Thanh Niên và ngân hàng Techcombank tài trợ, Cún nhà mình càng có vẻ ngưỡng mộ bạn Hiếu hơn. Hơn một tuần nay nghe cô giáo bảo là ngoan hơn, tập trung vào bài và không chọc ghẹo bạn nữa. Về nhà thì ăn cơm xong chỉ xin xem một tập Tom & Jerry thôi là tự động lấy sách vở học bài. Như hôm qua đi học về còn tỉ tê với dì đi quyên góp sách vở giấy tập cho các bạn nghèo trong trường nữa. Mà con nít bây giờ suy nghĩ sâu sắc hơn mình ngày xưa ấy, nói chuyện cứ như người lớn: “Mai mốt Cún với bạn Hiếu sẽ làm công an để chiến đấu bảo vệ tổ quốc”. Đúng là Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Khi chứng kiến những tấm gương gần gũi trẻ sẽ tự nhìn nhận và học hỏi được nhiều thứ hơn là những lời chỉ dạy đơn thuần. Ngay cả người lớn nhiều khi cũng giật mình vì trẻ biết nhìn nhận sâu sắc về cuộc sống như thế.