Nói là dạy lễ nghĩa thì quá to lớn,chỉ là chia sẻ với các mẹ về cách dạy bé biết lễ phép. Mình thường bảo con: "con phải biết vâng lời mẹ, phải chào hỏi khi gặp mọi người, phải thật thà, không được nói dối", nhưng xem ra đây là cách giáo dục mang tính áp đặt và không đem lại hiệu quả. Áp lực đó khiến bé cảm thấy những bài học lễ nghĩa trở nên khô khan, đáng ghét. Hậu quả là trẻ nhỏ sẽ quên nhanh những điều cha mẹ vừa dạy bảo.


Mình nhận ra rằng bé còn quá non nớt để hiểu được thế nào là lễ nghĩa, đúng, sai. Tâm lý lứa tuổi này là bé bắt chước thái độ và hành vi của người lớn rất nhanh. Trẻ thường học hỏi từ những thói quen của cha mẹ. Vì thế, trong cách nói năng, cư xử của cha mẹ chính là bài học đầu đời của con trẻ.


Vì thế mình đã chuyển phương pháp khác để dạy cho bé. Khi nhờ con lấy giùm đồ đạc trong nhà. Khi nhận được mình liền cảm ơn ngay. Bé cảm thấy rất vui khi hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều lần như vậy, không cần phải dạy những câu từ về đạo đức một cách rối rắm, bé nhà mình cũng bắt chước cảm ơn mỗi khi nhận được bất cứ thứ gì từ người khác. Khi mắc lỗi hoặc vô ý làm bé đau, mình đã thành thật xin lỗi con. Việc làm đó đã giúp bé hình thành được ý niệm khi không làm điều tốt cho người khác thì phải nói lời xin lỗi.


Thực tế đã chứng minh dạy trẻ bằng những việc làm cụ thể có hiệu quả gấp nhiều lần so với việc cứ lặp đi lặp lại câu nói suông: “Con cảm ơn đi!”. Một hành động gương mẫu của cha mẹ còn giá trị hơn hàng trăm bài thuyết trình hàng ngày.