Mụn cóc, không nguy hiểm nhưng mất thẩm mỹ


Lành tính, không quá nguy hiểm, nhưng mụn cóc lại có khả năng lây lan nên nếu bị nhiễm, người bệnh cảm thấy khó chịu vì đau nhức và mất thẩm mỹ. Bệnh còn rất dễ lây cho người khác nếu không chữa kịp thời…



Nguyên nhân


Mặc dù chỉ là những u nhỏ lành tính, nhưng vì bề mặt thường sần sùi và lại hay mọc ở những vùng da nhạy cảm nên mụn cóc khiến “chủ nhân” vô cùng khó chịu và mất tự tin. Sinh sôi nảy nở bởi virus HPV (Human Papilloma Virus) bằng cách xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài, mụn cóc có thể lan rất nhanh ra các vùng da khác. Trẻ em vốn thường xuyên bị trầy xước chân tay, hay đi chân không, có sở thích cắn móng tay, nghịch đất cát, lê la dưới đất - nơi có virus HPV... lại càng dễ dính bệnh. Phụ nữ cũng rất dễ mắc mụn cóc do thường dùng chung dụng cụ làm móng, cắt khóe móng chân, tay… nên cũng có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh. Ngoài ra, những người bị suy giảm hệ miễn dịch như khi bị ung thư máu, lymphoma hay nhiễm HIV/AIDs dễ bị mụn cóc và thường lâu khỏi.




Mụn cóc rất dễ nhận biết bởi bề mặt sần sùi, hình tròn, có màu xám, vàng, thường mọc ở một số vị trí đặc biệt ở dưới lòng bàn chân, dưới móng chân tay, khi chạm vào thường gây đau nhói. Loại mụn cóc thường gặp nhất, đó là những cục sẩn cứng nhô trên da, do virus HPV xâm nhập vào da thông qua những vết trầy xước nhỏ trên bề mặt da khiến da dần bị sừng hoá. Lớp sừng sần sùi này bảo vệ virus, khiến chúng tiếp tục phát triển, lây lan và tăng kích thước.



Loại mụn cóc bàn chân thường mọc ở lòng bàn chân, gót chân. Mụn cóc bàn chân có thể gây đau nhức ngay cả khi bạn không di chuyển. Chính vì khó chịu, nên người bệnh thường hay táy máy dùng tay cậy nốt sần sùi, nên hay gây trầy xước và chảy máu, từ đó virus được dịp lây lan ra các vùng khác rất khó kiểm soát, khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn và có thể gây nhiễm trùng.



Cách điều trị mụn cóc


Chính vì tính chất dễ lây lan, gây khó chịu và mất thẩm mỹ nên tốt nhất phải trị mụn cóc càng sớm càng tốt. Trên thực tế, mụn cóc có thể tự khỏi sau vài tháng đến vài năm, nhưng nếu không chữa trị sớm sẽ khá phiền hà cho người bệnh. Nhiều người bệnh đã tự chữa bằng mẹo, như lấy nhựa cây đu đủ hoặc mỡ trăn bôi vào mụn nhiều lần… nhưng không mấy hiệu quả.



Một cách điều trị mụn có hiệu quả là dùng lá tía tô vò nát cho ra nước để bôi thường xuyên lên chỗ mụn cóc hoặc tốt hơn là đắp lên mụn cóc, cố định bằng băng dính. Làm nhiều lần liên tục như vậy, bệnh sẽ khỏi sau vài tuần. Trong nhiều trường hợp, khi “tiêu diệt” được cái mụn cóc “mẹ”, các mụn con cũng tự biến mất.





Sau khi điều trị mụn cóc thành công, người bệnh phải chú ý khi sử dung các vật dụng cá nhân khác như khăn tắm, dao cạo râu, kìm/kéo cắt móng tay, khăn lau, giầy dép, quần áo... để tránh tái phát và lây lan vì có thể các vận dụng này đã nhiễm virus HPV trong quá trình bạn sử dụng trước đó.



Trẻ em, hệ miễn dịch còn chưa hoàn chỉnh nên rất dễ bị lây nhiễm. Mẹ hãy bảo vệ con bằng cách tránh dùng chung vật dụng cá nhân, và nếu bị mụn cóc, cần chữa trị cho con ngay. Trẻ nhỏ hiếu kỳ và không biết tự bảo vệ, nên nếu không chữa trị kịp thời sẽ khiến mụn cóc lây lan, gây khó chịu cho bé và thời gian điều trị cũng lâu hơn.