Tôi đến bản Bồ Xồ, Phú Thọ cách đây cũng 10 năm, trong một chuyến du lịch. Điều gây ấn tượng tôi đầu tiên là đôi mắt các em nhỏ ở đây, to, tròn, đen láy, ngơ ngác trước đoàn người ăn mặc hiện đại, máy chụp hình, điện thoại lỉnh kỉnh. Đó là một ngày khá lạnh nhưng các em đi chân đất, áo quần mỏng manh, cũ nát, thậm chí có em chỉ mặc một chiếc quần đùi. Trong khi đoàn người chúng tôi áo quần đầy đủ còn co ro vì lạnh thì các em cứ vô tư chạy nhảy, nô đùa. Anh trưởng đoàn còn nói giỡn là chúng ta còn thua mấy em nhỏ ở đây. Thế nhưng chẳng một ai trong chúng tôi cười nổi.


Buổi tối, chúng tôi được già Lan, người cao tuổi nhất bản mời về nhà ăn cơm. Gọi là cơm chứ thực ra chỉ là một nồi sắn độn cơm, và tất nhiên là sắn thì nhiều hơn cơm. Già bảo già sắp chết rồi nhưng già chưa dám chết vì thương tụi nhỏ quá. Già chỉ ước tụi nhỏ được biết chữ để đổi đời. Ôi, ước mơ ấy sao nhỏ bé mà lại khó thực hiện đến thế. Chúng tôi đã không dám nhìn các bé lúc trở về vì sợ rằng những ánh mắt đó sẽ khiến chúng tôi day dứt mãi.


Tôi không phải là cô giáo dù rất yêu thích nghề giáo nhưng nếu có thể tôi mong mình sẽ góp được một phần công sức nhỏ bé để ước mơ mang chữ về bản của già Lan được trở thành hiện thực.