Lúc con còn nhỏ, mẹ xúc cho con ăn trước cả nhà, con ăn xong, bố mẹ mới ăn. Con đã lớn hơn, bố mẹ cho con ngồi cùng mâm ăn cơm như một người lớn thực sự. Trước bữa ăn, con tự rửa tay xà phòng, lau khô tay, mời cơm, ngồi ăn phải khoanh chân và tự xúc cơm.





Lần đầu, theo thói quen con nài nỉ mẹ xúc cho. Mẹ bảo “Con lớn rồi, con tự xúc ăn như người lớn nào”. “Mẹ con mình cùng ăn thi ai ăn nhanh hơn nhé. Người thắng sẽ được búng tai người thua nhé”. Con đồng ý tự xúc cơm ăn thi. Để khích lệ con, mẹ vờ thua để con thắng. Con tự xúc ăn được 1/3 bát thì con chán, ăn chậm, mồm ngậm cơm và nhất định không tự xúc nữa. Mẹ thất bại rồi.


Bữa thứ hai. Trước bữa ăn, mẹ thỏa thuận với con về thời gian ăn cơm. Con không thích ăn cơm thì con tự giác rời khỏi mâm cơm. Con sẽ nhịn đói bữa đó. Nếu con ăn, con tự xúc cơm trong 30 phút. Hết thời gian con sẽ không được ăn nữa. Vì vậy con phải ăn nhanh, không được vừa ăn vùa chơi.


Bố mẹ đã thực hiện như thỏa thuận, chấp nhận con bỏ bữa hoặc ăn không hết suất. Bởi lẽ bố mẹ không thể xúc mãi cho con được, như vậy là làm hỏng con. Hai tay không chịu làm việc sẽ mất đi sự nhanh nhẹn, tháo vát. Con sẽ lười biếng, ỉ lại. Ở lớp cô hướng dẫn các con tự xúc ăn, tự phục vụ mình. Vì vậy mẹ động viên con: “Cô bảo ở lớp con xúc rất khéo. Con cho bố mẹ xem nào”, “Bố xem, con ăn nhanh như là lốc xoáy kìa”, “Mẹ chưa thấy ai ăn nhanh như vậy”, “Các bạn voi, hổ, cá sấu… (nhân vật tưởng tượng) thua rồi. Tý ăn nhanh hơn cho mà xem”… Những lời động viên đã có tác dụng tích cực. Con phấn khởi, nhai và nuốt nhanh. Con cầm thìa xúc cơm khéo nữa..




Sau này, trước mỗi bữa ăn, mẹ luôn nhắc con nhớ thời gian của bữa ăn. Ăn là một nhu cầu thiết yếu. Khi con ăn ít hoặc bỏ bữa con sẽ bị đói và phải chờ đến bữa sau mà không được ăn vặt. Mẹ cứng rắn với con để con hiểu giá trị và nguyên tắc của bữa ăn. Bị đói một lần con sẽ nhớ. Từ đó, con ăn tự giác, tự xúc và ăn nhanh hơn. Đặc biệt, có bữa thức ăn ưng ý, con ăn hết bát cơm trong 20 phút. Đang ăn, con muốn chuyển sang ăn bằng đũa, bố mẹ cũng đồng ý. Con cầm đũa và cơm cũng khéo lắm.




Thành công được như vậy một phần do bố mẹ kiên trì, kiên định và đóng vai chính quan trọng là con. Mỗi ngày con nhận thức trưởng thành hơn, biết suy nghĩ, thương bố mẹ. Con đang tự chinh phục thử thách của chính mình.