Mình cũng đi qua thời học sinh nên biết, ngày xưa có những trường hợp uất ức vì bị phạt oan, hay cái cách xử phạt quá đáng, nhưng với thân phận học sinh, đâu dám làm gì.

>>> Không có tiền học thêm, học sinh 16 tuổi đau đớn "ra đi" vì bị cô giáo chủ nhiệm xúc phạm

Mà bây giờ khác rồi, xã hội phát triển thì tâm sinh lý của con người cũng có những thay đổi nhất định, nhất là mấy em ở độ tuổi cấp 2, cấp 3 mới lớn rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương, nên cả nhà trường, thầy cô giáo lẫn gia đình phải phối hợp cùng nhau quan tâm đến các em. Để khi có vấn đề là giúp các em xử lý triệt để ngay từ đầu, đừng để những uất ức ngấm sâu trong tâm trí các em, để rồi một ngày bùng phát, dễ dẫn đến hành động dại dột.

Mấy lần đọc báo, mình vẫn thấy những vụ như thế này xảy ra nhiều ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc... chứ chưa thấy ở mình. Nay đọc vụ này mà thấy hết hồn.

Theo báo Công an TP.HCM, nữ sinh Y. là học sinh trường trung học phổ thông Vĩnh Xương, tỉnh An Giang bị ngất xỉu ở trường. Nhà trường đã gọi cho phụ huynh đến thấy cô bé đang nằm ở Phòng Y tế của trường cùng 2 lá thư tuyệt mệnh về việc lấy cái chết của mình để phản đối cho Quyết định xử lý kỷ luật của nhà trường.

hình ảnhẢnh chụp báo Công an TP.HCM. 

Xuất phát từ nguyên nhân cô bé không tham gia học phụ đạo do trường tổ chức. Được biết, trường này tổ chức phụ đạo 5 môn, với số tiền đóng là 1,2 triệu đồng/em học sinh. Nhưng vì em bị bệnh hen phế quản, lại thêm bệnh tim, còn tay phải đang bị gãy phải nẹp inox nên em cứ thường xuyên bị đau nhức, thấy cô bé sức khỏe yếu nên gia đình xin cho bé học 1 môn Anh văn là môn em yếu nhất và cam kết với nhà trường về kết quả học tập cuối năm của em.

Không biết có phải lý do này không mà em Y. cứ thường xuyên bị để ý, nhắc nhở về việc em mặc áo dài mỏng, rồi còn lộ nội y, chưa kể cô giáo trong lớp còn có những lời lẽ khiến các bạn trong lớp chú ý, khiến em cảm thấy ngại ngùng. 

Đỉnh điểm một lần, em bị cô Huỳnh Thị Thu Huệ, là giáo viên chủ nhiệm, nhắc nhỏ lớn tiếng rồi còn đập bàn, nên em dùng điện thoại ghi âm lại cuộc nói chuyện.

Rồi em bị nhà trường cáo buộc vi phạm việc sử dụng điện thoại trong giờ học, đoạn ghi âm giữa em và cô giáo cũng được chuyển từ điện thoại của em sang điện thoại của cô giáo, nhưng không hiểu là với mục đích gì?

Thêm vào đó, vào sáng thứ 2 đầu tuần hồi tuần trước, em bị bêu tên trên loa toàn trường khiến em lo sợ và suy sụp tinh thần, dẫn đến hành động mang thuốc vào trường uống để tự tử sau đó.  

Dù gia đình sau đó đã đến nói chuyện với cô, dặn em Y. xin lỗi cô, nhưng nhà trường vẫn cứ ra Quyết định xử lý kỷ luật. Cụ thể, theo Quyết định em Y. đã vi phạm các lỗi sau: phản ánh không đúng sự thật, gây hiểm lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình; gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo và sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học.

Do Y. vẫn chưa nhận rõ lỗi của mình nên buộc em viết bản kiểm điểm và cấm túc em hàng ngày trong vòng 2 tuần từ ngày 01/12/2020 đến hết 12/12/2020.

Đồng thời, em cũng được yêu cầu phải có mặt ở trường từ 6 giờ 30 phút đến 6 giờ 50 phút mỗi ngày trong tuần để được dạy “Quy tắc ứng xử đạo đức và lao động tại trường”.

Quá uất ức vì Quyết định xử lý kỷ luật của nhà trường, em đã uống hết vỉ thuốc sabutamol, tổng cộng 10 viên, là thuốc chuyên trị hen phế quản mà em hay mang theo uống hằng ngày để tự tử.

hình ảnh


Ảnh: "Thư tuyệt mệnh" nữ sinh viết trước khi uống thuốc tự tử. Nguồn: Gia đình nữ sinh Y. cung cấp. 

Lúc đến trường biết sự việc, gia đình đã đưa em đến Bệnh viện Nhật Tân, thành phố Châu Đốc cấp cứu, rồi chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM. May mắn là em đã qua khỏi cơn nguy kịch và dần hồi phục.

Vụ việc vẫn đang được Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh An Giang làm rõ, xác minh. Trong thời gian chờ kết quả, có nhiều nghi vấn đặt ra như thế này.

Thứ nhất, đoạn ghi âm giữa cô giáo với em Y. vì sao lại bị chuyển từ điện thoại của em sang của cô? Giả sử như đó là hành động giáo dục của cô giáo với em Y. nhưng tại sao cô lại lo lắng về nội dung đoạn ghi âm? Có phải là “có tật giật mình”?

Thứ hai, lúc trước đúng là có quy định cấm sử dụng điện thoại trong nhà trường, nhưng mới đây, Bộ Giáo dục Đào tạo thông qua quy định chính thức cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường với mục đích học tập, nhưng nếu em Y. vì thấy hành động quá đáng của cô giáo, ghi âm lại để về kể lại với phụ huynh thì liệu có sai không?

Qua nhận định về Quyết định xử lý kỷ luật của nhà trường, phía Ban Đại diện Phụ huynh Học sinh cho biết, trong văn bản đã dùng từ ngữ chưa phù hợp dẫn đến hiểu nhầm.

hình ảnh


Ảnh: Vợ chồng bà Nguyễn Thị Quyết đau đớn kể lại sự việc của con gái. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

Phụ huynh thời nay chắc không ai lạ gì với các quy định ngầm ở nơi nhà trường, thầy cô giáo buộc các em học sinh phải học thêm?

Không học thêm thì tất yếu các em học sinh đó sẽ phải bị “để ý” dù là những hành vi nhỏ nhặt nhất, chưa kể còn nhiều người lo sợ con em mình bị cô giáo “đì”, trù dập, nên dù muốn hay không, vẫn phải cho con em mình đi học thêm. Đi làm về trên đường, nhìn cảnh nhiều em học sinh phải vội vã để chạy nhanh vào lớp học thêm sau giờ tan trường, ba mẹ lái xe đằng trước, con ngồi đằng sau tranh thủ ăn miếng bánh mì, bánh bao hay gói xôi… Học nhiều vậy á, nhưng tiếp thu vào đầu không biết được bao nhiêu, hay chỉ là để chạy thành tích giỏi, tốt, còn không thì phải gánh lấy hậu quả “đội sổ” của lớp.

Mà đi học, mình luôn luôn đứng chót thì đâu còn muốn đi học nữa, mình cũng vậy thì huống hồ là trẻ con, phải không các mẹ? Nhiều em bị thầy cô giáo trù dập đến mức bị ức chế tâm lý và có hành động nông nỗi.

Nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi, trong vụ việc này cô giáo và Hiệu trưởng nhà trường liệu có phải chịu trách nhiệm liên đới hay không?

Giả định rằng những gì mẹ em Y. và người thân trong gia đình tường thuật lại là đúng sự thật, thì rất có thể cô giáo của em Y. sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác, do có hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Do hành động này có hậu quả làm nạn nhân tự sát nên khả năng cao phải áp dụng khung hình phạt cao nhất của tội danh, theo Khoản 3 Điều 155 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với mức phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Ngoài ra, còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.

Đó là chưa kể phải bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm của nạn nhân, trong đó có khoản bù đắp tổn thất về tinh thần cho nạn nhân.

hình ảnh


Ảnh trái: Nữ sinh N.T.N.Y điều trị tại bệnh viện. Ảnh phải: Giấy chứng nhận của Bệnh viện Nhật Tân (TP.Châu Đốc, An Giang) về việc điều trị cho nữ sinh N.T.N.Y đã tự uống thuốc salbutamol tự tử. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

Song vụ việc này được giải quyết, đòi hỏi gia đình nạn nhân phải có đơn yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền, vì theo Bộ luật tố tụng hình sự các vụ án như thế này chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc đại diện của bị hại.

Phía Nhà trường, Hiệu trưởng cần liên đới chịu trách nhiệm trong việc bồi thường cho những hậu quả của hành vi này của cô giáo đã gây ra.

Ngược lại, nếu như phía gia đình em Y. có hành vi kể lại, khai báo không đúng sự thật, sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trước đây, thấy đa phần các trường đều có hình thức xử lý kỷ luật đánh vào lòng tự trọng, tự tôn của các em học sinh, khi bêu tên của các em trước lớp, trước toàn trường. Hành vi này được nhiều chuyên gia tâm lý đánh giá nó phản khoa học, dễ làm cho học sinh hoặc là hoảng sợ, lo lắng, hoặc là trở nên lì lợm, chai lì khi bị xử phạt, nên mới đây, Bộ Giáo dục đã bãi bỏ hình thức xử lý kỷ luật này.

Mình cùng phụ huynh của các em học sinh khác mong rằng các trường cũng cần chấp hành nghiêm quy định mới này, để đừng làm tổn thương các em học sinh. Các mẹ có đồng ý không?