Bão lũ ở miền Trung chưa đi qua, mà có quá nhiều thứ vấn đề tồn tại xung quanh cần phải giải quyết.

Bữa giờ nếu ai có theo dõi báo đài cũng biết nữ ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi đóng góp từ thiện, mới đầu 40 tỷ rồi lên 60… và cuối cùng con số đã vượt qua khỏi mốc 100 tỷ.

Kêu gọi ủng hộ đóng góp để giúp đỡ bà con vùng lũ ở miền Trung đã đành, đích thân nữ ca sĩ này đã đi ra tận đấy, chứng kiến từng hoàn cảnh, gia đình nào nghèo khó, cần sự giúp đỡ thì cô tận tay trao tiền cho họ.

Cư dân mạng hầu như ai nấy đều đồng lòng, cảm kích vì hành động, nghĩa cử cao đẹp của cô. Nói lên tấm lòng nhân văn, lá lành đùm lá rách trong thời buổi nhiều khốn khó như bây giờ.

Mình rất cảm kích vì điều đó, chứ với nhiều người đóng góp tiền là đủ, chứ được mấy ai xả thân đến vùng lũ để giúp đỡ bà con đâu, họ lo sợ cho tính mạng nguy hiểm của mình nếu không may gặp phải tai ương.

hình ảnh


Ảnh: Nữ ca sĩ Thủy Tiên đi giúp đỡ bà con miền Trung. Nguồn: Zing News.

Ấy vậy mà hôm qua đến hôm nay, trên mạng xã hội đâu đó, xuất hiện vài tin liên quan đến cái chuyện nữ ca sĩ này kêu gọi quyên góp, ủng hộ bà con miền Trung là vi phạm pháp luật, vi phạm điều cấm của một Nghị định.

Nghị định mà mình đang đề cập tới là Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, được hướng dẫn bởi Thông tư 72/2208/NĐ-CP.

Lập luận mà các tin này ban đầu nghe qua rất hợp lý nha, họ đưa ra quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Nghị định này, là bất cứ tổ chức, đơn vị nào thực hiện công việc tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ phải được cấp phép, ngoài các tổ chức và đơn vị nêu trên thì không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận.

Đấy chỉ cắt khúc một điều khoản của luật rồi nói người ta vi phạm pháp luật, nhưng không biết điều cần thiết cần phải làm khi đọc một văn bản pháp luật là phải đọc 2 thứ quan trọng nhất, đó là phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

Xem kỹ ngay tại Điều 1 của Nghị định đề cập đến phạm vi điều chỉnh sẽ thấy ngay hành động kêu gọi đóng góp từ thiện của nữ ca sĩ Thủy Tiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. Nên mọi quy định được nêu tại Nghị định này đều không có giá trị áp dụng trong việc kêu gọi đóng góp từ thiện.

Về bản chất, hành động thiện nguyện của nữ ca sĩ này là một quan hệ pháp luật dân sự, chứ không phải là quan hệ mang tính mệnh lệnh hành chính, vì thế mà chỉ xét theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành đang được áp dụng mà thôi.

hình ảnhẢnh: Nữ ca sĩ Thủy Tiên đi làm từ thiện ở miền Trung. Nguồn: Zing News và Vietnam Business Insider. 

Theo đó, việc người khác trao tiền cho nữ ca sĩ Thủy Tiên để giúp đỡ bà con đồng bào miền Trung được hiểu đó là hành vi “ủy quyền” cho cô để làm công việc này. Và lẽ đương nhiên, cô chỉ được dùng nó trong phạm vi ủy quyền, tức là phải dùng đúng số tiền cô đã nhận để giúp người dân miền Trung thực sự có hoàn cảnh khó khăn.

Hành vi này được hiểu, người đóng góp là bên tặng cho tài sản, bà con đồng bào miền Trung là bên nhận tài sản, còn nữ ca sĩ Thủy Tiên là bên trung gian, nhận vận chuyển tài sản. Nó chẳng khác gì việc ông A muốn tặng xe máy cho ông B, nhưng vì khoảng cách địa lý, ông A phải nhờ ông C, một chuyện hết sức bình thường trong quan hệ giao dịch dân sự. 

Từ thiện xuất phát từ cái tâm của mỗi con người, nên sao lại cấm, càng vô lý khi những lập luận đó bị áp đặt trong thứ văn bản mang tính chất mệnh lệnh hành chính, sai về mặt bản chất ngay từ đầu.

Pháp luật hiện hành hoàn toàn không cấm cá nhân làm công việc thiện nguyện, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn khó khăn.

Người tiếp nhận tiền, hàng quà từ thiện phải có trách nhiệm sử dụng đúng với những gì mà người ủng hộ trao cho họ để thực hiện dùm.

hình ảnh


Ảnh: Nữ ca sĩ Thuỷ Tiên thông báo đã quyên góp được hơn 100 tỷ đồng. Nguồn: Pháp luật và Cuộc sống. 

Nên nhớ bất kỳ hoạt động thiện nguyện nào mang tính trục lợi, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản hay rửa tiền đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, mức án tù cao nhất có thể là chung thân. Hoặc tội rửa tiền, mức án cao nhất là 15 năm tù.

Vậy đó, nên mẹ thấy phải hiểu đúng bản chất của quy định, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, dẫn dắt tạo lòng tin để thực hiện kế hoạch chống phá. Đôi điều chia sẻ với các mẹ, vì mình biết rằng đang có rất nhiều người lo lắng cho Thủy Tiên, lo sợ rằng cô đang làm trái với một nghị định, rồi lo lắng cho cô sẽ gặp nhiều rắc rối với số tiền quá lớn trong tay. Có người tư vấn khuyên cô nên giao lại cho một tổ chức nào đó, có người lại bảo cô nên lập ra một tổ chức để cùng cô gánh vác, nhưng Thủy Tiên cũng vừa thông báo rằng, cô đã có kế hoạch dùng 100 tỷ vào đúng việc, giúp đúng người cần giúp, việc làm từ cái tâm sẽ được mọi người yêu thương.

Như vậy, các mẹ đã yên tâm phần nào héng, giờ chỉ chúc cho Thủy Tiên nhiều sức khỏe để có thể tiếp tục giúp đỡ bà con mình.

Tổng hợp