Hiện tại, Doanh nghiệp tôi có trụ sở tại quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, đã ký hợp đồng lao động với người lao động, thực hiện tham gia bảo hiểm xã hội và đóng thuế thu nhập cá nhân tại quận Đống Đa. Trong trường hợp điều chuyển người lao động đến chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh làm việc thì thủ tục chuyển đổi thuế thu nhập cá nhân và Bảo hiểm xã hội của người lao động tại chi nhánh được thực hiện như thế nào? Để tìm được đáp án cho câu hỏi này mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của Y&P Law firm.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

●         Bộ luật Lao động 2019

●         Luật Quản lý thuế 2019

●         Thông tư số 80/2021/TT-BTC

●         Quyết định số 595/QĐ-BHXH

hình ảnh

Kê khai thuế thu nhập cá nhân của Người lao động khi được điều chuyển đến làm việc tại chi nhánh

Căn cứ tiết a1 điểm a khoản 3 Điều 19 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định:

Điều 19. Khai thuế, tính thuế, phân bổ thuế thu nhập cá nhân

3. Khai thuế, nộp thuế:

a) Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công:

a.1) Người nộp thuế chi trả tiền lương, tiền công cho người lao động làm việc tại đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại tỉnh khác với nơi có trụ sở chính, thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công theo quy định và nộp hồ sơ khai thuế theo mẫu số 05/KK-TNCN, phụ lục bảng xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho các địa phương được hưởng nguồn thu theo mẫu số 05 1/PBT-KK-TNCN ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp; nộp số thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công vào ngân sách nhà nước cho từng tỉnh nơi người lao động làm việc theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư này. Số thuế thu nhập cá nhân xác định cho từng tỉnh theo tháng hoặc quý tương ứng với kỳ khai thuế thu nhập cá nhân và không xác định lại khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân.


Như vậy, đối với Người lao động làm việc tại chi nhánh TP.HCM (khác nơi có trụ sở chính), Doanh nghiệp cần thực hiện kê khai, nộp thuế gồm:

  • Trả lương cho Người lao động
  • Khấu trừ thuế Thu nhập cá nhân
  • Nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục bảng xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho các địa phương được hưởng nguồn thu cho cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp
  • Nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương của người lao động làm việc tại chi nhánh cho ngân sách TP.HCM

Thủ tục kê khai, nộp thuế bảo hiểm xã hội của Người lao động khi được điều chuyển đến làm việc tại chi nhánh

Căn cứ Điểm 3.2 Khoản 3 Điều 7 Quyết định số 595/QĐ-BHXH (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 1 Điều 1 Quyết định 888/QĐ-BHXH)


Điều 7. Phương thức đóng theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

3. Đóng theo địa bàn

3.2. Chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào thì đóng BHXH tại địa bàn đó hoặc đóng tại Doanh nghiệp mẹ…”

Theo quy định trên chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào thì đóng BHXH tại địa bàn đó hoặc đóng tại Doanh nghiệp mẹ. Theo đó, doanh nghiệp có thể giữ nguyên việc đóng BHXH tại Hà Nội cho NLĐ làm việc tại chi nhánh hoặc thực hiện đóng BHXH tại địa bàn chi nhánh cho NLĐ làm việc tại chi nhánh.

Trường hợp Doanh nghiệp muốn để chi nhánh đóng BHXH cho NLĐ làm việc tại chi nhánh thì thực hiện như sau: 

-  Doanh nghiệp báo giảm đóng BHXH cho những NLĐ này tại cơ quan đang tham gia BHXH tại Hà Nội. Hồ sơ báo giảm (điều chỉnh) tham gia BHXH bao gồm (theo Điều 23 Quyết định 2525/VBHN-BHXH):

  • Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS)
  • Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS)
  • Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02 - LT)

-  Chi nhánh tại TP.HCM nộp hồ sơ tham gia BHXH cho NLĐ tại cơ quan BHXH nơi đặt địa chỉ của chi nhánh. Hồ sơ tham gia BHXH bao gồm (theo Điều 23 Quyết định 2525/VBHN - BHXH):

  • Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS)
  • Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS)
  • Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (Mẫu D02-LT)

Ưu và nhược điểm của việc đóng BHXH cho NLĐ làm việc tại chi nhánh theo trụ sở Doanh nghiệp

-  Ưu điểm: Duy trì sự ổn định về quản lý nhân sự. Doanh nghiệp tiếp tục tham gia BHXH cho NLĐ như trước không phải thực hiện thủ tục báo giảm tại Hà Nội, báo tăng tại TP.HCM. Đồng thời, nhân sự quản lý về BHXH tại trụ sở dễ dàng nắm bắt, giải quyết, xử lý các vấn đề về BHXH cho NLĐ làm việc tại chi nhánh.

-  Nhược điểm: Chọn nơi khám chữa bệnh ban đầu cho NLĐ tại TP.HCM sẽ có hạn chế hơn (chỉ được chọn những cơ sở trong danh sách các cơ sở khám chữa bệnh BHYT nhận đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho người tham gia BHYT các tỉnh/thành khác tại TP.HCM).

Ưu và nhược điểm của việc đóng BHXH cho NLĐ làm việc tại chi nhánh tại địa chỉ chi nhánh

-  Ưu điểm: Nhiều lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh ban đầu cho NLĐ.

-  Nhược điểm: Thủ tục phức tạp khi phải thực hiện báo giảm BHXH tại Hà Nội, báo tăng BHXH tại Tp.HCM. Bên cạnh đó, nếu không có người chuyên phụ trách về BHXH tại TP.HCM mà nhân viên nhân sự chủ yếu làm việc tại Hà Nội thì sẽ có nhiều bất tiện trong việc trao đổi thông tin, giải quyết hồ sơ, …

Xem chi tiết tại: https://vinhphuclawyers.vn/kien-thuc-phap-ly/lao-dong/thu-tuc-chuyen-doi-thue-thu-nhap-ca-nhan-va-bao-hiem-xa-hoi-khi-lam-viec-tai-chi-nhanh-35869.htm