Mùa của lễ hội đang đến, có người chọn đi du lịch ở nước ngoài, cũng có người chọn đi du lịch trong nước bằng máy bay, tàu lửa, xe hơi và có khi cả bằng xe máy nữa kìa!


Đi du lịch phượt bằng xe máy nghe có vẻ thú vị nhỉ, cơ mà bạn cần chuẩn bị hành trang đầy đủ cho chuyến du lịch sắp tới nhe, nào đồ đạc, thuốc men, phương tiện sơ cứu nếu có... Và quan trọng là cả kiến thức pháp luật giao thông đường bộ khi đi đường nữa đó!


Sẽ mất vui khi đang đi lái xe mà bạn bị Cảnh sát giao thông (CSGT) tuýt còi vì lỗi vi phạm ngớ ngẩn của mình. Dưới đây là những điều bạn nên biết khi đang đi đường mà bị CSGT tuýt còi.


#1. Khi nào CSGT tuýt còi?


CSGT tuýt còi thường chủ yếu là khi phát hiện thấy bạn có lỗi vi phạm giao thông bằng phương pháp trực tiếp phát hiện hoặc thông qua camera... và một số trường hợp nếu bạn đi đường tối quá khuya, sau 21 giờ sẽ tuýt còi không vì lỗi vi phạm mà để kiểm tra hành chính. Nếu bạn đầy đủ giấy tờ thì được phép đi tiếp.
webtretho


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet



#2. Các lỗi vi phạm giao thông thường gặp và mức phạt


Đối với phương tiện giao thông là xe máy, xe gắn máy, chủ yếu bị phạt các lỗi với mức phạt sau đây:


- Vượt đèn đỏ: 300.000 đồng – 400.000 đồng.


- Lấn làn đường: 300.000 đồng – 400.000 đồng.


- Không bật đèn xi nhan khi rẽ: 300.000 đồng – 400.000 đồng.


- Đi vào đường một chiều, đường cấm: 300.000 đồng – 400.000 đồng.


- Chạy quá tốc độ cho phép: có 3 mức phạt tùy theo tốc độ vượt quá, bao gồm 100.000 đồng – 200.000 đồng, 500.000 đồng – 1.000.000 đồng, 3.000.000 đồng – 4.000.000 đồng.


- Không đội mũ bảo hiểm: 100.000 đồng – 200.000 đồng.


- Nghe điện thoại di động khi đang đi đường: 100.000 đồng – 200.000 đồng.


- Sử dụng rượu bia khi lái xe: tùy theo nồng độ cồn vượt quá mà bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng hoặc từ 3.000.000 đồng – 4.000.000 đồng.


Mức phạt áp dụng theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Không đơn thuần chỉ là phạt tiền, bạn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe vài tháng và bị xử lý hình sự nếu vì lỗi vi phạm này mà gây ra tai nạn giao thông.


Vì thế, bạn nên chú ý tuân thủ Luật giao thông đường bộ nhé!


#3. Khi bắt gặp lỗi vi phạm giao thông của bạn, CSGT cần có thái độ cư xử đúng mực


Đó là phải chào hỏi, giữ tư thế, lễ tiết và tác phong, đồng thời có thái độ ứng xử đúng mực. Đặc biệt không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối với bạn là người vi phạm.


Nếu phát hiện lỗi vi phạm của bạn, nếu lỗi thuộc trường hợp phải nộp phạt dưới 250.000 đồng thì bạn được nộp phạt tại chỗ. Dù nộp phạt tại chỗ hoặc nộp tại Kho bạc nhà nước thì đều phải có biên lai thu tiền. Trong trường hợp phát hiện lỗi qua camera, máy bắn tốc độ thì phải lập biên bản vi phạm.


Đặc biệt, nếu bạn không đồng ý ký vào biên bản vi phạm, theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì biên bản này phải có chữ ký của 02 người làm chứng. Điều này, theo nhiều CSGT được cho là gây khó khăn cho họ khi thực hiện nhiệm vụ “Nếu sự việc xảy ra buổi tối, và rất nhanh thì lấy đâu người làm chứng”.


Hơn nữa, nếu bị lập biên bản, và không đồng ý với biên bản vi phạm được lập, bạn có quyền khiếu nại. Nhưng trước hết bạn vẫn phải nộp phạt thì mới thực hiện được các thủ tục khiếu nại theo Luật định.


Do vậy, chấp hành pháp luật giao thông đường bộ không chỉ mang ý nghĩa để không bị phạt, tốn tiền, mất thời gian đi nộp phạt, mà bạn cần phải nghĩ rằng để đảm bảo an toàn giao thông cho mình và những người đi đường khác.


Chúc các bạn sẽ có chuyến hành trình vui vẻ trong thời gian tới.