Từng chứng kiến bao nhiêu cặp vợ chồng sống yên ổn với nhau mấy chục năm, thì bất ngờ đòi ly hôn, nên xem câu chuyện này mình cũng không mấy bỡ ngỡ.

>>> Ly hôn xong, chồng trốn cấp dưỡng cho vợ con có thể bị phạt tù đến 2 năm: Các ông xem mà liệu

Nên kể để các mẹ xem đó là bài học cho mình nha. Chị kể là vợ chồng chị kết hôn tới nay được 10 năm, đi lên từ 2 bàn tay trắng. Anh ban đầu làm tài xế xe tải, chở thuê vật liệu xây dựng, rồi anh quen mối nên vợ chồng mở riêng vật liệu xây dựng. Thế là chị bán hết số vàng cưới rồi mượn thêm của bố mẹ đẻ sổ đỏ để thế chấp vay tiền ngân hàng. Chồng chị rất chịu khó, chị lại biết thu vén, nên chẳng mấy chốc, từ cửa hàng nhỏ đã lớn lên dần.

Chuyện kinh doanh làm ăn ngày càng có lãi, đời sống gia đình thay đổi rõ rệt. Mỗi người có xe hơi riêng, xây được căn nhà 3 tầng khang trang. Có tiền nhiều nên chồng chị nhìn cũng phong độ, đẹp trai hẳn ra. Con cái có điều kiện học hành.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Unplash. 

Thấy cuộc sống viên mãn, chị thấy hài lòng, mong muống như vậy là đủ. Cũng nhờ kinh tế dư dả nên chị cũng có thời gian chăm sóc bản thân, vì nghĩ rằng nếu không làm thì chồng sẽ mau chán, nhất là anh chồng lại hay ra ngoài giao tiếp, có biết bao cô gái khác trẻ đẹp hơn vợ.

Chính vì cuộc sống quá đỗi hài lòng, nên chị càng muốn giữ lửa gia đình, hằng ngày săn sóc cả nhà bằng những bữa cơm ngon lành, sắm sửa, sắp xếp đồ đạc trong nhà ngăn nắp, tươm tất. Chồng chị tuy học không cao nhưng rất biết nói những lời ngọt ngào, hoa mỹ. Nên chị một mực rất tin tưởng chồng sẽ chung thủy với mình suốt đời. Nhưng đó chỉ là sự ngây thơ của đàn bà phụ nữ tụi mình thôi các mẹ. Mình từng nghe chia sẻ của biết bao cô vợ, ban đầu tin tưởng chồng lắm, chẳng hề nghĩ anh ta có nhân tình bên ngoài, mãi đến khi có chuyện, cái kim trong bọc cũng có ngày lộ ra. Lúc đó cảm giác hụt hẫng biết dường nào.

Chị này cũng không ngoại lệ, một hôm chị phát hiện và những ngày sau đó theo dõi, chị biết là chồng mình có qua lại với một cô gái độ khoảng hơn 20 tuổi, đang làm PG cho một hãng rượu. Chẳng hiểu cô gái này có điều gì mà khiến chồng chị si mê, ngày nào cũng đưa đón đi chơi, thậm chí còn mang tiền nhà chu cấp cho nhân tình.

Nếu mẹ trong hoàn cảnh này mẹ cảm giác thế nào, tức lắm chứ phải không? Bao nhiêu tiền bạc công sức làm ra bị chồng dâng cho người ngoài, hỏi sao không tức cho được.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels. 

Thế là chị nổi cơn ghen, bắt chồng chấm dứt quan hệ ngoại tình. Càng tranh cãi, vợ chồng càng rơi vào trạng thái chiến tranh lạnh. Có lần chị hẹn gặp cô nhân tình kia, cảnh cáo không được phá hoại gia đình hạnh phúc của chị, thế mà cô gái nọ có vừa gì, có nói kiểu mỉa mai, nhà chị có còn hạnh phúc đâu mà phá nữa. Nghe xong chị càng đau đớn, cộng với tâm trạng bất ổn nên chị xông vào tát cô này vài cái. Chồng chị bắt gặp, bênh cô bồ ra mặt, còn rủa xả vợ không ngớt.

Chị cay đắng nên đơn phương nộp đơn ly hôn và xin nhận nuôi cả 2 đứa con. Người chồng như thế, cố sống chỉ làm bản thân đau khổ thêm. Nên dự định sẽ đưa con đi nơi khác, bắt đầu cuộc sống mới.

Tưởng mọi thứ sẽ theo ý muốn, chồng chị lại gây khó dễ, đòi chia con, mỗi người nuôi 1 đứa. Mà các mẹ biết rồi đó, có mẹ nào muốn xa con đâu. Cứ nghĩ đến cảnh phải xa con là lòng đau quặn, tim như bị cào xé.

Nhiều ngày đấu tranh căng thẳng, chồng chị rốt cuộc cũng đồng ý cho chị nuôi 2 con, nhưng đổi lại chị phải trả hết số vàng cưới ngày xưa mẹ anh cho. Chị phản ứng gắt vì yêu cầu quá đáng, bởi số vàng đó chị cũng đã đầu tư vào cửa hàng của 2 vợ chồng, giờ làm gì còn để trả. Anh cũng không vừa gì tỏ thái độ, đón dâu về mới được tặng số vàng đó, giờ bỏ nhau thì phải trả lại.

Không những thế, anh còn gắt, nếu đã bán thì phải bỏ tiền mua lại. Tất nhiên nếu muốn nuôi con thì phải chấp nhận mọi thứ, chỉ không ngờ là người mình từng đầu ấp tay gối lại có thể cư xử cạn tàu ráo máng với mình vậy.

Các mẹ nghĩ anh chồng này có được toại nguyên, trả lại hết số vàng cưới không?

Mình nghĩ đó là trên phương diện của mẹ chưa nắm rõ Luật hôn nhân và gia đình trước và sau khi kết hôn nên mới đành chấp nhận mọi thứ yêu cầu đến mức bất hợp lý đến thế của người chồng. Chứ về mặt pháp lý, khi ly hôn, luôn có những quy định để đảm bảo cho cuộc sống vật chất của vợ con, nhất là với trường hợp người vợ đang nuôi con nhỏ các mẹ à, thêm nữa là chồng có lỗi ngoại tình.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Mẹ nên nhớ mấy nguyên tắc về vấn đề tài sản và quyền nuôi con, cùng một số vấn đề khi ly hôn để nếu mai này, mình bị lâm vào hoàn cảnh như chị gái trong câu chuyện nêu trên, sẽ biết cách xử lý khôn ngoan.

#1. Ly hôn có 2 trường hợp: 1 là đồng thuận, 2 là đơn phương.

Ly hôn đồng thuận dễ dàng lắm, cứ thỏa thuận được các vấn đề chia tài sản, quyền nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn thì thời gian giải quyết lẫn án phí, lệ phí cũng nhanh chóng, nhẹ nhàng.

Còn ly hôn đơn phương sẽ trải qua một số bước như hòa giải tại Tòa, khi hòa giải không thành và có yêu cầu thì Tòa giải quyết cho ly hôn, các vấn đề chia tài sản và quyền nuôi con, nghĩa vụ cấp dưỡng… sẽ dựa trên nhiều yếu tố để phán quyết.

#2. Chia tài sản khi ly hôn không phải lúc nào cũng là 50:50

Tất nhiên việc chia tài sản khi ly hôn pháp luật luôn tôn trọng sự thỏa thuận, nhưng nhớ là thỏa thuận đó không được trái với pháp luật và đạo đức của xã hội, nghĩa là việc phân chia tài sản theo thỏa thuận phải không làm phương hại đến cuộc sống của cả 2 bên sau ly hôn.

Còn nếu không thỏa thuận được vẫn có thể chia theo luật định, về cơ bản thì tài sản chung, hình thành trong thời kỳ hôn nhân là chia đôi, nhưng có tính đến các yếu tố lỗi của một trong hai bên khi ly hôn. Tất nhiên, lỗi ở đây có nhiều, có thể là ngoại tình hoặc là nghiện ngập, cờ bạc… dẫn đến phá tán tài sản. Lúc này, người có lỗi sẽ được chia tài sản ít hơn.

Và dĩ nhiên việc nhờ Tòa phân chia tài sản sẽ phải tốn tiền án phí, lệ phí. Tài sản nhờ chia càng nhiều thì tiền này cũng sẽ càng nhiều, vụ án ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên là một ví dụ điển hình để các mẹ thấy về số tiền án phí khủng.

#3. Quyền nuôi con sau ly hôn

Nếu con dưới 36 tháng tuổi thì thường được giao cho mẹ nuôi nhưng cũng phải tính đến yếu tố có lợi cả về vật chất lẫn tinh thần của con. Trường hợp con từ 07 tuổi trở nên sẽ xét theo nguyện vọng của con, tất nhiên có tính đến các yếu tố để có lợi cho con.

Người nào không trực tiếp nuôi con sẽ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con dựa trên khả năng tài chính của mình. Và nếu ai trốn tránh nghĩa vụ đó, có khả năng phải chịu trách nhiệm hình sự đó.

Quay trở lại với câu chuyện của chị gái nêu trên, anh chồng đòi yêu cầu trả lại hết số vàng cưới là quá vô lý và khó chấp nhận được, nên chị có thể đưa vấn đề này cùng với đơn yêu cầu giải quyết việc ly hôn để Tòa án xử lý, giải quyết, mình cá chắc rằng, Tòa sẽ phân xử theo hướng có lợi cho chị, với thêm nữa sự đổ vỡ trong cuộc hôn nhân này là do anh, có lỗi của anh, chứ đâu phải của chị, nên lợi ích phần nhiều sẽ thuộc về chị.

Nghe khuyên răn, chị phần nào yên tâm, cân nhắc để giải quyết chuyện của mình.

Tổng hợp