Việc cháu bé 6 tháng tuổi phải nhập viện truyền máu gấp vì được nuôi bằng sữa đặc làm ai nghe qua cũng xót xa.

Bị cha mẹ ỏ rơi, cháu bé ở với bà nội. Nhưng cuộc sống của bà khó khăn nên bà chỉ có thể nuôi cháu bằng sữa đặc. Kết quả là cháu bé 6 tháng tuổi phải nhập viện truyền máu vì thiếu vi chất. Câu chuyện được chia sẻ trên fanpage của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) mới đây khiến ai đọc qua cũng cảm thấy thương cho hoàn cảnh của hai bà cháu.

hình ảnhNguồn ảnh: fb Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM)

Vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần hai, bệnh viện tiếp nhận một bé gái tròn trĩnh, xinh xắn 6 tháng tuổi nhưng da niêm xanh xao. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu bị thiếu sắt nặng, thể tích khối hồng cầu máu còn 16% (bình thường theo tuổi ít nhất trên 30%). Cháu được chỉ định truyền máu gấp

hình ảnhNguồn ảnh: fb Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM)

Bà nội ngơ ngác không hiểu tại sao cháu mình bụ bẫm như vậy mà phải truyền máu. Nhưng sau khi nghe giải thích, bà mới hiểu rằng sữa đặc nghèo dinh dưỡng, chủ yếu chỉ chứa đường, không phù hợp làm thức ăn cho trẻ. 

Khi đó, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Minh vì thương hoàn cảnh hai bà cháu, đã chạy xuống siêu thị tiện ích ở bệnh viện mua ngay cho bé hộp sữa công thức phù hợp tuổi. Bác cẩn thận hướng dẫn bà cách cho bé uống sữa, ăn dặm sao cho cung cấp đủ dinh dưỡng, bù đắp lượng vi chất cũng như sắt thiếu hụt ở bé.

Thật vui vì đến ngày tái khám, Tiểu Sumo (tên gọi trìu mến mà các y bác sĩ bệnh viện gọi bé) vẫn tròn trĩnh, xinh xắn nhưng “hồng hào và khí chất tươi tắn hơn hẳn”.

Lưu ý với các mẹ nuôi con nhỏ

- Sau 6 tháng, sữa mẹ không còn cung cấp đủ sắt cho bé. Vì vậy, mẹ cần bổ sung sắt, các chất dinh dưỡng khác cho trẻ thông qua chế độ ăn dặm thêm bột ngọt, bột mặn, cháo…

- Thực phẩm ăn dặm của bé phải đủ 4 nhóm gồm đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất, đặc biệt, bổ sung nguồn đạm từ động vật.

- Đặc biệt, cha mẹ cần thay đổi quan niệm con mập mạp mới tốt. Con mập mạp là chứng tỏ - con được nuôi đầy đủ chất. Thật ra, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Thực ra trẻ bụ bẫm vẫn có thể bị suy dinh dưỡng. 

Trẻ suy dinh dưỡng thể thừa cân, béo phì phần lớn là có sự mất cân bằng giữa các nhóm chất. Chế độ ăn có thể nhiều năng lượng nhưng năng lượng lại chủ yếu nằm ở chất bột, đường.

- Nhìn chung, nểu còn băn khoăn về chế độ chăm sóc trẻ, tốt nhất cha mẹ nên nhờ bác sĩ chuyên khoa nhi và dinh dưỡng tư vấn.