▪︎Hoóc môn thay đổi, tâm trạng của trẻ hay thay đổi, ví dụ như nhạy cảm hơn, dễ nổi giận bất ngờ, dễ nhiệt tình, nhưng cũng dễ chán nản.

 ▪︎Trẻ phát triển cả về mặt đạo đức và xã hội. Bạn cùng lứa rất quan trọng, có khi trẻ còn chịu ảnh hưởng của bạn bè hơn cả của cha mẹ, thầy cô.

 ▪︎Trẻ có cảm giác xáo trộn, có thể nhầm lẫn về vai trò vì không biết mình sẽ đóng vai trò gì khi thành người lớn. Trẻ có thể trở nên bướng bỉnh, nổi loạn, chống đối. Trẻ thích thể hiện cá tính, thể hiện bản thân, vì vậy, dễ xảy ra va chạm, xung đột với người lớn. Nhu cầu độc lập, tự lập của trẻ được thể hiện rõ hơn. Việc trẻ tỏ ra thách thức tranh luận, cãi lại người lớn có thể coi là điều bình thường.

 ▪︎Người lớn không nên coi hành vi tiêu cực của trẻ là để cố tình chống lại cha mẹ, thầy cô mà nên hiểu rằng việc trẻ có thể độc lập, tự chịu trách nhiệm còn rất khó khăn vì trẻ chưa đủ trưởng thành và vẫn có nhu cầu phụ thuộc, dựa dẫm và cần sự hướng dẫn của người lớn. Hãy nghĩ lại trải nghiệm của bạn khi ở lứa tuổi đó: Liệu bạn có gặp khó khăn tương tự với người lớn không?

 ▪︎Trẻ muốn được tin tưởng để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn. Lúc này nhiều em như ở ngã ba đường và không biết nên đi theo hướng nào. Người lớn cần hướng dẫn một cách thân thiện, tôn trọng, giúp đỡ xác định mục tiêu và hướng đi để trẻ dần tạo lập chỗ đứng trong cuộc sống sau này.